Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang “thống trị” thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái...

TQ đang “thống trị” thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia đang dẫn đầu về sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc đang sở hữu 6 trong số 10 công ty sản xuất các mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng, hiện đóng góp 1/3 sản lượng điện toàn cầu trong năm 2018. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, năng lượng tái tạo sẽ ngày càng chiếm ưu thế nhờ những đặc tính ưu việt như chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, sức khỏe và là một điều kiện quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Do đó, sản xuất năng lượng tái tạo là ưu tiên lớn của nhiều nước trên thế giới. IRENA cũng cho rằng, sự chuyển đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu được thúc đẩy bởi năng lượng tái tạo có thể làm giảm căng thẳng địa chính trị liên quan đến dầu mỏ và sẽ thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia. Sự chuyển đổi này cũng có thể giảm thiểu những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường vốn là một trong những nguyên nhân gốc rễ của sự bất ổn địa chính trị và xung đột.

Trong những năm gần đây, cùng với việc nguồn năng lượng hóa thách (than đá, dầu mỏ…) đang ngày càng cạn kiệt và việc sử dụng nhiệt điệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đã tạo động lực thúc đẩy để Trung Quốc đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng từ sóng biển…

Để phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, năm 2006 Trung Quốc đã ban hành Luật năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Sau đó, nhiều chính sách và kế hoạch ở cấp quốc gia và địa phương đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung Quốc cũng nêu rõ, phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Song song với đó, Trung Quốc còn ban hành một số quy định, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm năng lượng tái tạo, điều chỉnh giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo và hủy bỏ kế hoạch triển khai 104 dự án nhà máy nhiệt điện chạy than ở 13 tỉnh, thành phố. Có thể thấy, trên thực tế, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân Trung Quốc. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thuế và cam kết đảm bảo mua lại năng lượng tái tạo đã giúp nhân rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Đáng chú ý, Bắc Kinh đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời vì loại hình năng lượng này cho phép trực tiếp giải quyết các vấn đề đang được xem là vấn nạn như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng và đi cùng với đó là các lợi ích liên quan như tài chính hay môi trường.

Nhờ những chính sách hiệu quả và hướng đi hợp lý, ngành năng lượng sạch của Trung Quốc  đang phát triển mạnh mẽ, đưa ngành năng lượng phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù than đá vẫn chiếm phần chủ yếu trong tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc, song quốc gia này đang nỗ lực đóng cửa các mỏ than và đặt ra những hạn chế mới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tháng 1/2017, lần đầu tiên trong lịch sử Ủy ban Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu bắt buộc trong việc giảm lượng than tiêu thụ. Cơ quan này cũng đặt mục tiêu tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng vào năm 2020 và giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.

Lĩnh vực này cũng là trung tâm của kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tìm cách đưa Bắc Kinh trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thành tựu đáng nể

Hiện nay, Trung Quốc được xem là quốc gia đang dẫn đầu về sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc đang sở hữu 6 trong số 10 công ty sản xuất các mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về năng lượng tái tạo, bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 103 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều hơn Mỹ 44,1 tỷ USD, tương đương 36% toàn cầu.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc, đến cuối năm 2018, công suất năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã đạt 728GW, tăng 12% so với năm trước đó. Cụ thể, thủy điện đạt 352GW (tăng 2,5%), năng lượng gió đạt 184GW (tăng 12,4%), quang điện 174GW (tăng 34%) và năng lượng sinh khối 17,8GW (tăng 20,7%). năng lượng tái tạo chiếm 38,3% tổng công suất năng lượng của Trung Quốc, tăng 1,7 điểm phần trăm.

Năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược mới tập trung vào an ninh năng lượng tái tạo. Với mục tiêu tạo ra 15% năng lượng từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2020 và 20% vào năm 2030, quốc gia này có kế hoạch thực hiện các biện pháp chủ động để tiếp tục mở rộng các cơ sở có thể cung cấp NLTT chất lượng cao. Đồng thời, giữ vị trí dẫn đầu về năng lượng tái tạo và hiện là nhà sản xuất, xuất khẩu, lắp đặt các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin và xe điện lớn nhất thế giới.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi Trung Quốc đang dẫn đầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này với hơn 150.000 bằng sáng chế về năng lượng tái tạo tính đến năm 2016, chiếm 29% tổng số toàn cầu. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ, nơi có hơn 100.000 bằng sáng chế, tiếp theo là Nhật Bản và EU với mức tương đương nhau là 75.000 bằng sáng chế. Tháng 11/2017, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch 10 năm để phát triển ngành công nghiệp lưu trữ năng lượng lưới điện có quy mô lớn của riêng mình. Đây là một phần quan trọng của chiến lược sản xuất pin cho xe điện; đồng thời, bổ sung nguồn điện mới vào lưới điện quốc gia của Trung Quốc – cụ thể là tích hợp một lượng lớn năng lượng gió và mặt trời được chế tạo ở các vùng phía Tây xa xôi cho các đô thị phía đông Trung Quốc. Trong 5 năm tới, một số dự án sản xuất pin năng lượng điện mặt trời quy mô lớn hơn bổ sung vào lưới điện quốc gia dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động. Khoảng 65% công suất lắp đặt của Trung Quốc năm 2018 được phát triển bởi Tập đoàn Điện nhà nước Trung Quốc, cho thấy mức độ quan tâm của Chính phủ nước này đối với sản xuất năng lượng điện tái tạo. Năm 2017, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 945 triệu tấm pin năng lượng mặt trời.

Các công ty Trung Quốc như CATL và Build Your Dreams (BYD) đang lên kế hoạch cho các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời siêu lớn, với công suất gấp 3 lần mức trung bình trên thế giới. Đến nay, CATL đã chiếm lĩnh 19% thị trường toàn cầu. Cách tiếp cận theo hướng mở rộng liên minh với các nhà sản xuất ôtô điện như SAIC và Dongfeng Motor, để tạo đầu ra ổn định cho pin năng lượng mặt trời. Đây cũng là một phần của chương trình “Made in China 2025”, với mục đích tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu cốt lõi lên 40% vào năm 2020 và sau đó lên 70% vào năm 2025…

Trung Quốc thậm chí đã thể hiện tham vọng đưa các trang trại năng lượng mặt trời ra ngoài không gian để tối ưu hóa công suất và nguồn lực. Những bước tiến mạnh và đầy quyết tâm của họ cho thấy, Trung Quốc rõ ràng đang muốn phát triển ngành năng lượng để cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới.

Những lĩnh vực chủ chốt

Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Trung Quốc hiện được coi là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và sản lượng. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2018, Trung Quốc lắp đặt một nửa tổng công suất lượng năng lượng mặt trời mới trên toàn thế giới. Vào năm 2018, Trung Quốc là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 gigawatt công suất năng lượng mặt trời, tương đương với lượng điện được sản xuất từ 75 nhà máy năng lượng hạt nhân. Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời vì nó cho phép quốc gia này trực tiếp giải quyết những vấn đề về ô nhiễm không khí, thay đổi khí hậu và an ninh năng lượng, và các lợi ích liên quan – tài chính và môi trường – là rõ ràng. Hơn nữa, để đáp ứng các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Trung Quốc buộc phải tăng tỷ lệ năng lượng mặt trời trong năng lượng tổng hợp từ 2,3% năm 2015 lên 20% vào năm 2030. Điều này sẽ giảm bớt nhu cầu về 20 nhà máy nhiệt điện đốt than cỡ trung mới.

Chương trình Ánh sáng (Brightness Program), bắt đầu từ năm 1996, là chính sách đầu tiên mang điện đến những khu vực vùng sâu vùng xa (vốn không nằm trong lưới điện), thông qua năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhưng vào đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã chuyển sang tập trung sản xuất các sản phẩm về năng lượng mặt trời để xuất khẩu, một phần là nhờ trợ cấp của châu Âu để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Chính phủ cung cấp tín dụng xuất khẩu, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại một số công ty hàng đầu.

Chuyển giao công nghệ diễn ra chủ yếu thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ những nước công nghiệp phát triển, các doanh nhân và nhân công lành nghề sẽ triển khai các dự án. Giữa năm 2000 và 2006, khoảng 95% mô-đun quang điện mặt trời do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc cũng đã triển khai Dự án Golden Sun Demonstration Program, bắt đầu vào năm 2009. Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư các khoản trợ cấp để thực hiện các dự án từ nguồn quỹ đặc biệt cho năng lượng tái tạo, với mục đích thúc đẩy công nghiệp hóa quy mô lớn sản xuất điện mặt trời ở Trung Quốc. Cụ thể, Nhà nuớc cung cấp các khoản trợ cấp tuơng đuơng 50% tổng vốn đầu tư cho các dự án trong đô thị. Mức trợ cấp sẽ tăng tới 70% cho các hệ thống quang điện ở vùng sâu, vùng xa chưa kết nối với lưới điện. Khoản trợ cấp triển khai năng lượng mặt trời lần hai diễn ra vào năm 2011, với sự ra đời của giá điện feed-in tariff (TiF), để trả cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Tiền tài trợ cho chính sách này đến từ khoản phụ phí trong hóa đơn tiền điện của dân.

Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ cũng khuyến khích sự đổi mới. Vào năm 2015, Cơ quan Năng lượng Quốc gia đưa ra sáng kiến Front-runner (Người tiên phong), khuyến khích các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời mới sử dụng các sản phẩm tiên tiến với hiệu suất cao hơn, để minh chứng cho tiến bộ công nghệ của đất nước và giảm chi phí. Để làm điều này, cơ quan này đấu thầu một số địa điểm có quy mô lớn, chất lượng cao cho những dự án năng lượng mặt trời. Cuộc cạnh tranh khốc liệt đã hạ giá thành xuống đến mức 0,45 NDT (0,06 USD) cho mỗi kilowatt giờ – gần bằng với mức giá năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện đốt than. Nhưng kế hoạch này thành công quá đà: hệ thống không thế chứa hết năng lượng được sản xuất, dẫn đến việc bắt buộc phải cắt giảm sản xuất năng lượng. Vào năm 2018, Trung Quốc giới thiệu một chương trình trợ cấp thông minh, cắt giảm 20% FiT.

Tương tự trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng là một trong những ưu tiến lớn của Trung Quốc. Hiện ngành năng lượng gió của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc giảm thuế áp dụng từ năm 2003. Với tổng công suất lắp đặt 5,9 gigawatt (GW) vào cuối năm 2007, công suất năng lượng gió của Trung Quốc đã vượt mục tiêu 5 GW, được đặt ra cho năm 2010, và đang trên đà tiến tới mốc 30 GW vào năm 2020. Nhu cầu năng lượng và công suất lắp đặt điện gió của Trung Quốc đều tăng nhanh hơn so với kế hoạch. Do ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, cùng với áp lực về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng công suất năng lượng gió lên mức 210 GW vào năm 2020, tăng 180 GW so với mục tiêu đề ra trước đó. Tháng 8/2009, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ Trung Quốc thay thế bằng ưu đãi thuế. Với chính sách mới này, bốn trang trại điện gió đã được thiết lập, dựa trên chất lượng tài nguyên năng lượng gió, điều kiện cung cấp kỹ thuật và cơ sở hạ tầng.

Bằng cách cho phép các nhà đầu tư nắm rõ tỷ lệ hoàn vốn dự kiến thông qua việc công bố trước mức thuế đánh trên số điện năng truyền tải, Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn năng lượng gió chất lượng cao. Đồng thời, điều này giúp các nhà máy điện gió giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng hiệu quả kinh tế, qua đó, thúc đẩy sự phát triển lớn hơn của ngành công nghiệp điện gió tại Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, chi phí của các dự án điện gió giảm đi rất nhiều, nhưng các tiêu chí thuế quan đánh trên số điện truyền tải tại mỗi khu vực vẫn giữ nguyên mức ưu đãi cho đến năm 2015. Điều này khiến các nhà sản xuất điện gió tập trung vào chi phí sản xuất nhiều hơn mức nhu cầu, dẫn đến dư thừa một lượng lớn nguồn cung năng lượng. Sự mất cân bằng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực miền Bắc và miền Tây Trung Quốc, nơi sở hữu nguồn tài nguyên gió dồi dào và tập trung phần lớn các cơ sở sản xuất điện gió. Do các trạm phụ tải được đặt cách xa hơn nhiều so với các nhà máy sản xuất điện gió, dẫn đến kết quả là số năng lượng điện gió được tạo ra cần phải giảm bớt do nhu cầu sử dụng thấp của địa phương hoặc do sự thiếu ổn định của hệ thống lưới điện.

Ý đồ của Bắc Kinh

Trung Quốc đang tận dụng sự phát triển năng lượng tái tạo để gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu trong khi sự ảnh hưởng của các nhà xuất khẩu dầu lớn như Nga và các nước Trung Đông đang ngày một suy giảm. Với vị trí quốc gia đứng đầu về sản lượng năng lượng tái tạo cũng như các công nghệ liên quan, Bắc Kinh giờ đây đang có ảnh hưởng lớn mà các quốc gia khác đang cần phải đề phòng. Họ có thể sử dụng năng lượng như một “vũ khí mới” để thay đổi mô hình thương mại và phát triển các liên minh mới. Đồng thời, điều này cũng có thể châm ngòi cho sự bất ổn ở một số quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.

Chuyên gia năng lượng Wang Bohua thuộc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế IRENA đánh giá, cho dù đó là năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, năng lượng thủy triều hay nhà máy thủy điện, hầu hết các quốc gia đều có tiềm năng tự phát triển một số năng lượng sạch. Dó đó, trong tương lai có khả năng nhiều quốc gia phải nhập khẩu phần lớn năng lượng tái tạo hoặc công nghệ để có thể tự tạo ra sức mạnh của mình để nhằm cải thiện cán cân thương mại và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước những biến động của giá dầu mỏ, hiện đang phụ thuộc nhiều vào những ảnh hưởng địa chính trị. Ngành công nghiệp tái tạo của Trung Quốc đang thiết lập sự thống trị về công nghệ để phù hợp với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, với những hạn chế về công nghệ, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Úc, hoặc các quốc gia giàu khoáng sản như Bôlivia, Cộng hòa Dân chủ Congo… Trung Quốc hoàn toàn có thể dễ dàng đánh mất ngôi vương toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới