Viện Nghiên cứu Quốc phòng – An ninh Malaysia (24/2) đã tổ chức Đối thoại Perwira 2020 với chủ đề “Sách Trắng Quốc phòng (DWP) đầu tiên của Malaysia: Ý tưởng và Vận dụng”. Tại Đối thoại, giới chức nước này nhấn mạnh Malaysia cần tập trung đối phó với các vấn đề an ninh hàng hải.
Tham gia Đối thoại có lãnh đạo Bộ Quốc phòng Malaysia cùng nhiều quan chức, chuyên gia nghiên cứu Malaysia và các nước trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng Tư lệnh quân đội Malaysia, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Malaysia công bố Sách Trắng Quốc phòng (DWP), xây dựng định hướng chiến lược cho quốc phòng trong thời gian 10 năm tiếp theo. Văn bản này nhấn mạnh phương châm chia sẻ thịnh vượng chung của khu vực và các nước láng giềng, phù hợp với các nguyên tắc của Khu vực Hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN); nhận định một trong những điểm nhấn có giá trị nhất của DWP là khẳng định Malaysia là quốc gia biển và cam kết của chính phủ nước này trong việc theo đuổi ba trụ cột của chiến lược quốc phòng, gồm răn đe tập trung, an ninh toàn diện và quan hệ đối tác tin cậy trên cơ sở quan điểm của Malaysia là một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng.
Trong DWP, Malaysia cho rằng nước này cần tập trung đối phó với với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, tội phạm mạng và an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng. DWP nhận định các mối đe dọa khủng bố và cực đoan đang gia tăng cả về mức độ lẫn hình thức, trong đó có việc các phiến quân của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã đến Đông Nam Á, củng cố mối quan hệ với những phần tử khủng bố địa phương, phát triển lực lượng và chuẩn bị cho các âm mưu khủng bố mới. Bên cạnh tội phạm xuyên quốc gia, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, Bộ Quốc phòng Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng khi có mối đe dọa an ninh quốc gia. Cùng với đó, DWP cũng đề cập tới những mối đe dọa tới sự tiến bộ của công nghệ như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Để đảm bảo khả năng ứng phó trước các mối đe dọa và thách thức, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh quân đội Malaysia cần là lực lượng vũ trang của tương lai, đảm bảo sự hợp nhất giữa các lực lượng và giữa con người, công nghệ, phương tiện cũng như sự cơ động và phạm vi hoạt động cả hai bờ bán đảo và có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện như trên bộ, biển, không chiến hay chiến tranh mạng; yếu tố nhanh nhẹn và sự tập trung; sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Malaysia cũng như sự tham gia của mọi người dân vào quá trình đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, theo ông, hợp tác quốc phòng an ninh song phương và khu vực đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi nước.
Nhiều đại biểu đến từ các nước trong khu vực như Brunei, Singapore, Australia, Indonesia, Việt Nam cũng bày tỏ những đánh giá về tình hình khu vực và quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh với Malaysia. Đối thoại Perwira 2020 có ý nghĩa quan trọng, giúp Bộ Quốc phòng Malaysia thu được những đánh giá hữu ích từ giới chuyên gia nghiên cứu uy tín trong khu vực mà còn là sự kiện chính thức đánh dấu quốc giá Đông Nam Á công bố Sách Trắng Quốc phòng của mình.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (2/12/2019) công bố Sách trắng Quốc phòng 2019. Sách Trắng dài 90 trang,gồm tám chương, giới thiệu cụ thể về quan điểm chiến lược, chiến lược quốc phòng, lực lượng vũ trang tương lai, quan hệ quốc tế quốc phòng, khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng; cải cách, quản trị và phân bổ quốc phòng. Sách Trắng cũng phác thảo chiến lược quốc phòng của nước này từ năm 2021 đến 2030. Sách Trắng Quốc phòng Malaysia tập trung vào việc kết hợp khoa học và công nghệ như tối ưu hóa máy tính, công nghệ không gian mạng và các hệ thống tiên tiến để đảm bảo một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng. Trong đó, chủ yếu nêu chi tiết về vai trò bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khỏi mọi mối đe dọa thông qua việc thực hiện các hoạt động hàng hải, trên không, trên bộ và trên không; thực hiện các hoạt động quân sự khác ngoài các hoạt động quân sự hoặc quân sự khác so với chiến tranh (MOOTW), hỗ trợ các cơ quan công quyền trong việc thực thi và hỗ trợ các nỗ lực hòa bình toàn cầu thông qua cờ Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho rằng các mối đe doạ nghiêm trọng khác mà nước này phải đối mặt trong thập kỷ tới bao gồm sự hồi hương của các chiến binh Hồi giáo cực đoan, căng thẳng xung quanh những tranh chấp ở Biển Đông và khủng bố mạng; nhấn mạnh các sáng kiến quốc phòng theo sách trắng sẽ cần ngân sách phân bổ hàng năm ít nhất 1% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Theo ông Mohamad Sabu, mặc dù Malaysia không liên quan đến xung đột vũ trang với các quốc gia khác, nhưng nước này phải đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ và các mối đe dọa phi truyền thống qua biên giới, do đó yêu cầu nước này phải có biện pháp phủ đầu cho quốc phòng; đồng thời nhấn mạnh, “vai trò chính của Lực lượng Vũ trang Malaysia là duy trì hòa bình mà chúng ta có và luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của quốc gia”. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mục đích công bố Sách Trắng là nhằm khuyến khích công dân nước này tham gia thảo luận tích cực về chính sách quốc phòng, đồng thời cho thấy tham vọng chiến lược của Malaysia trong việc trở thành một cầu nối giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Mohamad cho rằng sự chiếm đóng, quân sự hoá và các hoạt động khác của Trung Quốc ở vùng biển này, cùng với việc hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện hoạt động tư do hàng hải, có nghĩa là một vấn đề tranh chấp mang tính khu vực đã trở thành một cuộc “cạnh tranh quyền lực của nước lớn”. Ông Mohamad cũng nhắc tới việc một “tàu chính phủ” của một cường quốc lớn đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trong vùng biển ngoài khơi các bang phía Đông Sabah và Sarawak. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng mọi người đều biết Malaysia đã phải đối đầu với các tàu tuần duyên Trung Quốc đang tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này theo luật pháp quốc tế.
Về quan hệ Mỹ – Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mặc dù đã có các lĩnh vực hợp tác và quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, song trong tương lai có nhiều khả năng sẽ cạnh tranh nhiều hơn thay vì chịu đựng lẫn nhau; cho rằng những biện pháp thuế quan dường như đang gia tăng và mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi “sự chia rẽ về mặt công nghệ, hàng hải và các căng thẳng khác”.
Sách Trắng Quốc phòng Malaysia phác thảo chiến lược quốc phòng từ năm 2021 đến 2030. Nó thay thế Chính sách quốc phòng liên quan đến các chính sách quốc phòng được phân loại cao, đã có sẵn vào năm 1971, 1979 và 1981. Bộ trưởng Mohamad Sabu cho rằng Malaysia bắt buộc phải xem xét chính sách quốc phòng để đưa năng lực và khả năng phòng thủ của đất nước phù hợp với môi trường an ninh toàn cầu đầy thách thức và không chắc chắn. Việc Malaysia đăng tải các nội dung liên quan trên website của Bộ Quốc phòng là nhằm thể hiện sự cởi mở trong việc triển khai chính sách quốc phòng sẽ củng cố đất nước thông qua khái niệm phòng thủ toàn diện, với sự tham gia của người dân; thu hút và tăng cường sự tham gia của người dân trong quốc phòng; đánh giá lại môi trường chiến lược an ninh luôn thay đổi bằng cách tính đến những thách thức hiện tại và tương lai; tăng cường khả năng và sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước mọi lúc. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng kế hoạch 10 năm nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố và căng thẳng quân sự ở Biển Đông là thiếu chiến lược chi tiết.