Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính quyền Trung Quốc che giấu số liệu dịch COVID-19 giống cách...

Chính quyền Trung Quốc che giấu số liệu dịch COVID-19 giống cách làm với dịch tả lợn châu Phi

Báo cáo đặc biệt của Reuters cho thấy cách chính quyền Trung Quốc kiểm soát thông tin về dịch COVID-19 rất giống với cách họ che giấu số liệu dịch tả lợn châu Phi diễn ra năm 2018-2019.  

 

Khi dịch COVID-19 mới bắt đầu, các quan chức Trung Quốc đã phản ứng chậm, chặn tin tức, đàn áp những người nói ra sự thật và thất bại trong việc cảnh báo công chúng, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh. Sự lan rộng của dịch bệnh trong khu vực đã mang lại tổn thất lớn về cuộc sống và kinh tế cho người dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra do Reuters thực hiện cho thấy, trên thực tế, tất cả những điều này chỉ là sự lặp lại cách xử lý của chính quyền Trung Quốc trong đợt dịch tả lợn châu Phi diễn ra từ năm 2018 đến 2019. Cách tiếp cận của chính quyền trong hai đợt bùng phát dịch bệnh là tương tự. 

Bệnh dịch lan khắp Trung Quốc đến các quốc gia khác

Sau khi virus corona được phát hiện vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, các quan chức địa phương và trung ương đã phản ứng chậm trong việc đưa ra cảnh báo và biện pháp cần thiết ngăn dịch bệnh bùng nổ. Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát các tin tức tiêu cực và những bài đăng trên mạng về dịch bệnh và các chỉ trích chính quyền. 

Chính quyền Vũ Hán đã khiển trách 8 người vì tội lan truyền thông tin “bất hợp pháp và sai trái” về bệnh dịch. Một trong số họ chính là bác sĩ Lý Văn Lượng, người sau đó đã chết vì virus corona. 

 Theo các yêu cầu kiểm duyệt gửi cho các hãng thông tin, Cục Quản lý mạng Trung Quốc (Cyberspace Administration of China – CAC) đã gỡ bỏ những bài đăng về bác sĩ Lý và những thông tin mà chính quyền cho là tiêu cực. Một trong những thông báo yêu cầu các hãng tin phải canh chừng những “thông tin độc hại”. Một yêu cầu khác là không được “đẩy mạnh các bài viết tiêu cực”. 

Kết quả là hiện tại dịch bệnh đã lan rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn sang các nước khác, nhưng nhiều người vẫn không nhận thức được nguy cơ và chuẩn bị các bước đề phòng.

Chúng ta có thể thấy kịch bản lặp lại trong đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc đã phải chịu những tổn thất lớn: đàn lợn 440 triệu con ở Trung Quốc bị giảm hơn một nửa. Thị trường cung cấp thịt lợn toàn cầu giảm 1/4, dẫn đến giá thịt lợn toàn cầu tăng mạnh. Lạm phát thực phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm. Nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. 

Trường hợp đầu tiên của tả lợn châu Phi được phát hiện vào ngày 1/8/2018 tại một trang trại gần Thẩm Dương, Liêu Ninh. 2 tuần sau, một trường hợp khác xảy ra ở Hắc Long Giang, cách đó hơn 1.000 km.

Theo Johson và các chuyên gia trong ngành khác, Bắc Kinh mất thêm 2 tuần nữa mới đóng cửa xuất khẩu thịt lợn trong toàn khu vực này, các biện pháp ngăn chặn vận chuyển thịt lợn được thực thi hời hợt. Những lỗ hổng trong việc kiểm soát khiến dịch tả lợn xuất hiện khắp Trung Quốc.

 Giống như dịch COVID-19, virus xuất hiện ở Trung Quốc và lan ra nhiều quốc gia khác; dịch tả lợn châu Phi cũng đã lan rộng ra 10 nước ở châu Á. 

Reuters dẫn lời chuyên gia thú y Wayne Johnson làm việc tại Bắc Kinh, thiếu thông tin đáng tin cậy khiến nông dân, ngành công nghiệp và chính phủ không biết cách thức dịch bệnh lan truyền và lý do lây lan nhanh chóng, và không thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả.  

