Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị An ninh Munich lần thứ 56: Bất đồng, mâu thuẫn...

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56: Bất đồng, mâu thuẫn giữa các cường quốc

Từ 14-16/2, diễn ra Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 tại Đức nhằm thảo luận các vấn đề “nóng” liên quan an ninh, chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, tại Hội nghị, mâu thuẫn, bất đồng giữa các cường quốc tiếp tục trở nên căng thẳng hơn.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 có sự tham dự của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia, khoảng 100 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế. Khách mời đáng chú ý như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ tham dự.

Nội dung trọng tâm của Hội nghị là các giải pháp cho những vấn đề “nóng” trên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, dự án Dòng chảy phương Bắc 2… Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu, sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19)…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (14/2) đã gián tiếp chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cáo buộc Washington, Trung Quốc và Nga gây mất an ninh và ngờ vực trên toàn cầu bằng sự cạnh tranh “quyền lực lớn”; cho rằng Nga đã một lần nữa biến lực lượng quân sự và thay đổi bạo lực các đường biên giới ở lục địa châu Âu thành các phương tiện chính trị. Trung Quốc thì chỉ chấp nhận luật pháp quốc tế khi luật đó không đi ngược lại lợi ích của chính nước này. Và đồng minh gần gũi nhất của chúng ta là Mỹ – dưới chính quyền Mỹ hiện nay, từ chối ý tưởng một cộng đồng quốc tế. Ông Steinmeier cho rằng kết quả cuối cùng là “sự thiếu tin tưởng hơn, nhiều vũ khí hơn, an toàn ít hơn… tất cả lộ trình này sẽ dẫn tới một cuộc đua vũ trang hạt nhân mới”. Bên cạnh đó, Tổng thống Đức cũng kêu gọi nước này nên tăng chi tiêu quốc phòng để đóng góp nhiều hơn cho an ninh châu Âu và duy trì liên minh với Mỹ, ghi nhận rằng mối quan tâm của Mỹ đang chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là mối lo ngại hàng đầu của Mỹ. Lo ngại của Mỹ về Trung Quốc cũng là mối lo ngại của châu Âu. Cộng đồng quốc tế cần phải cảnh giác trước những thách thức do Trung Quốc gây ra. Theo ông Esper, Trung Quốc cần phải tuân thủ các quy tắc quốc tế trong việc thúc đẩy “sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao” của mình. Trong khi khẳng định Mỹ “không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc”, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách và hành vi, bảo vệ các quy tắc và trật tự quốc tế phải là ưu tiên “tập thể” của cộng đồng quốc tế. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có những chỉ trích chính sách ngoại giao của Trung Quốc: “Trung Quốc có bất đồng biên giới và hải phận với các quốc gia láng giềng. Nói về vấn đề an ninh mạng, Huawei hay các công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang làm lá chắn cho tình báo Trung Quốc”.

Đáp trả, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng ngay lập tức bác bỏ chỉ trích của Mỹ, cho rằng những cáo buộc này là “dối trá”; cho rằng “khi tôi đến đây đã biết thông tin về các quan chức Mỹ nói về Trung Quốc. Một lần nữa họ lại tiếp tục có những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc như thường lệ. Tôi xin khẳng định rằng tất cả các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc là không đúng sự thực, không dựa vào bất cứ bằng chứng và thực tế nào”.

Tổng thư  ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tiếp tục bảo vệ cho mối quan hệ Mỹ-châu Âu, với khẳng định, bất kỳ nỗ lực nào để đẩy châu Âu khỏi Bắc Mỹ không chỉ làm suy yếu quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà còn có nguy cơ chia rẽ châu Âu”.

Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger nhận định, chúng ta có nhiều cuộc khủng hoảng hơn, khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn và 3 ngày hội nghị không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế giới.”

Theo giới phân tích, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; đối phó với các thách thức, nguy cơ; bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Dư luận quốc tế mong muốn các quốc gia tăng cường mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng Hội nghị An ninh Munich là một diễn đàn ngoại giao đa phương về các vấn đề an ninh quốc tế, và tất cả các vấn đề nóng trên thế giới đều được đặt lên bàn nghị sự. Năm nay, có 40 nguyên thủ quốc gia, hơn 100 bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, nhiều chính khách, học giả, đại diện tập đoàn kinh tế lớn có mặt tại MSC 2020. Họ cùng nhau thảo luận những vấn đề nóng về an ninh thế giới. Ở cấp độ toàn cầu, đó là về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung; căng thẳng Mỹ – Nga; kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt; Mỹ – Nga rút khỏi hiệp ước INF, chống biến đổi khí hậu; quan hệ xuyên Đại Tây Dương Mỹ – châu Âu, dịch bệnh… Nhưng điểm nhấn được nhiều người quan tâm tại hội nghị năm nay là việc nhiều diễn giả chỉ trích sự thiếu trách nhiệm của 3 cường quốc: Mỹ, Trung Quốc và Nga, đẩy thế giới vào bất ổn, khó đoán định. Còn ở cấp độ khu vực, những vấn đề an ninh chiếm khá nhiều thời gian của diễn đàn là vấn đề Trung Đông, quan hệ Mỹ – Iran, Israel – Palestine xung quanh kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump… Chúng bộc lộ rằng, Mỹ đang đứng ở phía bị cô lập, cả châu Âu cùng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ cùng đứng về 1 phía phản đối Mỹ. Qua đó, tôi cho rằng không khí khá cởi mở và thẳng thắn tại MSC khi nhiều học giả phương Tây thẳng thắn phê phán cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Trump đối với Israel và một loạt biểu hiện trong 3 năm cầm quyền của ông. Ngoài ra, xung đột Donbass (Ukraine), vấn đề Libya, Yemen, Syria, Afghanistan, Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga… cũng được bàn thảo tại hội nghị lần này, cho thấy vấn đề an ninh khu vực tập trung vào Trung Đông, phản ánh rằng đây vẫn tiếp tục là điểm nóng.  

Tuy nhiên, tại Hội nghị lần này, mâu thuẫn, bất đồng giữa Trung – Mỹ về mặt chiến lược, an ninh, chính trị ngày càng rõ nét và căng thẳng hơn. Quan hệ Mỹ – Nga cũng được đề cập khá nhiều. Các đại biểu dự hội nghị mong muốn 3 cường quốc này có trách nhiệm hơn, giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa các bên, tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức toàn cầu. Ở cấp độ khu vực, mâu thuẫn lớn nhất có lẽ là trong quá trình giải quyết mối quan hệ Israel – Palestine và Mỹ – Iran, bộc lộ việc ngay trong thế giới phương Tây, châu Âu hoàn toàn phản đối, bất bình trước kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông Trump công bố hồi tháng 1, cũng như không đồng tình với việc Mỹ khởi sự căng thẳng, xung đột quân sự với Iran, tác động đến kinh tế toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, những vấn đề khác cũng không tạo ra đồng thuận như: chống biến đổi khí hậu, cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, phòng chống dịch bệnh như Covid-19.

RELATED ARTICLES

Tin mới