Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐông Âu không “hoảng loạn” vì Covid-19

Đông Âu không “hoảng loạn” vì Covid-19

Trong thời điểm này, đa số người dân các quốc gia Đông Âu vẫn đi lại, sinh hoạt khá bình thường. Đa số họ vẫn “bình tĩnh và tiếp tục sống”.

Những ngày qua, châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 với những diễn biến rất nhanh và phức tạp. Hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ đã được lãnh đạo Liên minh châu (EU) và cả chính quyền các nước thực hiện, nổi bật là lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ tại Italia hay việc giới chức EU lập quỹ 25 tỷ euro để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước dịch bệnh Covid-19.

Ở ngay tại điểm nóng của dịch bệnh, Đông Âu – một nền kinh tế chỉ được đánh giá thấp kém hơn rất nhiều so với phía bên kia của châu Âu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của dịch Covid-19 với một tâm lý sẵn sàng, không hoảng loạn.

Đông Âu trong cơn bão “Covid-19”

Khu vực Đông Âu, nơi được cho là có tiềm lực kinh tế yếu hơn nửa bên kia châu Âu cũng đang căng mình ứng phó với dịch Covid-19. Ngay từ thời điểm Italia phát hiện các ca nhiễm đầu tiên thì các nước trong khối Đông Âu đã lên các kịch bản ứng phó nếu dịch Covid-19 tràn sang.

Từ giữa tháng 2, Romania là quốc gia đầu tiên trong khối công bố trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 và nước này đã kích hoạt hệ thống ứng phó với các tình huống khẩn cấp với dịch Covid-19 đồng thời phối hợp với các quốc gia thành viên trong khối để có giải pháp hỗ trợ lẫn nhau. Tiếp đó, một loạt các hành động mạnh mẽ hơn của các quốc gia láng giềng Romania nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Dịch Covid-19 hiện đã lan rộng trên khắp châu Âu với tâm điểm là Italia, Đông Âu cũng không phải ngoại lệ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, điều này đã được giới chuyên gia cảnh báo trước đó. Với việc chủ động lên phương án phòng chống từ trước khi có dịch nên tới nay số người lây nhiễm virus Sars-Cov-2 trong khu vực này không tăng đáng kể.

Ví dụ như Cộng hòa Séc trong ngày 11/3 tăng 30 ca, trong tổng số 91ca nhiễm; Romania đến nay xác nhận có 35 trường hợp dương tính; Ba lan là 25 trường hợp và mới đây Bulgaria xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ( trong 7 trường hợp xác định dương tính với virus) …

Các biện pháp phòng chống được Chính phủ các nước Đông Âu đưa ra khá mạnh mẽ từ việc tăng cường các biện pháp kiểm soát y tế tại các khu vực biên giới, các nhà ga, sân bay; cấm các chuyến bay đến và đi từ các vùng tâm dịch, thậm chí nếu thấy những biến động bất thường thì đều ra quyết định tạm đóng cửa các trường học để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

dong au khong "hoang loan" vi covid-19 hinh 2
Một số trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19.

Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân khu vực Đông Âu cũng đang có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Số ít có tâm lý hoang mang lo lắng, họ tích trữ lương thực trong nhiều tuần và hạn chế ra khỏi nhà trừ trường hợp bắt buộc; nhưng phần đông thì vẫn giữ được sự bình tĩnh cần thiết để ứng phó với dịch bệnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, tại các khu vực giao thông công cộng tại nhiều nơi như nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt… lưu lượng người tham gia giao thông tuy có ít hơn so với thời điểm trước khi bùng phát dịch nhưng vào các khung giờ cao điểm thì vẫn khá đông người đi lại dù diễn biến dịch đang rất phức tạp. Đó có lẽ không phải là tâm lý chủ quan mà là sự bình tĩnh của một “Đông Âu” trong cơn đại dịch.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, các quốc gia Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung đều xác định mỗi người dân là một mắt xích quan trọng trong việc xử lý dịch bệnh. Chính phủ khuyến khích ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng chống dịch như việc tự cách ly, chủ động thông báo tới hệ thống y tế cơ sở để có biện pháp phòng chống kịp thời.

dong au khong "hoang loan" vi covid-19 hinh 3
Việc mua sắm tại các siêu thị vẫn diễn ra bình thường.

Những hệ lụy của “sự hoảng loạn”

Các nhà lãnh đạo khối này cho rằng “sự hoảng loạn” không giảm đi số ca nhiễm mà còn có thể kéo theo những hệ lụy khác. Trước hết là sự quá tải ở các bệnh viện. Hiện nay nhiều quốc gia Đông Âu vẫn đang phải gồng mình ứng phó với dịch cúm mùa. Mà theo nhiều người cho rằng số người tử vong hàng năm do dịch cúm gây ra cao gấp nhiều lần so với dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp thì tình trạng quá tải trong các bệnh viện là thách thức đặt ra cho ngành y tế ở các quốc gia này. Tiếp đó, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, các chuyên gia cho rằng: Nền kinh tế khu vực Đông Âu – vốn đã được coi là nền kinh tế thua kém hơn so với nửa còn lại của châu Âu, có khả năng rơi vào suy thoái bởi các hoạt động kinh tế cầm chừng, thậm chí những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công.

Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ tăng cao cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế mỗi quốc gia. Một vấn đề nữa cần đặt ra là tâm lý hoảng loạn trước đại dịch cũng khiến người dân không đủ “tỉnh táo” để xử lý các nguồn thông tin. Khi con người bị “loạn” trong ma trận thông tin, nhất là nguồn tin không chính xác thì chắc chắn những nguy cơ tiềm ẩn khác sẽ xuất hiện.

Do vậy, việc cập nhật đầy đủ các thông tin dịch bệnh cho người dân được lãnh đạo các quốc gia khu vực Đông Âu xác định là yếu tố then chốt, làm giảm khả năng lây nhiễm cũng như tạo sự ổn định tâm lý người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh và  tránh sự hoảng loạn.

Nhiều quốc gia như Séc, Hungary, Romania… đã công bố các đường dây nóng cho người dân để hỗ trợ, tư vấn và xử lý các tình huống khẩn cấp. Các cơ quan truyền thông báo chí đã bắt đầu đưa thông tin thận trọng hơn, tránh đưa những bài viết có tính chất quá tiêu cực, câu view sẽ làm ảnh hưởng tâm lý chung của xã hội.

Trong thời điểm này, đa số người dân các quốc gia Đông Âu vẫn đi lại, sinh hoạt khá bình thường, gần như không ai đeo khẩu trang và đa số họ vẫn sống theo khẩu hiệu “Keep calm and carry on” nghĩa là “Bình tĩnh và tiếp tục sống”

RELATED ARTICLES

Tin mới