Những lỗ hổng trong báo cáo 

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc trong một tuyên bố với Reuters cho biết, họ đã liên tục truyền đạt tới các khu vực về tầm quan trọng của các báo cáo kịp thời và chính xác các vụ dịch tả lợn châu Phi và không khoan nhượng trong việc che giấu và trì hoãn báo cáo.

Trong khi đó, Reuters đã phỏng vấn hơn 10 nông dân, họ nói mình đã báo cáo tình hình dịch bệnh cho chính quyền địa phương nhưng thông tin đó không hề được đưa vào thống kê chính thức của Bắc Kinh.

 

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các nông dân và giám đốc công ty kinh doanh thịt lợn nói, các quan chức địa phương tránh báo cáo dịch bệnh vì sợ hậu quả chính trị. Họ thường từ chối kiểm tra lợn khi người dân báo cáo về những đàn lợn chết hàng loạt.

 Một nông dân tên Zhao ở Hà Nam trả lời phỏng vấn với Reuters cho biết, đàn lợn của ông bị chết vì dịch bệnh nhưng cán bộ địa phương đã không báo cáo lên trên. Vị cán bộ nói: “Chúng ta chưa từng ghi nhận một trường hợp nhiễm tả lợn nào. Nếu tôi báo cáo (trường hợp của anh), tỉnh chúng ta sẽ có một ca”. 

Wang Shuxi, một nông dân ở quận Gushi của Hà Nam, mất hơn 400 con lợn vào tháng 3/2019. Wang nói lợn của ông có các triệu chứng bệnh nhưng chính quyền đã không kiểm tra, ông cũng không thể tự kiểm tra vì Bắc Kinh không cho phép bán bộ dụng cụ xét nghiệm vào thời điểm đó.

Số liệu chính thức mâu thuẫn với những cuộc phỏng vấn với người dân

Reuter cũng phát hiện điều bất thường khi tại những khu vực sản xuất thịt lợn lớn nhất hầu như không có báo cáo về dịch bệnh. Ví dụ, các tỉnh nuôi lợn lớn ở Hà Bắc, Sơn Đông và Hà Nam (nơi này cung cấp khoảng 20% trong số 700 triệu con lợn bị giết mổ năm 2017) mỗi tỉnh này chỉ báo cáo một trường hợp nhiễm bệnh. Cả chính quyền Sơn Đông và Hà Nam đều không đưa ra câu trả lời khi được Reuter yêu cầu bình luận.

Thống kê của chính phủ đầy rẫy mâu thuẫn. Bộ đã báo cáo 163 vụ dịch tả lợn châu Phi bùng phát kể từ tháng 8/2018 và cho biết đã tiêu hủy 1,19 triệu (chỉ khoảng 1% tổng đàn lợn của Trung Quốc). Nhưng dữ liệu độc lập của bộ theo dõi lợn hàng tháng lại cho thấy, đến tháng 9/2019, đàn lợn đã giảm 41% so với năm trước. 

Số liệu theo dõi nội bộ cho thấy số lợn giảm nhiều hơn so với báo cáo chính thức Bộ (ảnh chụp màn hình Reuters).

Theo kế hoạch dự phòng dịch tả lợn ở châu Phi soạn thảo năm 2015, Bắc Kinh ra lệnh tiêu hủy tất cả lợn trong các trang trại phát hiện ổ dịch và các trang trại xung quanh bán kính 3km. Năm 2018, chính phủ trung ương tăng mức bồi thường từ 800 Nhân Dân Tệ lên 1200 Nhân Dân Tệ với mỗi con lợn bị tiêu hủy. Tháng 4/2019, Bộ Nông nghiệp quốc gia cho biết chính phủ trung ương đã phân bổ 630 triệu Nhân Dân Tệ để tiêu hủy 1,01 triệu con lợn, ngăn chặn dịch bệnh.

Nhưng các nông dân nói họ không nhận đủ số tiền, hoặc tiền không được thanh toán thường xuyên. Trong số hơn 10 nông dân được Reuters phỏng vấn, không ai nhận đủ số tiền 1200 Nhân Dân Tệ như chính phủ đã hứa. Rất nhiều người còn không nhận được một xu.  

Nhiều nông dân, mong muốn cứu vãn giá trị từ những con lợn, đã mang lợn đi giết mổ ngay khi có những dấu hiệu bệnh đầu tiên, từ đó đẩy virus vào nguồn thức ăn của con người. Mặc dù virus này không lây sang con người nhưng nó có thể tồn tại trong thịt nhiều tuần, nhiều nông dân khác lại cho lợn ăn cám (trong đó có cả thịt lợn nhiễm bệnh) tạo ra một chu kỳ lây nhiễm cho những con lợn khác. 

Một số nông dân nói với Reuters, căn bệnh hoành hành suốt mùa xuân và đầu mùa hè năm 2019 tại tỉnh Quảng Tây, quận Bobai bị ảnh hưởng nặng nề. 

Một nông dân Bobai tên là Huang cho biết cô đã mất gần 500 con lợn trong tháng Tư và Năm. Cô nói đã cố gắng báo cáo lợn nhà mình bị bệnh cho chính quyền địa phương nhưng bị phớt lờ. Vị quan chức đã nói với Huang những con lợn của cô không thể cứu chữa, nhưng chúng không bị mắc tả châu Phi. Lời khuyên của anh ta là hãy bán nhanh những con lợn khi có thể bán được. 

Cô đã bán 30 con lợn, lúc đó trông chúng vẫn khỏe mạnh. Còn một số lợn khác được chôn trên mảnh đất gia đình. Cô nói những người nông dân khác chỉ đơn giản vứt lợn chết bên lề đường hoặc trên núi, chính phủ không trợ giúp họ điều gì.  

Cuối cùng, thống kê chính thức cho thấy cuối tháng 5, quận Bobai đã báo cáo một con lợn chết vì căn bệnh này. Các nhà chức trách ở Quảng Tây và các quan chức trong văn phòng nông nghiệp của hạt Bobai đã từ chối trả lời yêu cầu bình luận. 

“Trò chơi” về con số

Ở một số khu vực, bệnh dịch đã trở lại lần thứ hai, Hà Nam là một trong số đó, theo chia sẻ của các nông dân. Theo ghi chú nội bộ của các nhà phân tích tại Guotai Junan Securities, năm ngoái, khoảng 60% đàn gia súc của Hà Nam đã bị xóa sổ, chủ yếu ở các khu vực nông nghiệp đông đúc ở phía nam và tây.

Nhưng theo văn phòng nông nghiệp tỉnh trích dẫn lời của Phó thống đốc tỉnh Hà Nam, vào tháng 12/2019, Hà Nam đã hết dịch 14 tháng, trường hợp duy nhất được báo cáo là vào tháng 8/2018. 

Zhao là một nông dân ở tỉnh Hà Nam. Trong tháng 10, virus tả lợn tấn công khiến đàn lợn nhà ông sốt cao, chảy máu trong, nôn mửa, tiêu chảy. Trong số đàn lợn 196 con chỉ có 2 con sống sót. 

Ông Zhao kể, khi báo cáo tình hình dịch bệnh cho quan chức địa phương, ông nhận được lời khuyên của cán bộ: “Nếu phát hiện tả lợn, những người xung quanh sẽ không được nuôi lợn nữa” (Theo chính sách, nếu phát hiện dịch, sẽ phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trong vòng bán kính 3km, điều này sẽ gây ra thảm họa cho hàng xóm nhà ông). Vì vậy để bảo vệ hàng xóm, ông đành giữ phải im lặng. Tháng 1, các cán bộ địa phương đến trang trại của ông và ghi nhận ông vẫn còn 180 con lợn. Trên thực tế, ông chỉ còn 2 con sống sót sau đợt dịch tháng 10, Zhao cho biết. 

“Trò chơi” thông tin không minh bạch tiếp tục. “Đất nước đang bị giam cầm trong bóng tối”, Zhao nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới