Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ...

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5: Thúc đẩy hợp tác giữa các nước

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 (19-20/2) đã diễn ra tại tại Vientiane, Lào. Tại hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, đẩy mạnh hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm hoả khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước, nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã đánh giá tình hình hợp tác trong trong năm 2019 và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả đạt được trong các lĩnh vực ưu tiên, mà nổi bật là: Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài nguyên nước MLC lần thứ nhất; Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm hợp tác nguồn nước MLC với Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC); Thành lập Trung tâm hợp tác nông nghiệp MLC; Triển khai các hoạt động hợp tác chuyên ngành, giao lưu nhân dân như tuần lễ MLC lần thứ hai, các diễn đàn hợp tác về kết nối, năng lực sản xuất, nông nghiệp, môi trường. Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng thống nhất đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 – 2022. Theo đó, các nước thành viên: Đẩy nhanh xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kết nối khu vực, năng lực sản xuất, nguồn nước, thương mại, nông nghiệp; tăng cường hợp tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên biên giới; Thúc đẩy giao lưu, đối thoại giữa các chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới; và Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đặc biệt MLC. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường sự gắn kết, bổ trợ của MLC với với các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mekong (MRC), và Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawadi – Chao Phraya – Mekong (ACMECS).

Đối với hợp tác nguồn nước, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, đẩy mạnh hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm hoả khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước, nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước. Các Bộ trưởng bày tỏ quan tâm trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phòng chống và ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời duy trì giao lưu thương mại và phát triển kinh tế. Các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo Báo chí chung của hội nghị và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ ba tại Lào trong năm 2020. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác MLC, đồng thời nhấn mạnh cơ chế này cần góp phần củng cố sự phối hợp giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và đem lại lợi ích dài lâu cho người dân. Về định hướng hoạt động, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hợp tác MLC cần hướng đến việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động và bất ổn khó lường, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế các nước thành viên. Cụ thể: Hợp tác nông nghiệp tập trung nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp và cải thiện tính ổn định và độ tin cậy của thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong đòi hỏi các nước ven sông phải có hành động quyết liệt để bảo đảm sự phát triển bền vững của dòng sông. Trước mắt, cần tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu thuỷ văn trong cả mùa mưa và mùa khô, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế phối hợp trong quản lý khẩn cấp lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác, thực hiện các dự án chung để hỗ trợ người dân bảo đảm sinh kế trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế trên sông; và Tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời phối hợp giảm thiểu gián đoạn các chuỗi cung ứng khu vực.

Được biết, Hội nghị MLC được tổ chức định kỳ thường niên; Hội nghị Cấp cao tổ chức hai năm một lần và luân phiên theo thứ tự chữ cái. Các nguyên tắc chỉ đạo là đồng thuận, bình đẳng, tham vấn và phối hợp lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ý tưởng MLC với sự tham gia của sáu nước ven sông (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế Đối thoại và Hợp tác Lan Thương – Mekong. Tháng 11/2015, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ nhất đã được tổ chức lần đầu tiên tại Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc.

Ngày 23/3/2016, Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất đã chính thức khởi động MLC giữa sáu nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác. Hội nghị quan trọng này cho thấy bước tiến trong hợp tác khu vực về quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong. Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mekong đối với sự phát triển của tiểu vùng và cuộc sống của người dân, và sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung của tất cả các bên. Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã đề xuất thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương; đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực hỗ trợ các nước hạ lưu và cân nhắc lợi ích chính đáng của các nước ven sông. Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ hai (ngày 10/1/2018) tại Phnom Penh, Campuchia, các nước đã thông qua hai văn kiện là Tuyên bố chung Phnom Penh, và Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 – 2022. Theo đó thống nhất nội dung triển khai trên ba trụ cột hợp tác gồm: Về an ninh – chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại, giao lưu giữa các đảng chính trị và đẩy mạnh hợp tác an ninh phi truyền thống; Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác kết nối hạ tầng cứng và mềm, năng lực sản xuất, thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực, hợp tác về nông nghiệp, lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; Về văn hóa – xã hội và giao lưu nhân dân, chú trọng giao lưu văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến du lịch, tăng cường hợp tác về giáo dục, y tế, đẩy mạnh truyền thông về MLC. Các nước cũng nhất trí từng bước mở rộng quy mô của các dự án, đặc biệt là hình thành và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở khu vực. Hội nghị Bộ trưởng MLC lần thứ tư, lần gần đây nhất (16-17/12/2018) được tổ chức tại Lào. Hội nghị đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà MLC đạt được trong triển khai Kế hoạch Hành động MLC giai đoạn 2018-2022 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ hai (tháng 1/2018). Một số kết quả điển hình là: Tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương lần thứ nhất, Diễn đàn Hợp tác về Năng lực sản xuất Mekong – Lan Thương lần thứ nhất, Diễn đàn tỉnh trưởng Mekong – Lan Thương lần thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh về truyền thông MLC 2018, Tuần lễ MLC tại sáu nước thành viên; Các trung tâm hợp tác MLC về nguồn nước, môi trường và Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong đã đi vào hoạt động; các nhóm công tác đang xây dựng kế hoạch hành động chuyên ngành; Nhiều dự án trong số 132 dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2017 đã hoàn thành; 214 dự án của năm 2018 đang trong quá trình đăng ký hồ sơ; đến nay Quỹ MLC đã hỗ trợ 40 triệu USD. Về hợp tác nguồn nước, các Bộ trưởng hoan nghênh việc chuyên gia sáu nước đã thống nhất Kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước MLC 2018-2022 và đề nghị các bên tích cực triển khai kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Các đoàn đại biểu Việt Nam tham gia đầy đủ các cuộc họp nhóm công tác, theo dõi quá trình triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng này. Việt Nam cũng tích cực, chủ động đề xuất các lĩnh vực hợp tác. Cụ thể, nước ta đã đề xuất bốn dự án tại Hội nghị cấp cao MLC lần thứ nhất và bảy dự án trong năm 2017. Hiện các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang đẩy mạnh đề xuất các dự án trong nhiều lĩnh vực khác. Là một trong những thành viên tích cực của cơ chế MLC, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính, chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.

RELATED ARTICLES

Tin mới