Những năm qua, bên cạnh việc sử dụng công nghệ ảnh vệ tinh, thu sóng vô tuyến điện, Trung Quốc còn tích cực sử dụng các loại hình tàu thuyền như tàu cá, tàu hải cảnh hay tàu nghiên cứu khoa học để do thám, theo dõi hoạt động của các nước trên biển.
Hệ thống tàu cá, cá nghiên cứu khoa học, tàu hải cảnh được TQ trang bị các hệ thống thông tin, liên lạc tạo thành mạng lưới với nhau
Thứ nhất, Trung Quốc do thám bằng tàu cá cải trang hay còn gọi “dân quân biển”. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng dân quân biển đóng vai trò lớn trong những hoạt động cưỡng ép để đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu. Ngoài nhiệm vụ bao vây, xuôi đuổi, sẵn sàng đâm va cản phá tàu thuyền nước ngoài, những tàu này được giao nhiệm vụ do thám tin tức như một mạng lưới dày đặc ở Biển Đông. Ngụy trang dưới vỏ bọc tàu cá, lực lượng này trở thành yếu tố quan trọng của chiến lược “vùng xám”, là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng. Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang. Những tàu này mang vỏ bọc các tàu đánh cá, nhưng các thông tin thu thập được cho thấy những con tàu này chẳng quan tâm gì đến đánh bắt, thậm chí họ còn không mang theo ngư cụ phù hợp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra các bằng chứng cho thấy các tàu Trung Quốc có vẻ ngoài là tàu cá, hiện diện xung quanh các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam, thực chất là lực lượng dân quân biển, được Chính phủ Trung Quốc tài trợ lắp đặt các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, kết nối với đất liền hoặc các lực lượng khác như hải quân, hải cảnh.
Thứ hai, Trung Quốc do thám bằng tàu tàu hải cảnh và tàu cảnh sát biển. Cảnh sát biển Trung Quốc được thành lập tháng 3/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia, nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng “tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, bao gồm các lực lượng: Hải giám, Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc. Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên. Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818. Những tàu này làm nhiệm vụ giám sát, bám đuôi các tàu thuyền các nước di chuyển ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Thứ ba, Trung Quốc do thám bằng tàu tàu khảo sát khoa học. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 54 tàu khảo sát (26 tàu khảo sát xa bờ, 26 tàu khảo sát gần bờ) như: Tàu Tuyết Long, Trung tâm nghiên cứu địa cực Trung Quốc; tàu Đại Dương số 1, thuộc Hiệp hội phát triển nghiên cứu tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc; tàu Hướng Dương Đỏ 06, thuộc Chi cục Bắc Hải Cục Hải dương Quốc gia; tàu Phát Hiện, thuộc Đại đội Khảo sát địa chất hải dương số 1, Cục dầu mỏ Hải Dương Thượng Hải; tàu Khảo Cổ 01, thuộcCục Văn vật Quốc gia Trung Quốc; tàu Chiết Hải Khoa 1, Đại học Hải Dương Chiết Giang… Tàu Đông phương Hồng có trọng lượng rẽ nước hơn 3.000 tấn, là một trong những tàu nghiên cứu khảo sát hiện đại nhất của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng từ những năm 1996. Tàu trên có nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu nhằm làm rõ quá trình phát triển của Biển Đông cũng như nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng biển.
Các vụ việc gần đây cho thấy TQ bị các nước phát hiện điều tàu thuyền do thám trên biển
(1) Tháng 5/2019, tàu đổ bộ HMAS Canberra và tàu hộ vệ tên lửa HMAS Newcastle của Hải quân Hoàng gia Australia khi đến thăm Việt Nam và trở về cũng đã bị tàu Trung Quốc bám đuôi trên Biển Đông.
(2) Tháng 7/2019, Trung Quốc bị Australia phát hiện triển khai do thám Type 815G di chuyển từ phía bắc Papua New Guinea hướng về Australia để theo dõi cuộc tập trận Talisman Sabre 2019 chung giữa Mỹ, Australia và Nhật Bản diễn ra ở bờ biển bang Queensland. Tàu này được trang bị hệ thống liên lạc tiên tiến có khả năng nghe lén.Trong cuộc tập trận Talisman Sabre vào năm 2017, quân đội Australia cũng đã phát hiện một tàu do thám Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi Queensland.
(3) Tháng 6-8/2018, sau khi bị Bộ Quốc phòng Mỹ rút lại lời mời tham gia cuộc tập trận Cuộc tập trận RIMPAC 2018 nhằm phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã cử tàu chiến thường trực để do thám, theo dõi các hoạt động của các nước. Các quan chức Mỹ cho biết tàu do thám Trung Quốc này hoạt động ở vùng biển quốc tế ngay ngoài khơi Hawaii và chưa gây ảnh hưởng đến cuộc diễn tập. Tuy nhiên, chỉ huy các nước bày tỏ sự thất vọng đối với việc Trung Quốc cử tàu do thám tới gần Hawaii dù không được mời tham dự RIMPAC. Đây là cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới, với sự tham gia của gần 30 nước. Trung Quốc đã ngay lập tức lên án quyết định của Mỹ. Trung Quốc đã từng tham gia cuộc tập trận này hai lần, vào năm 2014 và năm 2016.
(4) Tháng 1-2/2020, Trung Quốc đã đưa tàu nghiên cứu khảo sát Hướng Dương Hồng 01 tiến hành khảo sát nước sâu ở Ấn Độ Dương gần vùng biển Tây của Australia, đúng thời điểm tàu ngầm tấn công nhanh Mỹ USS Texas đang thăm căn cứ hải quân Australia HMAS Stirling ở thành phố Perth để do thám hoạt động của tàu Mỹ và Australia. Người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Australia cho biết biết tàu Hướng Dương Hồng 01 “chắc chắn” là đang lập bản đồ vùng biển chiến lược, nơi các tàu ngầm Australia di chuyển đến và đi từ Biển Đông. Bắc Kinh từ lâu đã rất muốn thu thập thông tin về lộ trình di chuyển của tàu ngầm, cùng lúc kiểm tra và giám sát phản ứng từ Canberra. Tàu Trung Quốc cũng đã do thám gần trạm liên lạc hải quân Harold E Holt, thị trấn Exmouth, bang Tây Australia.