Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDoanh nghiệp TQ quay cuồng trong “bão” corona

Doanh nghiệp TQ quay cuồng trong “bão” corona

Các nhà hàng, cửa hiệu cùng hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đang đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động vì dịch corona.

Tại khu vực đồi núi hẻo lánh ở phía tây nam Trung Quốc, nơi cách biên giới Lào 128 km và cách tâm dịch corona Vũ Hán 1.930 km, Yao Tonghua đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh doanh.

Hai tháng trước, Yao phải vay mượn để trả 10.000 USD tiền thuê một căn nhà 5 tầng mà cô hy vọng sẽ trở thành “cung điện” ẩm thực Tứ Xuyên. Sau đó, dịch corona bùng phát.

7 đầu bếp của Yao bây giờ đang ngồi chơi xung quanh những chiếc bàn trống – nơi lẽ ra phải dành cho 100 thực khách. Rau thối rữa ngoài sân, còn cá lờ đờ trong bể.

“Tôi cứ nghĩ dịch bệnh chỉ giới hạn ở Vũ Hán và sẽ không tác động nhiều tới một thành phố vừa nhỏ vừa ở xa như chúng tôi”, Yao cho biết.

Yao đang cân nhắc cho nhân viên nghỉ việc và bán nhà hàng để bù đắp khoản thiệt hại đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, Yao cũng lo ngại rằng cô không thể tìm được người mua.

“Tình hình ngày càng tuyệt vọng”, Yao nói.

Tác động tới doanh nghiệp

Sau vài tuần chao đảo vì dịch corona, giới chức và các nhà kinh tế Trung Quốc ngày càng lo ngại về mức độ tàn phá của dịch bệnh đối với một phần quan trọng của nền kinh tế: đó là các nhà hàng, nhà bán lẻ, quán karaoke và các công ty gia đình. Vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 80% nguồn lao động tại Trung Quốc và tạo ra 68% doanh thu quốc gia.

“Chỉ 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước hoạt động trở lại. Tình hình khá nghiêm trọng”, Shu Chaohui, quan chức tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nói với các phóng viên.

Một cuộc khảo sát trên quy mô toàn quốc do Đại học Bắc Kinh tiến hành hồi tháng 2 cho thấy, một nửa trong số doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc sẽ cạn tiền trong vòng 3 tháng và 14% có thể không sống sót qua thời điểm giữa tháng 3.

Doanh nghiệp Trung Quốc quay cuồng trong “bão” corona - 2

 Nhân viên khử trùng tại một quầy hàng ở Thượng Hải hồi tháng 2. (Ảnh: AFP)

Không giống các tập đoàn lớn hoặc các công ty đa quốc gia với khả năng vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc cho biết họ không có đủ tiền dự trữ để tiếp tục trả lương cho nhân viên và tiền thuê nhà.

Trong khi những tập đoàn khổng lồ chuyên sản xuất hàng loạt như iPhone Apple có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của chính phủ để sắp xếp xe buýt và tàu giúp đưa công nhân từ các tỉnh thành khác quay trở lại nhà máy làm việc, gần 40% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ không thể đưa công nhân trở lại các thành phố ở Trung Quốc để làm việc vì lệnh hạn chế đi lại cũng như các rào cản về cách ly.

Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tìm cách giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương, tuy nhiên kết quả vẫn chưa rõ ràng. Các bộ và cơ quan quản lý vẫn hối thúc các ngân hàng mở rộng các khoản vay dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Các bên cho vay cũng được đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán hoặc “nhắm mắt cho qua” nếu các doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, những lựa chọn về chính sách vẫn rất hạn chế khi nhiều khu vực tại Trung Quốc đang bị phong tỏa và tâm lý lo lắng vẫn bao trùm trên cả nước. Mọi người đơn giản chỉ không muốn ra khỏi nhà và tiêu tiền.

“Nếu mọi người không ăn ở nhà hàng, điều đó ảnh hưởng không chỉ tới nhà hàng, mà còn tới nhà cung cấp hải sản hay người nông dân. Nếu mọi người không đi mua sắm, điều đó sẽ ảnh hưởng tới người làm vải và thợ may. Những tác động về kinh tế không bị giới hạn, chúng sẽ lan truyền từng cấp độ”, Dai Ruochen, nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh và là người dẫn đầu nhóm khảo sát, nhận định.

Dịch bệnh còn tác động tới vấn đề việc làm. Trong những tuần gần đây, các công ty trên khắp Trung Quốc đã đăng thông báo trên mạng để xin lỗi khách hàng vì đã đóng cửa và xin lỗi nhân viên vì sa thải hàng loạt.

Nỗi lo nợ nần

Tại Thâm Quyến, nơi từng là khu đô thị náo nhiệt một thời, Cao Tianfei đã đóng cửa một nhà hàng cá nướng và trả 36.000 USD tiền phạt vì phá vỡ hợp đồng thuê mặt bằng bên trong một trung tâm thương mại đóng cửa từ hai tuần trước. Ông đã cho 15 nhân viên nghỉ việc.

“Tôi cảm thấy như tôi đang bỏ rơi những đứa con của mình vậy. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Mỗi sáng thức dậy, tiền thuê nhà và tiền lương nhân viên khiến tôi kiệt sức”, ông Cao cho biết.

Cao nói rằng diễn biến khó lường của dịch corona đã phá vỡ mọi kế hoạch của ông.

“Tôi chưa nghĩ đến việc vay tiền từ ngân hàng, vì tôi không thể đoán được khi nào dịch kết thúc. Ngay cả khi dịch kết thúc trong ngày hôm nay, chúng tôi vẫn phải mất một chặng đường dài mới có thể thoát ra khỏi nó”, ông Cao cho biết.

Nhằm hạn chế tình trạng bất ổn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu người dân. Các nhà chức trách đã đặt ra mục tiêu cuối tháng 4 để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Một quan chức ngân hàng trung ương đã chia sẻ trên truyền thông quốc tế về việc Trung Quốc triển khai ít nhất 30 biện pháp chính sách, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để đảm bảo họ có thể phục hồi nhanh chóng trong cơn khủng hoảng.

RELATED ARTICLES

Tin mới