Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÁc mộng nCoV đe dọa phá nát giấc mơ châu Âu

Ác mộng nCoV đe dọa phá nát giấc mơ châu Âu

Dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu vào thời điểm không thể tệ hơn, đe dọa những mục tiêu ấp ủ của EU về chính sách biên giới mở. 

Khi Brexit hoàn tất, bóng ma khủng bố suy tàn, cuộc khủng hoảng di cư lắng xuống, 2020 từng là năm mà Liên minh châu Âu (EU) hy vọng có thể hồi sinh giấc mơ hằng ấp ủ về đường biên giới mở trong nội bộ khối.

Nhưng ngay từ những tháng đầu tiên, EU đã đối mặt với cơn ác mộng ngày càng lớn. Dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 12/2019 và chỉ hai tháng sau, một loạt thành viên EU bắt đầu ghi thêm tên vào danh sách có ca nhiễm nCoV, bao gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Croatia, Pháp, Thụy Sĩ và mới nhất là Đức. Nhiều trường hợp trong đó bắt nguồn từ Italy, ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Âu với hơn 370 ca nhiễm.

Khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, rất nhiều lời kêu gọi đóng cửa biên giới ở các nước thành viên EU được đưa ra, chủ yếu đến từ phe cực hữu và chủ nghĩa dân túy, những người chưa từng ủng hộ chính sách mở cửa biên giới của khối.

Chưa quốc gia nào có động thái quyết liệt như vậy, nhưng quan chức EU cảnh báo rằng điều này có thể thay đổi nhanh chóng. Ngày 26/2, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của khối cho biết châu Âu cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tương tự ở Italy.

“Theo đánh giá hiện tại của chúng tôi, nhiều quốc gia khác ở châu Âu sẽ chứng kiến tình huống tương tự Italy, nhưng sẽ có sự khác nhau giữa các nước”, Andrea Ammon, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của EU, nói trong cuộc họp báo tại Rome, Italy.

“Chúng tôi cũng cần cân nhắc sự cần thiết của việc chuẩn bị những kịch bản khác nhau, ví dụ ổ dịch lớn hơn bùng phát ở những quốc gia châu Âu khác”, bà nói thêm.

Dù kêu gọi thành viên EU tăng cường hợp tác, bà Ammon không khuyến nghị các nước đóng cửa biên giới. Nhiều chuyên gia y tế khác cũng cho rằng động thái đó chỉ mang lại lợi ích rất nhỏ.

“Hạn chế đi lại không phải là cách hiệu quả, bởi mọi người có thể tìm cách lách. Nó chỉ có thể làm chậm tốc độ lây lan của virus”, tiến sĩ Clare Wenham tại Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Kinh tế London, cho biết.

Tự do đi lại và lưu thông hàng hóa chính là “hòn đá tảng” của EU, hay còn gọi tắt là Schengen, sau khi hiệp ước về một khu vực đi lại tự do gồm 26 quốc gia được ký tại Schengen, Luxembourg năm 1985.

Người châu Âu coi đó là một trong những thành tựu lớn nhất của EU. Dù được xem là yếu tố làm nên sự thịnh vượng và bản sắc của châu Âu, khối Schengen cũng phải chịu đựng nhiều “vết thương”. Lần gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, khi một số quốc gia tạm ngưng Hiệp ước Schengen để toàn quyền kiểm soát biên giới và ngăn người tị nạn từ Hy Lạp cũng như nhiều nơi khác tràn tới các nước Bắc Âu giàu có.

Hiệp ước Schengen cho phép các thành viên tái áp đặt tạm thời biện pháp kiểm soát biên giới vì lý do cụ thể, như để đối phó với tấn công khủng bố, các cuộc di cư lớn và tình huống y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, vấn đề ở đây nằm ở chữ “tạm thời”. Một quốc gia có thể đình chỉ hiệp ước nhưng cần giải thích lý do và về lý thuyết không thể áp đặt kiểm soát biên giới quá hai năm, theo quy định hiện hành.

Trong động thái mà giới chuyên gia gọi là lạm dụng quy tắc, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo và Na Uy đã tạm ngưng Hiệp ước Schengen và đã kiểm tra hộ chiếu của hành khách đến từ các nước thành viên trong khối suốt 4 năm rưỡi qua, bằng cách sử dụng các động thái pháp lý để “lách” quy định hai năm của EU.

“Schengen giờ không hiệu quả và tồn đọng nhiều vấn đề”, Marie De Somer, người đứng đầu chương trình di cư của Viện Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nói và thêm rằng cần khôi phục đầy đủ chức năng của nó để cải cách quy định nhập cư và tị nạn của khối.

Hành khách đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm ở Milan, Italy. Ảnh: NY Times.

Hành khách đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm ở Milan, Italy. Ảnh: NY Times.

Nhưng nCoV đặt ra một thử thách khác, bởi nó giúp những người theo chủ nghĩa dân tộc có “vũ khí mới” để bảo vệ quan điểm siết chặt hoặc khôi phục kiểm soát biên giới bên trong EU.

Eric Ciotti, nghị sĩ Pháp đến từ vùng biên giới giáp Italy và là thành viên đảng Cộng hòa thuộc phe cánh hữu, đã kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới “trước khi quá muộn”. Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia, cũng kêu gọi đóng cửa biên giới với Italy.

Tại Thụy Sĩ, quốc gia không phải là thành viên EU nhưng tham gia vào khối Schengen, Lorenzo Quadri của đảng cánh hữu Lega dei Ticinei yêu cầu một chính sách “đóng cửa” biên giới. “Thật đáng báo động khi các quan điểm về mở cửa biên giới được xem là điều ưu tiên”, ông nói.

Rất lâu trước khi nCoV xuất hiện, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc, dẫn đầu là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, đã phàn nàn rằng châu Âu không thể có chính sách mở cửa biên giới nội khối nếu đường biên giới bên ngoài quá yếu, khiến người tị nạn có thể tràn vào các quốc gia thành viên một cách không kiểm soát.

Ủy ban châu Âu đã cố gắng đưa ra kế hoạch khắc phục hệ thống tiếp nhận người tị nạn, bao gồm củng cố sức mạnh của Frontex, cơ quan biên phòng châu Âu, bằng cách tăng thêm nhân lực, tài chính cho lực lượng này và từng bước đẩy mạnh hoạt động giám sát biên giới bên ngoài khối. 

Nhưng kế hoạch này vấp phải trở ngại bởi nó tạo ra hệ thống phân bổ người tị nạn tới các quốc gia thành viên EU, điều Hungary luôn phản đối.

Có rất nhiều ý kiến bất đồng về chính sách trên. Đức muốn tất cả các quốc gia EU phải tiếp nhận người tị nạn dù muốn hay không, trong khi Hy Lạp mong sớm đưa tất cả người tị nạn ra khỏi các trung tâm giam giữ, còn Italy không muốn thuyền cứu hộ đưa người tị nạn cập cảng của mình. Danh sách các nước phản đối chính sách này không ngừng tăng lên.

Bà De Somer cho rằng không thể biết tác động thực sự của việc đình chỉ Hiệp ước Schengen, bởi Đức và nhiều quốc gia EU khác tái áp đặt kiểm soát biên giới chia sẻ rất ít thông tin về cách họ thực hiện và kết quả của nó.

“Chúng ta có rất ít số liệu về bao nhiêu người bị ảnh hưởng do đình chỉ Hiệp ước Schengen và dường như có rất ít dữ liệu thể hiện điều đó. Điều đó cho chúng ta thấy nó mang tính biểu tượng nhiều hơn là vấn đề thực tiễn. Nó nghiêng về chính trị nhiều hơn là chính sách”, bà nói.

Giới chức châu Âu phụ trách cải tổ chính sách di cư cho biết sự bùng phát của dịch Covid-19 gây trở ngại cho nỗ lực của họ, bởi nó mang tới cơ hội cho những người theo chủ nghĩa dân túy khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát biên giới quốc gia. Một số quan chức cho rằng virus corona có thể là lý do để né tránh vấn đề gai góc chắc chắn dẫn tới chia rẽ.

Hành khách ở sân bay quốc tế Krakow, Ba Lan hôm 26/2. Ảnh: NY Times.

Hành khách ở sân bay quốc tế Krakow, Ba Lan hôm 26/2. Ảnh: NY Times.

Bà De Somer thuộc Viện Chính sách châu Âu lạc quan hơn khi nghĩ rằng ngay cả khi các thành viên EU tái áp đặt kiểm soát biên giới để ngăn nCoV lây lan, đây có thể là cơ hội cho thấy Hiệp ước Schengen là giải pháp linh hoạt và hiệu quả để bảo vệ công dân. 

“Nếu chuyên gia y tế và Ủy ban châu Âu kiến nghị điều này, nó sẽ cho thấy hệ thống thực sự hoạt động hiệu quả ngay cả trong khủng hoảng. Nhưng khi mối đe dọa do nCoV không còn, việc kiểm soát biên giới cần được dỡ bỏ theo quy tắc của khối”, bà nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới