Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLo ngại an ninh của đồng minh, Mỹ tiếp tục gia tăng...

Lo ngại an ninh của đồng minh, Mỹ tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự trên eo biển Đài Loan

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (15/2) cho biết, Mỹ đã điều một tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan và hướng về phía Biển Đông. Đây là lần thứ 2 Mỹ điều tàu chiến di chuyển qua Đài Loan trong năm nay.

Theo thông tin trên, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (MND) không tiết lộ tên con tàu trên, chỉ cho biết rằng đây là một đợt quá cảnh thông thường khi nó băng qua eo biển theo hướng Nam vào sáng 15/2. Ngoài ra, MND cũng không tiết lộ nguyên nhân quân đội Mỹ gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực, chỉ nói rằng họ đang theo dõi tình hình và các động thái này không gây lo ngại. Đây là lần thứ 2 trong năm nay tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan.Trước đó, theo MND, vào ngày 17/1, một tàu khu trục tên lửa hành trình USS Shiloh (CG-67) cũng đã thực hiện hành trình tương tự. Dựa vào tuyên bố của MND, có thể thấy tuần này chứng kiến hoạt động quân sự tương đối cao của quân đội Mỹ trên biển và trên bầu trời quanh Đài Loan.

Trong khi đó, trang thông tin trên Twitter của Hải quân Mỹ cho hay tàu chiến Mỹ vừa đi vào Biển Đông chính là tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville. Theo đó, tuần dương hạm lớp Ticonderoga này là tàu thuộc Hạm đội 7 phụ trách các chiến dịch an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. USS Chancellorsville thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay số 7 và nằm trong số các tuần dương hạm lớp Ticonderoga từ năm 2004 bắt đầu được nâng cấp để phù hợp với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hệ thống chiến đấu Aegis được nâng cấp lên tiêu chuẩn Aegis 3.0, nâng cấp radar AN/SPY-1 với bộ vi xử lý mạnh hơn, bám bắt mục tiêu tốt hơn trong môi trường phức tạp, đặc biệt là khả năng nhận biết đầu đạn tên lửa sau khi tách khỏi thân.

Hoạt động mới đây diễn ra theo sau 2 vụ việc mà trong đó, lực lượng Đài Loan trong khu vực triển khai chiến đấu cơ F-16 giám sát hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc. Cụ thể, trong 2 ngày 9 và 10/2, các máy bay quân sự của Trung Quốc, gồm tiêm kích J-11, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6, bay qua eo biển Bashi ở miền Nam Đài Loan để tiến vào Tây Thái Bình Dương, trước khi trở về căn cứ thông qua eo biển Miyako. Sau đó, Mỹ (12/2) triển khai 2 máy bay ném bom B-52 đến bờ Đông của Đài Loan và một chiến đấu cơ đa nhiệm vụ MJ-130J Commando II qua eo biển Đài Loan. Một máy bay quân sự khác của Mỹ là chiếc P-3 Orion chống ngầm và do thám cũng đã xuất hiện hôm 13/2 ở mũi phía Nam của Đài Loan.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.

Được biết, kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới