Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNgang nhiên đưa tàu Nam Hải Cứu 115 ra đá Chữ Thập:...

Ngang nhiên đưa tàu Nam Hải Cứu 115 ra đá Chữ Thập: Trung Quốc khiêu khích luật pháp quốc tế

Từ 10/1 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên điều tàu Nam Hải Cứu 115 trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Trung Quốc tới neo đậu và hoạt động trái phép trong khu vực đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động công khai, ngang nhiên của Trung Quốc cho thấy nước này đang cố tình chà đạp lên luật pháp quốc tế khi đưa tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Theo Văn Phòng Tình Báo Hải Quân Mỹ, tàu Nam Hải Cứu  115 trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Trung Quốc, hoạt động với trách nhiệm cứu hộ và trục vớt trên biển. Tàu cứu hộ nầy xuất phát từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 10/1 và đến Đá Chữ Thập vào ngày 18/2. Từ đó đến nay, theo phần mềm theo dõi tàu bè thì tàu cứu hộ nầy đã tuần tra quanh Đá Chữ Thập. Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao Trung Quốc đưa tàu Nam Hải Cứu 115 đến Đá Chữ Thập.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc (30/7/2018) cũng đã đưa tàu Nam Hải cứu 115 ra thường trực phi pháp ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Theo phía Trung Quốc, tàu “Nam Hải cứu 115” có bãi đỗ trực thăng, có khả năng chống đỡ sóng biển cao tới 6m. Tân Hoa Xã xác định đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa kể từ khi bắt đầu các hoạt động nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực kể từ năm 2013. Phía Trung Quốc tuyên truyền cho rằng nhiệm vụ của tàu cứu hộ này là “nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định của Trung Quốc cho tàu cứu hộ đồn trú tại Trường Sa nằm trong những động thái được cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt, củng cố quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Không những vậy, Bắc Kinh muốn thông qua hành động trên để tuyên truyền, quảng bá “nỗ lực” của Trung Quốc trong việc thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng muốn thông qua việc triển khai tàu cứu hộ để tìm cách xóa bỏ “vết đen” quân sự hóa Biển Đông đối với các nước trên thế giới. 

Được biết, Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khoảng 400 công trình được dựng lên tại Subi kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép vào năm 2014. Trong khi đó, Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi “chủ quyền” ở Biển Đông của nước này. Đây là bãi đá mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất trong thời gian qua. Theo đó, từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Ngoài ra, trên đá Chữ Thập hiện đã có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc (30/1/2019) ngang nhiên ra thông cáo cho biết đã hoàn thành việc xây dựng một trung tâm cứu hộ trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành vi trên của Trung Quốc là nhằm tăng cường “năng lực quản lý, kiểm soát và tác chiến ở Biển Đông”; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình.

Hành vi trên của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. 

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (10/8/2018) từng tuyên bố  “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới