Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội thảo “Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình...

Hội thảo “Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm sao để đảm bảo an ninh chung”

Quỹ Gabriel Péri (25/2) tổ chức Hội thảo về tình hình Biển Đông, các thách thức và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chung tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp.

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu đến từ các Trung tâm nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, học viên Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông đã trao đổi về tình hình diễn ra trên Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hội thảo có 3 phần với các nội dung tập trung vào vai trò của pháp luật quốc tế trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trên biển và các biện pháp để đảm bảo an ninh chung trên khu vực Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, mọi tranh chấp trên Biển Đông đều cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Biển Đông là khu vực biển quốc tế, quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cần được đảm bảo. Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, các quốc gia có chủ quyền trên biển Đông và tất cả các quốc gia có hoạt động trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cần có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và khai thác bền vững các nguồn hải sản trong khu vực biển này. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh chung trong khu vực biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định việc các nước trên thế giới, trong đó có Pháp, hiện diện trên biển Đông góp phần đảm bảo an ninh chung, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Quỹ Gabriel Péri Alain Obadia cho biết: “Chúng tôi quyết định theo dõi rất sát tình hình trên Biển Đông, bởi vì đây là khu vực hết sức nhạy cảm đối thế giới nói chung. Gần 50% giao thương hàng hải của thế giới đi qua khu vực này. Với khuynh hướng nghiên cứu của mình, chúng tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này dưới mọi góc độ như pháp lý, kinh tế, môi trường và lịch sử. Chúng tôi nghĩ rằng các thông tin mà chúng tôi mang đến, thông qua các bài phát biểu của các diễn giả là chuyên gia về vấn đề này, có thể góp phần vào việc phát triển các vấn đề đang được đặt ra một cách hòa bình”.

Trong những năm gần đây, Quỹ Gabriel Péri đã nhiều lần tổ chức các hội thảo khoa học về diễn biến tình hình Biển Đông. Trong đó, nhiều hội thảo thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế, gây được tiếng vang lớn trong giới học thuật, cụ thể:

Ngày 19/5/2015, Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức hội thảo với chủ đề “Căng thẳng mới ở Biển Đông”. Tại hội thảo các diễn giả chính trình bày các tham luận là các chuyên gia về khu vực bao gồm các luật gia, giáo sư, nhà ngoại giao đến từ nhiều nước. Các tham luận và trao đổi tại buổi hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính những diễn biến trong khu vực kể từ năm 2012; chính sách của các cường quốc khu vực, vai trò của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đâu là chính sách của châu Âu. Nhiều tham luận cũng nêu lên những diễn biến mới tại Biển Đông kể từ năm 2012. Đáng chú ý là những điểm mới của hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là việc Trung Quốc trong năm 2014 đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Căng thẳng có vẻ tiếp tục leo thang với việc gia tăng tiềm lực quân sự của các quốc gia trong khu vực. Những thách thức ở đây ngày càng cấp bách và cần có giải pháp cho những vấn đề đó. Nhiều diễn giả cũng khẳng định Pháp, EU và thế giới cần có đóng góp vào việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực là an ninh, quân sự để làm giảm căng thẳng. Các tham luận và quá trình thảo luận đã góp phần đưa ra một số câu trả lời và kiến giải cho những căng thẳng mới ở khu vực Biển Đông.

Ngày 21/11/2017, Quỹ Gabriel Péri đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Nghị viện châu Âu tại thủ đô Brussels của Bỉ. Tại hội thảo, nhiều diễn giả nhận định thời gian qua đã có những thay đổi liên quan khu vực Biển Đông như các chính sách về đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, xây dựng bồi đắp làm thay đổi hạ tầng ngoài khơi. Các diễn giả coi đây là dịp để đánh giá tình hình, nhất là phản ứng và hành động của các bên liên quan sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) hồi tháng 7/2016, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp giải quyết tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đông và đều nhất trí quan điểm luật pháp quốc tế phải là cơ sở cho mọi giải pháp. Giáo sư Erik Franckx, Đại học Tự do Brussels, Bỉ, đề cập đến việc Trung Quốc không chấp nhận trong khi nhiều nước liên quan khác bày tỏ hoan nghênh phán quyết của PCA. Lần đầu tiên PCA đã đưa ra một phán quyết làm rõ các vấn đề về ứng dụng, giải thích Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo giáo sư, dù Trung Quốc vẫn giữ lập trường chống lại phán quyết, nhưng hành động sẽ bớt quyết liệt hơn. Giáo sư mong muốn các bên đối thoại song phương để tìm ra giải pháp cùng chấp nhận được, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Ông cũng cho rằng để lập lại trật tự hành xử trên Biển Đông, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là theo điều 121 trong UNCLOS 1982, và đây là một sự khởi đầu tốt để các nước có một khuôn khổ luật pháp giúp giải quyết tranh chấp. Ông tin rằng phán quyết trọng tài sẽ hữu ích cho tất cả các bên và có vai trò rất quan trọng. Đề cập đến một số vấn đề mang tính khoa học liên quan đến khu vực Biển Đông, nhất là trong quản lý khu vực đáy biển. Giáo sư James Borton, Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nam Carolina của Mỹ, mang tới tham luận “Quản lý các xung đột ngoài biển tại Biển Đông: Khi chính sách gặp gỡ với khoa học”. Ông khẳng định ngày nay đã có các phương tiện tin cậy để đánh giá và đo lường sự tác động tới môi trường của các hoạt động xây dựng, bồi đắp cùng tình trạng hủy hoại các rạn san hô do việc nạo vét đang diễn ra ở Biển Đông gây ra. Việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái tạo nguồn cá. Nghiên cứu của giáo sư Borton chỉ ra rằng số lượng các loài cá đã giảm đến 50%, trữ lượng giảm từ 70 đến 95% so với những năm đầu thập kỷ 60 trong khi các ngư trường đánh bắt bị thu hẹp rõ rệt. Giáo sư đề xuất kết hợp chính sách với khoa học để giải quyết những vấn đề tồn tại ở Biển Đông như thành lập một “Ủy ban xanh” của Biển Đông qui tụ các nhà khoa học biển từ các nước trong vùng. Cùng với đó, ông gợi ý khoanh vùng và xác định các khu vực biển để bảo vệ nhằm duy trì hệ sinh thái và lấy lại môi trường như trước đây. Ngoài ra, cần có sự trao đổi với Chương trình bảo vệ đại dương của Liên hợp quốc để thúc đẩy dự thảo Hiệp ước về đại dương với các quy định và quy tắc mới cho cả các khu bảo tồn biển ngoài khơi.

Trong khi đó, ông Christian Lechervy, Đại sứ, Thư ký thường trực về khu vực Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, đề xuất quản lý các thách thức về ngắn và trung hạn tại Biển Đông thông qua 3 công cụ. Đó là duy trì đối thoại thường xuyên Á- Âu cùng diễn đàn EU-ASEAN và một cơ chế đối thoại hẹp hơn giữa các nước trong ASEAN với nhau hoặc với Nhật Bản hay Mỹ. Đặc biệt tại Nghị viện châu Âu, ông Lechervy nhấn mạnh đến mô hình đối thoại giữa nghị viện với nghị viện. Theo tác giả, mô hình đối thoại giữa Nghị viện châu Âu và Hội đồng liên Nghị viện ASEAN với các kinh nghiệm quản lý của EU cần được phát huy hơn nữa. Việc ổn định và phát triển kinh tế của khu vực Biển Đông sẽ đóng góp cho tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, đó cũng chính là lý do thúc đẩy EU gắn bó với mục tiêu duy trì ổn định trong không gian biển chiến lược này.

Ngày 21/11/2018, Quỹ Gabriel Péri ổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Nghị viện Châu Âu, với sự tham gia của đông đảo diễn giả đến từ nhiều quốc gia châu Âu để trình bày tham luận về tình hình địa chính trị hiện nay, các vấn đề về luật quốc tế có liên quan, ứng xử của các bên và một số gợi ý về chính sách với Liên minh châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới