Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMối quan hệ giữa kế hoạch cải cách Hiến pháp của Thủ...

Mối quan hệ giữa kế hoạch cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe và sự can dự của Nhật Bản ở Biển Đông hiện nay

Một trong những vấn đề ưu tiên trong chính sách cầm quyền hiện nay của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là việc cải cách Hiến pháp Nhật Bản, nhằm đưa Nhật Bản trở lại sự phát triển bình thường khỏi những ràng buộc của lịch sử. Song song với những nỗ lực đó, dư luận cũng chứng kiến sự tham gia ngày càng tích cực của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Ấn Độ Dương, trong đó có khu vực Biển Đông.

Nỗ lực cải cách Hiến pháp của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe

Hiến pháp Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai đến nay thừa nhận sự từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn “việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết xung đột quốc tế”, khiến Nhật Bản là đất nước duy nhất trên thế giới bị ràng buộc bởi những hạn chế như vậy. Những hạn chế được áp đặt để không chỉ ngăn ngừa sự phục hồi của chế độ quân phiệt, mà còn để trừng phạt Nhật Bản vì những chính sách của chính phủ thời chiến và việc tiếp tục tuân thủ chúng là một việc thiếu thực tế. Đó là lý do tại sao, dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ Nhật Bản đã đặt ưu tiên cao lên việc sửa đổi Hiến pháp. Sau khi chiến thắng ở nhiệm kỳ 2, Thủ tướng Abe và đảng Tự do Dân chủ cầm quyền quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình nhằm xây dựng một Nhật Bản mạnh mẽ và có tính cạnh tranh hơn, một đất nước có thể vững vàng đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Nỗ lực của ông Abe để “bình thường hoá” tư thế chiến lược của Nhật Bản bắt đầu với việc diễn giải lại Điều 9 của bản Hiến pháp, theo đó đất nước này từ nay trở về sau được phép tham gia vào các hoạt động “tự vệ tập thể”. Mỹ, nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tokyo cũng đã ủng hộ động thái này. Với những đe doạ của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) về mạng sống của hai con tin Nhật Bản, một dự luật nhằm tiến hành việc diễn giải lại Hiến pháp đã được xem xét.

Việc diễn giải lại này đang đối mặt với nhiều sự phản đối trong và ngoài nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã thể hiện mối lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, mặc dù họ đã không hề đề cập đến việc chính sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến cho Chính phủ Nhật Bản xem xét lại chính sách quốc phòng của mình. Trên thực tế, việc diễn giải lại hiến pháp này chỉ hơn tính hình thức một chút: các lực lượng Nhật Bản có thể làm lá chắn cho tàu chiến Mỹ đang bảo vệ Nhật Bản, nhưng họ vẫn bị cấm thực hiện các cuộc tấn công hoặc tham gia vào các chiến dịch quân sự đa phương. Do Hiến chương Liên hợp quốc công nhận rằng việc tự vệ cá nhân và tập thể là “quyền cố hữu” của các quốc gia có chủ quyền, sự thay đổi này sẽ chẳng có gì gây tranh cãi. Tuy vậy, vào tháng 11/2019, Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai hai tàu chiến đến Trung Đông với lý do bảo vệ các tàu buôn đi qua đường thủy trọng yếu của khu vực. Điều này một lần nữa cho thấy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Động thái này nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của Tokyo sau một loạt cuộc tấn công tàu thủy mà Mỹ và Anh đổ lỗi cho Iran nhưng các nhà phân tích coi đây là nỗ lực kiên trì của Thủ tướng Abe để đảm bảo Nhật Bản có thể có quân đội truyền thống.

Việc Nhật Bản ngày càng tăng cường hiện diện ở Biển Đông rõ ràng có mối quan hệ với vấn đề cải cách Hiến pháp

Thứ nhất, Biển Đông có vai trò địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Nhật Bản. Mối quan tâm của Nhật Bản cũng như vấn đề tự do hàng hải đã được Thủ tướng Nhật Bản nêu bật rằng “những lợi ích của Nhật Bản là thường xuyên duy trì các vùng biển ở châu Á hoàn toàn được tự do qua lại, hòa bình, đảm bảo cho các tuyến đường đó là lợi ích chung cho toàn thể nhân dân trên thế giới, một khu vực hoàn toàn tuân theo luật pháp… Trong bối cảnh về mặt địa lý, hai mục tiêu này đều là những nhu cầu thiết yếu và mang tính bản chất đối với Nhật Bản, một quốc gia bao quanh và phụ thuộc vào các khu vực biển này, một quốc gia xem sự an toàn trên biển là sự an toàn của chính mình”. Về lợi ích bên trong có thể giới Lãnh đạo Nhật Bản không nói ra đó là việc Biển Đông sẽ là cửa ngõ bình thường hóa sự phát triển của quốc gia này. Trên thực tế, Nhật Bản phải nhập khẩu 95% lượng năng lượng tiêu thụ từ nước ngoài, mà nguồn năng lượng quan trọng nhất là dầu mỏ chủ yếu đi qua tuyến đường vận chuyển trên Biển Đông. Ngoài ra, có tới 99% lượng hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu đi các nơi cũng dựa vào tuyến đường biển, những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển tới thị trường châu Âu, những hàng hóa xuất nhập khẩu vào Đông Nam Á và châu Đại Dương cũng chủ yếu dựa vào tuyến đường qua Biển Đông.

Thứ hai, trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương của ASEAN, như ARF, ADMM, EAS. Mục tiêu là giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, gây áp lực lên Trung Quốc nhằm phân tán sự chú ý cũng như triển khai hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Đông. Nhật Bản chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia tranh chấp trong khu vực về vấn đề Biển Đông, đồng thời chủ động đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hàng hải. Bên cạnh đó, Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ song phương, đẩy mạnh sự hỗ trợ và ủng hộ của mình đối với các thành viên ASEAN có tranh chấp Biển Đông như Việt Nam và Philippines. Ngày 12/7/2016, sau khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý; các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Thứ ba, chỉ tính riêng trong năm 2019, Nhật Bản tích cực đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời lên án, chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhật Bản cam kết cũng các nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bố phản đối các hoạt động quân sự hóa, những hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cho rằng tất cả các bên phải tôn trọng UNCLOS. Liên quan việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc là hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán, khẳng định sự ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép.

RELATED ARTICLES

Tin mới