Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những tuyên bố, phát biểu của cựu Thủ tướng Malaysia...

Nhìn lại những tuyên bố, phát biểu của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về vấn đề Biển Đông trong gần hai năm cầm quyền

Ngày 24/2, sau gần hai năm cầm quyền, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã chính thức từ chức ở tuổi 94. Trong quãng thời gian ông Mahathir nắm quyền, Malaysia trải qua giai đoạn hiện đại hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế liên tục. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á đã được đầu tư và phát triển mạnh. Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Mahathir cũng ghi dấu ấn với những phát biểu quan trọng, thể hiện chính sách, lập trường của Malaysia.

Tháng 6/2018

(1) Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Công hôm 19/6, Thủ tướng Malaysia Mahathir cho rằng sự xuất hiện của các tàu chiến từ các bên có thể biến những xung đột bùng phát thành đối đầu và chiến tranh. Ông nói thay vì điều tàu quân sự, các nước nên hợp tác thực hiện hoạt động tuần tra để đảm bảo hòa bình cho Biển Đông. “Tôi nghĩ không nên có quá nhiều tàu chiến (hiện diện tại khu vực). Tàu chiến gây nên căng thẳng. Một ngày nào đó, một người nào đó có thể mắc lỗi và sẽ có mâu thuẫn xảy ra. Khi đó chiến tranh có thể sẽ bùng phát. Chúng ta không muốn như thế”, ông Mahathir nói. Thủ tướng Malaysia cho rằng các nước có thể thực hiện các hoạt động tuần tra chung đảm bảo an ninh trong khu vực bằng các tàu nhỏ để đảm bảo không xảy ra xung đột tại khu vực này. Ông Mahathir cho rằng sự xuất hiện của các tàu chiến gây nên mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình. Thủ tướng Malaysia cũng nói ông sẽ thể hiện quan điểm khác biệt với vấn đề Biển Đông so với người tiền nhiệm Najib Razak. Trước đó, ông Najib từng bị chỉ trích vì cách tiếp cận được cho là thiếu quyết liệt và dứt khoát về hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có can thiệp vào tự do hàng hải ở Biển Đông hay không khi họ vẫn đang bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo và thực hiện hành động quân sự hóa các tiền đồn, ông Mahathir cho rằng Trung Quốc nên đảm bảo khu vực này mở cửa vì chính lợi ích của Bắc Kinh. Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trong khu vực tới các hoạt động giao thương giữa các nước và mang lại lợi ích về mặt kinh tế.

(2) Trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 20/6, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã tuyên bố rằng Nhật Bản và Malaysia nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải ở eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cần phải là một khu vực tự do và cởi mở dựa trên thượng tôn phát luật và được đảm bảo là tuyến đường chung vì hoà bình và thịnh vượng của khu vực. Ông Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với tất cả những quốc gia nào ủng hộ khái niệm này với Malaysia. Tôi khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác vì hoà bình và ổn định khu vực, trong đó có lĩnh vực an ninh biển”. Về phần mình, Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định rằng: “Malaysia nhất trí về sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải khu vực eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia”.

Tháng 7/2018

Thủ tướng Malaysia Mahathir đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah thể hiện quan điểm của Malaysia về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó cho rằng COC phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này. Nếu không, Malaysia sẽ cân nhắc việc kiện Trung Quốc ra Tòa liên quan đến Đá Hoa Lau (Malaysia gọi là Pulau Layang Layang). Ông Saifuddin cho rằng có nhiều bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc là kẻ muốn đóng vai trò lớn hơn về mặt địa chính trị, “hiện không có kế hoạch nào về việc kiện Trung Quốc ra tòa, nhưng chúng tôi đang củng cố các biện pháp để đối phó với hành vi của Bắc Kinh, do vậy, COC cần phải được đẩy nhanh”. Tuy nhiên, ông Saifuddin cũng bảo đảm với Quốc hội rằng Malaysia sẽ không đưa hạm đội hải quân ra Biển Đông để đối phó với Trung Quốc nếu không có lý do rõ ràng.

Tháng 8/2018

Ngày 14/8, trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ, Thủ tướng Malaysia Mahathir lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ông kêu gọi các nước không neo đậu thường trực tầu chiến trong khu vực, vì như vậy có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Giới quan sát nhận định tuyên bố trên của thủ tướng Malaysia rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc, nước vẫn đòi hỏi chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông và đã cho xây dựng nhiều đảo nhân tạo, lắp đặt các hệ thống trang thiết bị vũ khí nhằm biến các đảo đó thành căn cứ quân sự của mình.

Tháng 3/2019

(1) Phát biểu tại sự kiện Đầu tư Malaysia 2019, Thủ tướng Malaysia Mahathir hôm 19/3 tiếp tục kêu gọi duy trì quan điểm Biển Đông mở cửa cho tất cả các tàu, thậm chí cả tàu chiến. Tuy nhiên, ông Mahathir cũng nhấn mạnh rằng tự do như vậy không nên bị lạm dụng và không có tàu chiến nào có quyền lưu lại vĩnh viễn ở vùng biển tranh chấp vì điều này sẽ gây kích động cho các quốc gia xung quanh. Theo Thủ tướng Mahathir, các hành động kích động không phải là những gì mà chúng ta muốn thấy ở Biển Đông.

(2) Trong chuyến thăm chính thức Philippines hôm 7/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã cùng Tổng thống Philippines Duterte cam kết giữ Biển Đông là “vùng biển mở”. “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do đi lại và bay qua Biển Đông, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp”, báo Philippine Star dẫn lời ông Duterte đọc tuyên bố chung tại cuộc gặp. “Chúng tôi cam kết hợp tác trong các nền tảng đa phương và khu vực, đặc biệt trong ASEAN để thúc đẩy luật pháp ở Đông Nam Á và hơn thế nữa. Điều đó, không bao gồm việc sử dụng vũ lực và đe dọa, tuân theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi”, Tổng thống Philippines nói.

Tháng 6/2019

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 20/6 cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác. Cụ thể, ông nói: “Trung Quốc đã yêu sách Biển Đông là của họ, song những đảo đó (khoảng 4 đến 5 đảo) từ lâu đã được coi là thuộc chủ quyền của Malaysia, do đó, Malaysia cần phải giữ lại chúng”. Ngoài ra, ông Mahathir cũng cho biết thêm: “có một số đá mà Malaysia đã cải tạo thành đảo, Malaysia hy vọng có thể duy trì hiện diện trên các đảo đó nhằm góp phần bảo vệ an toàn trước những nguy cơ trên biển, trong đó có cướp biển”.

Tháng 8/2019

(1) Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-28/8, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia Mahathir cho rằng cần phải đảm bảo tự do trên Biển Đông, nên tránh bất kỳ xung đột nào với các quốc gia khác, cần ngồi lại với nhau giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Ông cho rằng những diễn biến trên Biển Đông ảnh hưởng tới cả Việt Nam và Malaysia vì Biển Đông là một phần vùng biển của chúng ta, nên các hoạt động của tàu thuyền trên Biển Đông rất quan trọng với cả Malaysia và Việt Nam. Vì vậy, hai bên cần phải đảm bảo tự do trên vùng biển này. Ông cho rằng các nước nên tránh bất kỳ xung đột nào với các quốc gia khác. Nếu có xung đột, các bên cần ngồi lại với nhau, thảo luận và giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Nếu không giải quyết được, cần tới sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

(2) Trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Mahathir, hai bên đã đưa ra 3 nội dung liên quan đến Biển Đông, trong đó khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao và các loại tội phạm khác như ma túy, cướp biển, khủng bố, nhập cư trái phép; nhất trí xây dựng khung pháp lý nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, bao gồm đẩy nhanh đàm phán Bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác pháp luật, Thỏa thuận về Hợp tác phòng chống buôn bán người và Thỏa thuận về chuyển giao người bị kết án phạt tù. Hai bên tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để tiến hành các hoạt động chống lại nước kia. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật ở khu vực, trong đó bao gồm bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và thực thi các nghĩa vụ pháp lý một cách có thiện chí, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, thượng tôn pháp luật trên cơ sở UNCLOS 1982 và tránh các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai bên khẳng định ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002; nhất trí tăng cường nỗ lực thúc đẩy sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tháng 9/2019

