Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể rơi xuống mức chỉ 3,5% nếu sự lây lan của virus corona (Covid-19) không được kiểm soát nhanh chóng để việc sản xuất trở lại bình thường.
Các nhà phân tích của công ty tài chính Morgan Stanley đã đưa ra cảnh báo trên trong một báo cáo công bố ngày 19/2.
Dịch viêm phổi do virus corona (Covid-19) gây ra cho tới nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 74.000 ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc, hầu hết tại tỉnh Hồ Bắc – nơi khởi phát và cũng là tâm của dịch bệnh.
Các hoạt động sản xuất khắp Trung Quốc đã bị gián đoạn khi giới chức phong tỏa các thành phố trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn virus. Mặc dù các nhà máy đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng các thống kê của các nhà phân tích thuộc Morgan Stanley cho thấy việc sản xuất chỉ đạt mức 30-50-% so với bình thường tính tới tuần trước.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là nơi đặt các phần quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất đa dạng các mặt hàng, từ may mặc tới điện thoại di động và xe hơi. Việc tiếp tục đóng cửa các chuỗi sản xuất tại Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung các sản phẩm này, mà còn tác động tới khả năng sản xuất của các thị trường khác.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho hay, họ dự báo việc sản xuất tại Trung Quốc sẽ đạt từ 60-80% so với mức bình thường vào cuối tháng này, và sẽ trở lại bình thường từ giữa đến cuối tháng 3. Nhưng họ cũng cảnh báo về những diễn biến bất thường quanh đợt dịch Covid-19.
“Dựa vào bằng chứng rằng các hoạt động sản xuất hiện đang được nối lại ở tốc độ rất từ từ, chúng tôi cho rằng tình hình hiện thời sẽ phù hợp với kịch bản bình thường hóa dần dần”, các nhà phân tích viết.
“Do những bất thường xung quanh sự lây lan của virus, chúng tôi đang theo dõi các nguy cơ chuyển dịch sang kịch bản gián đoạn lâu dài”, họ cho biết thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng sự ảnh hưởng của đợt dịch đối với sự tăng trưởng toàn cầu chỉ là ngắn hạn. “Chúng tôi hi vọng rằng, một khi các tác động của sự gián đoạn giảm dần, nền kinh tế toàn cầu sẽ bật tăng khi các công ty nối lại sản xuất”, họ viết.
Họ cũng nói thêm rằng, Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác – nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi sự gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc – có thể sử dụng các biện pháp chính sách để giảm bớt tác động kinh tế. Các biện pháp này sẽ giúp các nền kinh tế bật tăng trở lại sau đợt dịch bệnh.
Một số biện pháp Trung Quốc có thể thực hiện như cắt giảm hơn nữa lãi suất và miễn thuế cho các ngành bị ảnh hưởng, các nhà phân tích cho hay.
Theo SCMP, hầu hết các tỉnh trên khắp Trung Quốc đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài, nhưng nền kinh tế còn xa mới trở lại nhịp độ bình thường, khi các doanh nghiệp phải thích ứng với các biện pháp hạn chế trên quy mô rộng, trong đó có các hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy và cách ly 14 ngày.
Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ giảm sau một thời gian ổn định, khi người lao động mới dần trở lại làm việc và hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch virus corona.
Mặc dù đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được “khích lệ” sau khi Mỹ và Trung Quốc ký giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại hồi tháng trước, nhưng khả năng phục hồi của nó được dự báo nhiều khả năng khó tiếp tục.
Tác động tức thì của dịch bệnh đang ngày càng trở nên rõ ràng đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo SCMP, giới chức Trung Quốc có thể đợi các dữ liệu mới về GDP trước khi quyết định liệu có thể đưa ra những thay đổi lớn về chính sách hay không. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng mọi thứ có thể sẽ trở nên xấu đi trước khi bắt đầu dần hồi phục.
Ba lý do hàng đầu khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ kéo dài là các quy định siết chặt mới của giới chức địa phương, lo ngại của các doanh nghiệp về đợt dịch corona, và khó khăn để người lao động trở lại làm việc. Hoạt động sản xuất mới tuần trước chỉ đạt 30-50% và việc trở lại bình thường dự kiến sẽ không diễn ra cho tới giữa tháng 3.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giảm nhẹ tác động của dịch corona đối với nền kinh tế Trung Quốc, nói rằng đó là tác động tạm thời và sẽ không ngăn Trung Quốc đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP so với năm 2010.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra chính sách hỗ trợ để giảm các tác động của virus, trong đó có việc bơm 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (174 tỷ USD) vào thị trường tài chính. Việc cắt giảm lãi suất được dự đoán và các chính quyền địa phương dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quỹ Pictet Wealth Management đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ mức 5,9% xuống 5,6%. Oxford Economics đã giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,0% xuống 5,4%, trong khi hãng Moody’s dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 5,2%, giảm so với mức 5,8% trước đó.