Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia: Xung đột tiếp theo trên Biển Đông nhiều khả...

Giới chuyên gia: Xung đột tiếp theo trên Biển Đông nhiều khả năng liên quan lực lượng tàu cá TQ hơn là hải quân hay cảnh sát biển nước này

Từ những vụ việc cụ thể xảy ra ở Biển Đông thời gian qua liên quan các hành vi theo đuổi “yêu sách” chủ quyền của Trung Quốc, giới chuyên gia nghiên cứu các nước đã đưa ra nhiều tổng kết, đánh giá và cảnh báo đối với các nước về mức độ nguy hiểm và khó lường trong thủ đoạn sử dụng tàu cá ở Biển Đông của Bắc Kinh.

Khi tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nó không chỉ đi một mình. Hộ tống con tàu này là các tàu hải cảnh và đặc biệt là đông đảo các tàu cá. Những lần gần nhất cho thấy mức độ nguy hiểm của tàu cá Trung Quốc là khi Bắc Kinh chiếm đóng Đá Vành Khăn (1995), quấy rối tàu USNS Impeccable (2009) và USNS Howard O. Lorenzen của Mỹ (2014), quấy rối tàu Bình Minh và Viking 2 của Việt Nam (2011), chiếm đóng Bãi cạn Scarborough (2012), phong tỏa Bãi Cỏ Mây (2014), đưa giàn khoan HD-981 vào Vùng Đặc quyền kinh tế Việt Nam (2014) và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu cá Philippines khiến 22 ngư dân gặp nạn.

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc AMTI/CSIS tại Mỹ

Tàu cá Trung Quốc từ lâu đã được xem là lực lượng nguy hiểm trên Biển Đông, một “vũ khí” lợi hại Bắc Kinh sử dụng để áp đặt các yêu sách chủ quyền mà không cần gây ra xung đột vũ trang. Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang. Tàu cá là một trong ba thành phần của lực lượng vũ trang nước này, bên cạnh quân đội và Cảnh sát Trung Quốc. Dù là lực lượng bán quân sự độc lập với quân đội và trực thuộc quản lý của chính quyền, tàu cá hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ chỉ huy quân sự địa phương. Tàu cá là một bộ phận của lực lượng dân quân Trung Quốc, nước có đội tàu cá lớn nhất thế giới.

Điều 36 của Luật Nghĩa vụ Quân sự Trung Quốc năm 1984, sửa đổi năm 1998, quy định dân quân tiến hành các nhiệm vụ liên quan tới việc chuẩn bị đương đầu với chiến tranh, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng, và phải luôn sẵn sàng gia nhập quân đội tham chiến, chống lại sự xâm lược và bảo vệ đất nước. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng cường vai trò của lực lượng dân quân biển trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch của quân đội.

Theo chuyên gia Poling, sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014 là “lần đầu tiên chúng ta thấy dân quân biển Trung Quốc hoạt động với số lượng lớn như vậy”. Tuy nhiên, sự hiện diện của lực lượng này trên Biển Đông đang ngày càng phổ biến nhờ các cảng và cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các thực thể ở Biển Đông trong những năm qua.Tàu cá là lực lượng đóng vai trò lớn trong những hoạt động cưỡng ép để đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu.

Giáo sư Andrew S. Erickson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ hồi giữa năm 2018, giáo sư Erickson cho biết Bắc Kinh đã và đang triển khai 3 loại tàu để theo đuổi tham vọng ở Biển Đông, gồm tàu hải quân thân xám, tàu cảnh sát biển thân trắng và tàu cá hay gọi là dân quân biển thân xanh. Trong khi Bắc Kinh dường như rất hạn chế sử dụng lực lượng hải quân chính quy hiện đại của mình, tàu trắng và tàu xanh của Trung Quốc được cho là nhẵn mặt ở Biển Đông. Theo ước tính có phần khiêm tốn của vị chuyên gia, dân quân biển Trung Quốc hiện bao gồm hơn 300 tàu và gần 4.000 nhân sự. Trên lý thuyết, dân quân biển Trung Quốc là những ngư dân đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự, vẫn làm công việc đánh bắt hàng ngày nhưng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ của quân đội. Tuy nhiên, các học giả cho rằng đánh cá chỉ là vỏ bọc. Họ mang vỏ bọc các tàu đánh cá, nhưng các thông tin thu thập được cho thấy những con tàu này chẳng quan tâm gì đến đánh bắt, thậm chí họ còn không mang theo ngư cụ phù hợp. Những con tàu thân xanh này chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là xâm chiếm các vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực thi áp đặt các yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự. Sau đó, Mỹ đã chính thức gọi dân quân biển là một bộ phận của dân quân toàn quốc Trung Quốc, một lực lượng dự bị vũ trang bao gồm dân thường sẵn sàng được huy động. Các báo cáo của Mỹ nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân biển “đóng vai trò lớn trong các hoạt động cưỡng ép để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu”.

Một trong những lợi thế của lực lượng dân quân biển, theo quan điểm của Bắc Kinh, là sự mơ hồ về thân phận. Trong thời gian dài, các bên có tranh chấp trên Biển Đông cũng như các lực lượng qua lại trên vùng biển thường không thể xác định chắc chắn liệu họ đang đối mặt với tàu cá bình thường của Trung Quốc hay là “lực lượng bất thường” của nước này vốn có mục đích quân sự rõ ràng trong đầu. Vì không thể xác định chính xác, các bên khi đối đầu với lực lượng Trung Quốc thường hành động kiềm chế, tránh leo thang xung đột dẫn đến thương vong và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, Bắc Kinh lại lợi dụng sự mơ hồ này cũng như khả năng phủ nhận hợp lý, bằng cách nói rằng đó là tàu cá dù thực tế không phải để thực hiện mưu đồ của họ trên Biển Đông.

Giới quan sát tại Đông Nam Á và Nam Á

Các tàu cá Trung Quốc thường không được vũ trang, nhưng được gia cố phần mũi để có thể húc vào tàu khác, cũng như được trang bị vòi rồng công suất cao, thứ được xem là vũ khí hữu hiệu khi đối đầu với thủy thủ đoàn các tàu nhỏ. Ngoài ra, hầu hết tàu đều được trang bị thiết bị viễn thông hiện đại để tiến hành hoạt động gián điệp cũng như để dễ dàng triển khai theo lệnh của quân đội. Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã và đang chuyên môn hóa đồng thời quân sự hóa lực lượng dân quân biển. Nhiều tàu cá được huấn luyện cùng hải quân và hải cảnh Trung Quốc, được hỗ trợ thực hiện những nhiệm vụ như bảo vệ tuyên bố chủ quyền, do thám và trinh sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ hậu cần. Các thành viên của lực lượng tàu cá của tỉnh Hải Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các binh sĩ xuất ngũ và được trả lương riêng. Một nghiên cứu của giáo sư Erickson công bố năm 2016 chỉ ra rằng khoảng 300.000 quân nhân bị tinh giản biên chế khi quân đội Trung Quốc thực hiện cuộc cải tổ lớn đã được đề nghị làm việc cho một công ty “ngư nghiệp” với mức lương cạnh tranh cùng nhiều đãi ngộ “mà dường như không liên quan gì đến năng lực đánh bắt”.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc chuyên môn hóa lực lượng tàu cá. Thuyền viên các tàu này được huấn luyện để đối phó với các tình huống bất thường trong thời bình và thời chiến, bao gồm việc sử dụng vũ khí hạng nhẹ, và triển khai thường xuyên đến các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí cả trong thời kỳ cấm đánh bắt. Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định lực lượng này sẽ áp dụng cách xử lý giống nhau đối với tàu hải cảnh, tàu cá vỏ thép và tàu hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyên gia kết luận rằng xung đột tiếp theo xảy ra trên Biển Đông rất nhiều khả năng liên quan đến lực lượng tàu cá của Trung Quốc hơn là hải quân hay cảnh sát biển nước này và nó sẽ thiếu cơ chế để liên lạc và xuống thang căng thẳng vốn tồn tại giữa các lực lượng chuyên nghiệp các bên liên quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới