Trong báo cáo với cấp trên, các quan chức ở Vũ Hán và các thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc cho biết: Người dân ở đây không được đảm bảo điều trị, các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cạn kiệt trong hoàn cảnh phong tỏa thành phố, nỗi sợ hãi và lo lắng về dịch bệnh lan rộng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, theo các báo cáo nội bộ được tờ The Epoch Times thu thập, các nhà chức trách vẫn ưu tiên “kiểm soát xã hội” và “điều khiển dư luận”, để mọi người nhìn nhận tích cực về nỗ lực chống virus của chính quyền Trung Quốc.
Ví dụ, các quan chức ở thành phố Thập Yển thuộc tỉnh Hồ Bắc đã liệt kê các mục tiêu hoạt động của họ như: “Giám sát chặt chẽ những người khiếu kiện và những người có lợi ích bị tổn hại nghiêm trọng” – nói cách khác, đây chính là những người có khả năng bất đồng ý kiến với chính quyền; “Ngăn chặn nghiêm ngặt những người và nhóm chủ chốt tụ họp và gây rối” và “phạt nặng những người truyền bá tin tức sai lệch hoặc tin đồn liên quan đến dịch bệnh”.
Bất mãn xã hội gia tăng
Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) là một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyên giám sát bộ máy an ninh của đất nước, bao gồm cảnh sát, tòa án và nhà tù. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, gần đây, các chi nhánh địa phương của PLAC tại Hiếu Cảm, Thập Yển, Tiên Đào và các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc đã soạn thảo “các báo cáo hoạt động kiểm soát xã hội”.
Trong báo cáo, các PLAC này đã mô tả điều kiện sống trở nên khó khăn sau khi chính quyền đình chỉ giao thông, tụ tập công cộng và các hoạt động kinh tế để ngăn chặn virus lây lan.
“Sau khi thành phố đóng cửa, hầu hết cư dân mất đi nguồn thu nhập”, PLAC Thập Yển viết. “Nhìn chung, mọi người đều có những cảm xúc tiêu cực dâng cao, như đau buồn, hoảng loạn, lo lắng và nghi ngờ. Bất mãn xã hội gia tăng”.
Bé gái người Trung Quốc đeo khẩu trang tránh virus (ảnh: Shutterstock).
Trong khi đó, một cơ quan “kiểm soát dịch bệnh” mới đã được thành lập tại chính quyền Hồ Bắc để chống lại sự bùng phát của dịch bệnh. Cơ quan này đã biên soạn các “báo cáo kiểm tra hàng ngày” để trình báo cho những quan chức cao cấp của đảng như chủ tịch tỉnh Ying Yong, thống đốc Wang Xiaodong và phó thống đốc Huang Chuping.
Các báo cáo trình bày chi tiết về hoàn cảnh của người dân.
Vào ngày 19/2, cơ quan này cho biết trong báo cáo: “Cư dân của làng Hongmiao ở thành phố An Lục (thành phố cấp quận trong thành phố Hiếu Cảm, Hồ Bắc) phàn nàn chính phủ đã sử dụng dây thép gai để phong tỏa ngôi làng. Đã 6 ngày mà không có người đến đây [để cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản]”.
Ngày 21/2, Cục An ninh công cộng Hồ Bắc đã mô tả cuộc sống tại Hồ Bắc: “Nhìn chung, cư dân thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu. Ví dụ, một số gia đình đã dùng hết gas nấu ăn, một vài gia đình cần sữa bột và tã trẻ em… Nhiều cư dân muốn rời khỏi thành phố và ra ngoài để kiếm sống. Hành vi của họ trở nên cực đoan”.
Kiểm soát chặt chẽ
Mặc dù trong tình huống như vậy, Cục đã không đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề thiếu hụt. Cơ quan này giải thích một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nó là “duy trì trật tự tại các bệnh viện tạm thời”, các cơ sở được xây dựng trong các sân vận động, trung tâm triển lãm và phòng gym của trường học để cách ly những người có triệu chứng mắc virus ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
Theo báo cáo của Cục, 970 cảnh sát và 882 nhân viên bảo vệ đã được phái đến 20 cơ sở như vậy trên toàn tỉnh. “Nhiệm vụ chính của họ là kiểm soát những bệnh nhân gây rắc rối, những bệnh nhân không muốn ở lại đó và những người từ chối điều trị”, báo cáo cho biết.
Cục liệt kê những mục tiêu trong tương lai, như thắt chặt an ninh tại các văn phòng chính phủ, bệnh viện và trung tâm kiểm dịch; chuẩn bị cho các hoạt động có thể “phá hủy sự ổn định xã hội”; và phong tỏa “tất cả các nguồn nguy cơ lây nhiễm”.
Các nhà chức trách cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền tích cực về các nỗ lực ứng phó với virus.
Cơ quan “kiểm soát dịch bệnh” của tỉnh liệt kê những “thành tựu” của họ trong “báo cáo tuyên truyền” vào ngày 20/2: Có 215 câu chuyện tích cực trên ứng dụng của Hubei Daily, một tờ báo do chính phủ điều hành; 25 câu chuyện tích cực trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội giống như Facebook; 39 video tích cực trên ứng dụng Tiktok; 72 câu chuyện tích cực trên ứng dụng tin tức Toutiao; và 42 bài đăng trên Weibo, một nền tảng giống như Twitter. “Tổng số lượt xem trang đạt 50 triệu”, theo báo cáo.
Một ưu tiên khác là kiểm duyệt các bài đăng miêu tả tiêu cực về chính quyền trên mạng xã hội.
Trong một tài liệu ngày 7/2, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã ra lệnh cho cơ quan “kiểm soát dịch bệnh” tỉnh: “Tổ chức đội quản lý Internet 24 giờ để giám sát các bài đăng trên mạng từ tất cả các website… Xóa tất cả thông tin tiêu cực và gây hại”.
Tài liệu này cũng lưu ý rằng các nhà chức trách đã xóa “4.431 bài đăng gây thiệt hại nặng nề cho dư luận công chúng và kiểm duyệt 3.066 loại bình luận tiêu cực từ ngày 1 đến ngày 8/2”.
Thậm chí hầu hết các quan chức cấp cao trong nhóm hàng đầu chống dịch bệnh của chính phủ trung ương đều đến từ Cục Tuyên truyền và Bộ Công an. Không có thành viên đến từ Ủy ban Y tế Quốc gia.
Tang Jingyuan, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times ngày 27/2 cho biết, những tài liệu này thể hiện tâm thái quan liêu của Trung Quốc, điều này đã tồn tại từ khi đảng này thành lập chính quyền năm 1949.
“Các quan chức các cấp khác nhau muốn giữ chiếc ghế của họ. Để đạt mục đích ấy, các đảng viên cố gắng hết sức duy trì sự ổn định xã hội, điều được xem là một thành tựu. Trong mắt các quan chức, cuộc sống của người dân không quá quan trọng”, ông Tang cho biết.