Tàu HMS Enterprise của Hải quân Hoàng gia Anh (19-25/2) thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong trao đổi chuyên môn về thuỷ đạc cũng như tăng cường mối liên kết giữa lực lượng Hải quân của hai nước.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết, tàu HMS Enterprise của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng thành phố Hải Phòng hôm 19/2, bắt đầu chuyến thăm xã giao kéo dài một tuần tại Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra vào năm Vương quốc Anh và Việt Nam kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, trong đó an ninh & quốc phòng là lĩnh vực hợp tác quan trọng. Tàu HMS Enterprise thăm Việt Nam Enterprise sẽ là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong trao đổi chuyên môn về thuỷ đạc cũng như tăng cường mối liên kết giữa lực lượng Hải quân của hai quốc gia.
HMS Enterprise là loại tàu khảo sát đo đạc lớp Echo, được đưa vào sử dụng năm 2003 với thủy thủ đoàn gồm 72 người, quân số thường trực trên tàu là 48 người. Vai trò chính của tàu là khảo sát thủy văn và hải dương học, góp phần vào sự an toàn của các thủy thủ cả trong và ngoài quốc phòng. Tàu có thể hoạt động khắp đại dương và là đơn vị chủ lực của ngành Thủy đạc quân sự của Vương quốc Anh, với năng lực thu thập, tổng hợp dữ liệu đại dương ít nhất cho tới năm 2028. Tàu có chiều dài 94 m, trọng tải 3.470 tấn và có khả năng di chuyển với vận tốc 16,5 hải lý.
Trước chuyến thăm, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết Anh và Việt Nam chia sẻ mối quan tâm và lợi ích chung trong ủng hộ sự thúc đẩy thương mại tự do và tự do hàng hải; nhấn mạnh đây là chuyến thăm thứ 2 của tàu Hải quân Hoàng gia đến Việt Nam và điều này thể hiện cam kết của Anh đối với an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đến thăm nhiều quốc gia trong khu vực và chia sẻ quan điểm và chuyên môn với các lực lượng Hải quân khác, trong đó có lực lượng Quân chủng Hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, Thuyền trưởng Cecil Ladislaus, cán bộ chỉ huy HMS Enterprise, khẳng định Vương quốc Anh luôn đề cao mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam; cho biết dựa trên Đối thoại chính sách quốc phòng song phương vào năm 2019, chuyến thăm này là dịp để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các cam kết của Vương quốc Anh cho một nước Anh hợp tác toàn cầu, và hợp tác trong ngành Hàng hải rộng mở hơn. Bên cạnh đó, Thuyền trưởng Ladislaus nhận định chuyến thăm lần này tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng mang đến cho phía Anh cơ hội phối hợp với các đối tác cùng thực hiện hoạt động tuần tra an ninh hàng hải nhằm bảo vệ các tuyến thương mại quan trọng, qua đó thể hiện rõ nét cam kết của Vương quốc Anh trong việc duy trì tự do hàng hải.
Liên quan vấn đề này, Anh nhiều lần khẳng định London có lợi ích quốc gia to lớn trong việc duy trì, đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Lập trường vững vàng của Anh là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các bên có liên quan không nên đe dọa hay sử dụng vũ lực và có các hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự, vũ khí quân sự tại những vùng biển đang tranh chấp. Trong năm 2019, Anh đã thông qua nhiều kênh và nhiều biện pháp khác nhau để thể hiện thái độ, lập trường trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Anh được cho là đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay tối tân HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sau khi chính thức đi vào hoạt động trong năm 2020. Tàu dự kiến có tải trọng đến 65.000 tấn và sẽ được trang bị tiêm kích thế hệ mới F-35. Bên cạnh đó, trong tháng 1/2019, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu khu trục USS McCampbell trong 6 ngày ở Biển Đông, sau khi chiến hạm này tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể ở Brunei hoặc Singapore, để hiện diện lâu dài hơn ở Tây Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ngay sau khi Mỹ và EU đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, Anh, Đức và Pháp cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp (29/8/2019) bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông; đồng thời kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Được biết, Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên, quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển thực chất từ giữa thập kỷ 90. Hợp tác đầu tiên giữa hai nước là giải quyết vấn đề hồi hương người Việt Nam ra đi bất hợp pháp từ các trại tị nạn ở Hồng Kông. Chuyến thăm chính thức Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2004 và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 3/2005 đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước. Tháng 3/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Anh Tony Blair đã cử Đặc phái viên Thủ tướng, Thượng Nghị sỹ Charles Powell, sang Việt Nam trao thư của Thủ tướng Anh cho Thủ tướng Việt Nam, trong thư nêu bật sự hài lòng của phía Anh về sự phát triển tốt đẹp cũng như mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Anh và Việt Nam trong thời gian tới. Tháng 3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Anh theo lời mời của Thủ tướng Gordon Brown, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển nhanh chóng đồng thời là năm diễn ra sự kiên quan trọng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm, hai Thủ tướng đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển” dựa trên 5 trụ cột chính (1) chính trị-ngoại giao, (2) thương mại-đầu tư, (3) hợp tác phát triển, (4) giáo dục-đào tạo và (5) di cư và chống tội phạm có tổ chức.
Đến tháng 9/2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức Anh. Nhân dịp này, hai nước ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Anh lên Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác chủ yếu là (1) chính trị-ngoại giao, (2) các vấn đề toàn cầu và khu vực, (3) thương mại-đầu tư, (4) hợp tác phát triển kinh tế-xã hội bền vững, (5) giáo dục-đào tạo, (6) an ninh-quốc phòng và (7) giao lưu nhân dân.
Trong những năm gần đây, quan hệ hai nước không ngừng được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Năm 2010, hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, mở ra nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác như Đối thoại Chiến lược, Ủy ban hỗn hợp hợp tác về Kinh tế và Thương mại, Nhóm công tác về Quốc phòng…, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ song phương. Về đầu tư, Anh hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam (với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD năm 2018; đến hết tháng 10/2019 đạt 3,6 tỷ USD) và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 6,7 tỷ USD, trong 10 tháng năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018). Về giáo dục, số lượng du học sinh Việt Nam tại Anh tăng lên nhanh chóng. Hiện có hơn 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh và 36 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục hai nước. Hội đồng Anh hiện diện tại Việt Nam trong 25 năm qua đã góp phần tích cực vào việc phổ cập tiếng Anh và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước những năm gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ. Khách du lịch Anh vào Việt Nam tăng đều qua các năm, đạt khoảng 300.000 lượt khách năm 2018, riêng 10 tháng đầu năm 2019 đạt 262.000 lượt khách. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, quan hệ giữa Anh và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong năm 2018, Anh đã hỗ trợ và chuyển giao cho Việt Nam vận hành bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan và Đại sứ quán Anh đã tổ chức thành công Lễ hội Anh quốc tại Hà Nội và đây trở thành sự kiện lớn nhất về ngoại giao nhân dân giữa Anh và Việt Nam.