Thủ tướng Malaysia Mahathir cho công bố “Khung Chính sách đối ngoại của Malaysia mới”, trong đó phản đối quân sự hóa Biển Đông. Đây được coi là “Sách trắng Ngoại giao” của Malaysia dưới thời ông Mahathir, trong đó khẳng định “về cơ bản, Biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tình thần của Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN”. Thủ tướng Mahathir nói rằng các yếu tố cơ bản của chính sách đối ngoại Malaysia vẫn không thay đổi, song cách tiếp cận của Malaysia đối với các vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích trong nước sẽ thay đổi. Chính phủ Malaysia tiếp tục duy trì lập trường không liên kết với các cường quốc. “Chúng ta đang sống trong thế giới mà những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt. Những thay đổi mang đến cả thách thức và cơ hội. Do đó, điều hợp lý là Malaysia không tuân thủ các phương thức tiếp cận truyền thống và thay vào đó là chủ động tìm cách khám phá những phương thức mới”, Thủ tướng Malaysia cho biết trong bài phát biểu công bố chính sách mới. Chính phủ Malaysia cũng cam kết tăng cường nỗ lực hợp tác với các đối tác quốc tế có liên quan để chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trấn áp nạn buôn người và khủng bố ở vùng biển này. Malaysia cho biết sẽ duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các nước và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Malaysia vẫn “bày tỏ ý kiến và nếu cần thiết sẽ phản đối, chống lại sự bất công, áp bức và các tội ác chống lại nhân loại”.

Tháng 10/2019

(1) Phát biểu tại Hội nghị Malaysia Beyond 2020 ở Kuala Lumpur hôm 21/10, Thủ tướng Malaysia Mahathir tại cho rằng sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc và Mỹ trong khu vực có thể làm mất ổn định tuyến đường vận tải quan trọng. Theo đó, Malaysia và ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. “Ở khu vực eo biển Malacca và Biển Đông, việc đi lại của tàu bè vẫn tự do, không bị cản trở nhưng một khi các bên bắt đầu điều động tàu chiến thì sẽ thành vấn đề. Điều đó có thể dẫn đến chiến tranh”, ông Mahathir nói. Phát biểu của ông Mahathir được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong những tuần gần đây, đặc biệt sau khi tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

(2) Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir hôm 17/10 đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ra tuyên bố thể hiện quan ngại về năng lực của hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển, cho biết cần cải thiện trang thiết bị để chuẩn bị cho xung đột ở Biển Đông. Ông Saifuddin cho biết trang thiết bị của hải quân Malaysia thậm chí không thể so sánh với hải cảnh Trung Quốc, lực lượng xuất hiện thường trực mọi lúc xung quanh bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi bang Sarawak. Thực tế, tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển Malaysia để tiến hành thăm dò dầu khí mà không được Kuala Lumpur chấp thuận. Ngoại trưởng Saifuddin tuyên bố Malaysia sẽ tiếp tục lập trường không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời đoàn kết với các nước ASEAN trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông với Trung Quốc và Mỹ. “Biển Đông không nên trở thành một vấn đề xung đột giữa các nước. Chúng tôi nhất quán với quan điểm đó tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như ASEAN, nhấn mạnh về vấn đề tự kiềm chế và không quân sự hóa ở Biển Đông”, ông Saifuddin khẳng định.

Tháng 11/2019

Thủ tướng Malaysia Mahathir đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Malaysia dừng lưu hành bộ phim Abominable (“Everest: Người Tuyết bé nhỏ”) do các công ty Trung Quốc và hãng giải trí Mỹ phối hợp sản xuất, trong đó có lồng ghép hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông. Trước đó, Bộ phim này cũng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước và đã bị dừng chiếu tại Việt Nam. Dư luận người dân, học giả và các chính trị gia tại Malaysia cũng phản đối gay gắt và tẩy chay Bộ phim cũng như các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới