Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ lo lắng trước động thái quân sự của Nga với láng...

Mỹ lo lắng trước động thái quân sự của Nga với láng giềng

Serbia đã đón nhận hệ thống phòng không tinh vi từ Nga, bất chấp việc Mỹ đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước vùng Balkan này và Serbia đang chính thức đề nghị được trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU).

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm qua (23/2) đã phát biểu trên đài truyền hình Prva thân chính phủ rằng, hệ thống phòng không Pantsir S1 đã được Serbia mua sau những lời gợi ý từ chính Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Hãy mua Pantsir vì nó đã thể hiện tính hiệu quả cao nhất ở Syria”, Tổng thống Vucic dẫn lời người đồng cấp Putin cho biết trong một trong những cuộc gặp gần đây giữa họ. Hai nhà lãnh đạo của Nga và Serbia thường xuyên có các cuộc gặp gỡ song phương.

“Hệ thống phòng không này rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu là những chiếc máy bay không người lái – đặc tính đó đang trở nên ngày một quan trọng trong chiến tranh thời hiện đại”, ông Vucic cho hay.

Dù đang tìm cách gia nhập EU, Serbia dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Vucic đã tăng cường mối quan hệ chính trị và quân sự với đồng minh Nga.

Serbia cam kết sẽ không gia nhập NATO và từ chối tham gia vào liên minh các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Việc Serbia mua các vũ khí của Nga đang được theo dõi với sự lo lắng, bất an ở phương Tây. Giới chức Mỹ đã công khai đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Serbia nếu Moscow bán thêm vũ khí cho Serbia, đặc biệt là những vũ khí có thể gây nguy hại cho an ninh của các nước thành viên NATO nằm cạnh Serbia.

Tổng thống Vucic cho biết ông hy vọng sẽ không có các biện pháp trừng phạt nào được tung ra bởi ông đã công khai thông báo về việc mua hệ thống vũ khí phòng không Pantsir. Ông Vucic bày tỏ ông tin rằng lời đe dọa trừng phạt chỉ nên tập trung vào tên lửa S-400 bởi vì hệ thống phòng không này có tầm bắn lớn hơn nhiều và mang tính tấn công nhiều hơn.

Trước đó, theo báo chí truyền thông Serbia, hai trong số 6 tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 mà nước này đặt mua của Nga đã có mặt trên lãnh thổ Serbia hôm 22/2. Lô tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 đầu tiên đã đến Serbia qua không phận Bulgaria.

Hôm 24/10/2019, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo Belgrade đã đặt hàng các hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir của Nga. Hồi tháng Một đầu năm nay, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quân sự của Nga đã tiết lộ với hãng tin Itar Tass rằng, hoạt động bàn giao hệ thống Pantsir cho Seriba dự kiến bắt đầu diễn ra vào cuối tháng Hai. Nga và Syria đã ký một thỏa thuận theo đó Nga sẽ cung cấp cho nước láng giềng một khẩu đội gồm 6 tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1. “Thỏa thuận mua bán một khẩu đội Pantsir-S1 đã được ký hồi năm ngoái. Công việc đang được tiến hành và hoạt động bàn giao sẽ được hoàn tất trong năm 2020,” nguồn tin cho hay.

Với hợp đồng nói trên, Nga đã bán cho nước láng giềng một trong những vũ khí đáng gờm hàng đầu của nước này. Hệ thống tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 hiện đang được xuất khẩu đến nhiều nước trong đó có Serbia, Việt Nam, Syria, Jordan, Iran, Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Pantsir-S (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất – đối – không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.

Các tổ hợp phòng không Pantsir-S thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400. Hệ thống Pantsir-S được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu. Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới không có loại tổ hợp tương tự cùng loại nào.

Tên lửa phóng ra từ tổ hợp tên lửa loại này có thể đánh chặn tối đa 10 mục tiêu cùng một lúc trong thời gian 1 phút. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.

Tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 cùng với các tên lửa phòng không S-300 và S-400 là những vũ khí hàng đầu thường được Nga triển khai ở những địa điểm trọng yếu. Pantsir-S1 cũng có mặt ở chiến trường Syria và phát huy hiệu quả sức mạnh của nó để chặn đứng nhiều cuộc tấn công của phe nổi dậy cũng như các nhóm khủng bố nhằm vào lực lượng Nga và Syria.

Hồi năm ngoái, các hệ thống phòng không Pantsir và Tor-M1 của Nga đã đánh chặn và hạ gục 27 quả tên lửa mà lực lượng chiến binh phóng ồ ạt vào căn cứ Hmeymim (hay còn được viết là Khmeimim) trên lãnh thổ Syria. Theo Trung tâm Hòa giải các bên xung đột ở Syria của Nga, không có bất kỳ quả đạn nào chạm được tới căn cứ của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới