Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự với Mỹ, Philippines “để...

Hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự với Mỹ, Philippines “để trống” Biển Đông cho TQ

Sau nhiều lần đánh tiếng “đe dọa” Mỹ, cuối cùng ngày 11/02/2020, Chính quyền Tổng thống Duterte ở Philippines đã chính thức thông báo quyết định hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) với người bạn đồng minh đã từng gắn bó hơn 50 năm.

Sự kiện “vô tiền khoáng hậu” gây chấn động quan hệ Mỹ – Phi trên không những khiến các nước đồng minh cùng chí hướng của cả hai nước cảm thấy bất an, mà còn làm cho giới chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế lo ngại: Việc khước từ sự hiện diện quân sự của Quân đội Mỹ tại quốc đảo nằm giữa Biển Đông đã không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh Phi -Mỹ, mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng hoạt động “quân sự hóa” ở Biển Đông.

Trước khi bàn về mối lo ngại trên, xin hãy điểm lại những “thăng, trầm” của quan hệ Mỹ – Phi trong hơn nửa thế kỷ qua.

Sự kiện khởi đầu đánh dấu quan hệ Mỹ – Phi trở nên tốt đẹp, đưa hai nước trở thành đồng minh của nhau là năm 1951, hai bên ký “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines” (MDT). Nhờ vào hiệp ước đó, chính quyền theo đường lối Tư bản chủ nghĩa ở Manilađã “kê cao gối” ngủ ngon trong suốt những năm “làn sóng đỏ” lan rộng khắp châu Á. Trong cái thời được gọi là “Chiến tranh Lạnh” ấy, hàng chục căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã trở thành “đất thánh” để Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và bán đảo Đông Dương và nhờ vào đó, Philippines được “ăn theo” cả về kinh tế lẫn an ninh. Thế rồi, đến đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Chiến tranh Lạnh kết thúc, người Phi ngừng cho Mỹ thuê các căn cứ quân sự trên đất nước mình, khiến Mỹ buộc phải rút quân khỏi các căn cứ quân sự tại đây từ năm 1992. Quan hệ đồng minh giữa họ vì thế trở nên “lạnh nhạt”. Những tưởng hai bên “đường ai, nấy đi”. Ai dè đến năm 1995, gã “khổng lồ” châu Á bỗng đâu xuất hiện, lăm le “nuốt gọn” cả vùng biển trù phú bao đời nay người Phi lặn lội mưu sinh. Hành động “chiếm đoạt” đá Vành Khăn ở Biển Đông của Trung Quốc đã đẩy Manila rơi vào nguy cơ mất chủ quyền, ngoảnh đi, ngoảnh lại chỉ có Washingtoncông khai ủng hộ, quan hệ Phi – Mỹ vì thế lại “ấm” lên. Năm 1998, hai nước ký VFA nhằm tăng cường sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại Philippines bằng phương thức linh hoạt hơn và chính Thỏa thuận này giúp người Phi vững tâm trở lại.

Sự kiện khủng bố kinh hoàng trên đất Mỹ tháng 9/2001 đã mở đường cho quan hệ đồng minh giữa hai nước “nồng hậu” hơn, bởi chính Philippines cũng đang phải đương đầu với nạn khủng bố từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nước này toàn tâm toàn ý ủng hộ Mỹ dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, kể cả việc tiến công Iraq. Nhờ đó, từ năm 2002, trên danh nghĩa chống khủng bố, Mỹ đã đưa hàng trăm binh sĩ đến Mindanao, miền Nam Philippines giúp nước này bình ổn vùng “đất dữ” bởi phiến quân Hồi giáo người Maute. Tháng 10/2003, Chính quyền G.Bush đưa Philippines vào danh sách “đồng minh ngoài NATO”, dành cho nước này nguồn viện trợ an ninh, quân sự lớn hơn. Đáp lại, quốc đảo Thái Bình Dương dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Aquino III cũng làm nhiều cách đưa quan hệ đồng minh với Mỹ trở nên tốt đẹp nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đỉnh điểm là vào tháng 4/2012, không lâu sau khi Trung Quốc cho tàu rượt đuổi ngư dân và tàu công vụ Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Phi đã lần đầu tiên tổ chức “Đối thoại 2+2” để bàn thảo về những vấn đề an ninh “cốt lõi” của hai nước liên quan đến những sức ép từ Bắc Kinh. Ngày 28/04/2014, hai bên ký “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” (EDCA) với thời hạn 10 năm. Theo đó, Quân đội Mỹ có thể sử dụng các căn cứ của Philippines để bố trí lại lực lượng và trang thiết bị quân sự, thực hiện luân chuyển quân với quy mô lớn hơn và dài hạn hơn, đồng thời được lưu trữ thiết bị, vật tư cho các hoạt động cứu nạn và viện trợ nhân đạo, tăng cường khả năng đối phó với thảm họa khu vực… EDCA đã được giới quan sát xem như là lời tuyên bố: “Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh Đông Nam Á” và dựa vào nó, người Mỹ đã có thể hiện diện thường trực nhiều hơn tại Philippines.

Đến năm 2016, quan hệ Mỹ – Phi lại lâm vào thử thách khi Manila có sự thay đổi người đứng đầu, ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống, còn phía bên kia, Washington có hai người nối nhau là B.Obama và D. Trump làm Tổng thống. Quan hệ Mỹ – Phi trải qua hai giai đoạn:

Giai đoạn từ tháng 6/2016 đến tháng 01/2017. Khi đó, ông Duterte thẳng tay trấn áp vấn nạn ma túy đang tàn phá đất nước, tiêu diệt hàng nghìn kẻ buôn bán ma túy, bất kể chúng từ đâu tới. Chính quyền B.Obama nhiều lần lấy cớ bảo vệ nhân quyền, can thiệp vào nội trị của Philippines. Hai bên công khai chỉ trích, đả kích lẫn nhau khiến cho quan hệ Mỹ – Phi từ “nóng” chuyển sang “lạnh”. Trong thời gian đó, người Mỹ liên tục công kích chiến dịch chống ma túy của Duterte, gọi đó là “sự sát hại nằm ngoài quyền tư pháp”, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và yêu cầu ông ngừng chống ma túy bằng bạo lực. Đáp trả, ông Duterte cho rằng, với tư cách là một đồng minh, Mỹ không những không ủng hộ Philippines trong cuộc chiến chống ma túy, mà ngược lại còn kịch liệt chỉ trích vấn đề này. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (09/2016) và ở một số dịp khác, ông Duterte đã thẳng thừng lên án cả B.Obama lẫn Đại sứ Mỹ tại Philippines, thậm chí đe sẽ chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ. Vì thế mà cuộc gặp song phương giữa ông với B.Obama bên lề hội nghị phải hủy bỏ.

Hợp tác quân sự giữa hai nước cũng theo đó thụt lùi. Phía Philippines đã đình chỉ 2 trong 3 cuộc diễn tập chung lớn giữa hai nước, đình chỉ cuộc tập trận đổ bộ Phiblex và hợp tác huấn luyện và chuẩn bị tác chiến trên biển, chỉ giữ lại cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai). Hơn thế, Philippines còn ngừng các cuộc diễn tập chung với Mỹ ở Biển Đông, giảm quy mô một số cuộc diễn tập, đồng thời có những bước đi xoa dịu Trung Quốc. Về phía Mỹ, Chính quyền B.Obama tạm ngừng bán vũ khí cho Philippines, hủy kế hoạch bán 23.000 khẩu súng trường cho Manila trong khi cảnh sát Philippines rất cần loại súng này để chống buôn bán ma túy và khủng bố. Quan hệ Mỹ – Phi rơi vào “sóng gió”.

Giai đoạn từ tháng 02/2017 đến tháng 12/2019. Sau khi D.Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ – Phi có xu hướng cải thiện. Khác với cách làm của Chính quyền B.Obama, Tổng thống D.Trump và chính phủ của ông đã tích cực tương tác qua lại, đáp ứng một số đòi hỏi của Philippines. Tháng 5/2017, D.Trump tuyên bố, Mỹ cũng đang phải đối mặt với vấn đề ma túy và Duterte “đã làm rất tốt vấn đề này”, đồng thời mời ông đến thăm Mỹ. Tháng 11/2017, D.Trump thăm Philippines, dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và gặp Duterte, không đả động gì về nhân quyền. Thậm chí cuối năm 2018, Mỹ đã trả lại Manila ba quả chuông nhà thờ được coi là “di sản quốc gia” bị Quân đội Mỹ lấy đi từ đầu thế kỷ 20. Hành động được xem như là xoa dịu “nỗi đau dân tộc” của Philippines.

Nhờ đó, giao lưu và hợp tác an ninh Mỹ – Phi dần được cải thiện. Năm 2017 – 2018, Mỹ đã hỗ trợ Philippines máy bay trinh sát, máy bay không người lái, thuyền cao su, súng và đạn dược trị giá tới 70 triệu USD. Năm 2019, Philippines nhận 4 máy bay trinh sát OV-10B của Mỹ. Tháng 6/2018, Manila thôi làm “quan sát viên”, lần đầu tiên đưa tàu chiến, máy bay quân sự và hơn 700 binh lính tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” do Mỹ dẫn dắt. Tháng 10/2018, hai bên đạt được thỏa thuận, bắt đầu từ năm 2019, diễn tập quân sự chung thường niên giữa hai nước sẽ tăng lên. Ngày 13/03/2019, tàu chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ USS Blue Ridge (LCC-19) đến thăm Manila và cùng thời gian này, công trình quân sự đầu tiên của Mỹ xây dựng tại Philippines đã được hoàn thành tại căn cứ không quân Pampanga. Một loạt động thái trên cho thấy quan hệ hai nước đang ấm dần lên.

Vậy mà, Philippines quyết định hủy bỏ VFA với Mỹ. Việc này chẳng khác gì dội “gáo nước lạnh” vào quan hệ đang ấm lên giữa hai nước. Có rất nhiều nguyên nhân trong quyết định này, trong đó có một thực tế là, đi đôi với kết quả trên, hai bên vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Giới quan sát cho rằng:

Trước hết, dường như ông Duterte vẫn còn “mối hận” trong lòng vì trước đây ông từng bị từ chối cấp thị thực khi có kế hoạch đến thăm một người bạn gái học ở Mỹ và từng bị B.Obama chỉ trích. Sau khi ông D.Trump lên nắm quyền, tần suất các cuộc đối thoại chiến lược song phương hàng năm giữa hai bên diễn ra thất thường; “Đối thoại 2+2” giữa hai nước đã diễn ra cuối tháng 4/2012, lần tiếp theo lẽ ra tổ chức vào tháng 01/2016, nhưng đến nay đã hơn 3 năm trôi qua mà vẫn chưa diễn ra và cũng chưa biết khi nào lại được tổ chức.

Thứ hai, viện trợ quân sự của Mỹ cho Philippines ít hơn. Năm 2018 chỉ có 7,25 triệu USD, bằng 1/7 của năm tài khóa trước và ít hơn 2,15 triệu USD so với Indonesia, nước không phải đồng minh của Mỹ. Năm 2019, viện trợ đã tăng lên 37,25 triệu USD, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với năm 2016 và 2017. Mặc dù điều này có liên quan đến bối cảnh chung là Mỹ giảm viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á, nhưng cũng có thể liên quan đến các mâu thuẫn mới xuất hiện trong quan hệ Mỹ – Phi.

Thứ ba, trong 2 năm qua, Manila đã giảm đáng kể số lượng vũ khí mua từ Mỹ, trong khi lại tìm cách mua vũ khí và tăng cường hợp tác giao lưu quân sự với Nga và Trung Quốc. Tháng 8/2018, ông Duterte công khai từ chối mua máy bay chiến đấu F-16, trực thăng quân sự theo đề xuất từ phía Mỹ vì cho rằng, Philippines sẽ không tuyên chiến với các nước bên ngoài, nên không có nhu cầu về chủng loại vũ khí này. Hành động trên cho thấy: Manila vẫn “bất an” về việc Mỹ không bán súng trường để họ chống khủng bố; Philippines đang cố gắng đa dạng hóa nguồn vũ khí để thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào Mỹ và sâu xa hơn, ông Duterte không muốn vì việc mua vũ khí tấn công cao cấp của Mỹ mà kích động Bắc Kinh.

Thứ tư, mặc dù vẫn duy trì với Mỹ cuộc diễn tập Balikatan, song Chính quyền Duterte không sẵn sàng phối hợp với Quân đội Mỹ tiến hành các cuộc diễn tập chung tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông để tránh bị Trung Quốc “phản đòn”.

Thứ năm, dư luận Philippines đang quan tâm việc xem xét lại MDT. Người Phi cho rằng, hiệp ước này tồn tại 3 vấn đề lớn: 1/ Khi Philippines xảy ra xung đột với nước khác, MDT không đảm bảo chắc chắn Washingtonsẽ ngay lập tức can thiệp vào cuộc xung đột và hỗ trợ Manila. 2/ MDT không nói rõ phạm vi phòng thủ chung có bao gồm các đảo, đá đang tranh chấp ở Biển Đông gần Philippines hay không. Nhất là trong bối cảnh sức ép từ Trung Quốc đối với nước này gia tăng và người Phi cũng đòi Chính phủ phải “cứng rắn với Trung Quốc”. 3/ Mỹ và Trung Quốc thường xuyên xảy ra xung đột ở Biển Đông, nên Manila lo lắng do phải thực hiện các nghĩa vụ của MDT, nước này có thể sẽ bị cuốn vào xung đột Mỹ – Trung tại Biển Đông.

Việc Philippines muốn xem xét lại MDT là động thái ngoại giao “cân bằng” của nước này nhằm tối đa hóa lợi ích với Mỹ, cũng như đối với Trung Quốc. Nghĩa là, một mặt, họ thúc giục Washington xác định rõ phạm vi phòng vệ của MDT phải bao gồm cả Biển Đông để bớt đi nỗi lo từng gặp hồi năm 2012 trước Bắc Kinh, ổn định và củng cố đồng minh Phi – Mỹ; mặt khác, họ cũng không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông giữa Mỹ – Trung.

Trở lại với VFA. Thỏa thuận được ký vào năm 1998 đã tạo cơ sở pháp lý cho tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, được tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo…tại đây. Trên thực tế, có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ. Do tính chất như vậy nên việc hủy bỏ VFA sẽ có nhiều tác động đối với Philipines:

Một là, VFA bị hủy bỏ, Manila là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ đối với Philippines. Đó là chưa kể quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên “lạnh nhạt”. Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm MDT, EDCA, cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với Quân đội Philippines.

Hai là, bỏ VFA sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông – vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Thậm chí, việc hủy VFA có nguy cơ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ – Phi trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là mối liên minh không có sự hiện diện quân sự của Mỹ. Điều này khiến người ta nhớ lại, khi đó Bắc Kinh đã bắt đầu nhòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan của Philippines. Các chuyên gia quân sự và hàng hải Philippines nhận định, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhất khi quan hệ Mỹ – Phi đổ vỡ. Còn giới quan sát thì cho rằng, VFA đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc gia tăng xây dựng các công trình quân sự tại các bãi cạn ở vùng biển phía Tây Philippines từ năm 2016. Nay không có VFA, Bắc Kinh sẽ có cơ hội trở lại với những toan tính của họ từ lâu đối với các bãi cạn của Philippines. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Philippines, ông Locsin cảnh báo rằng, việc bãi bỏ VFA với Washington sẽ làm suy yếu an ninh của Philippines và thúc đẩy Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông do thiếu đi sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại tuyến đường biển chiến lược này.

Đối với khu vực, việc Philipines hủy bỏ VFA với Mỹ được xem là đòn giáng mạnh vào quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhất là vào lúc mà Mỹ đang tập trung cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực với các cường quốc như Trung Quốc, Nga. Quan hệ đồng minh Phi – Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong khu vực giữa lúc Mỹ đang thực thi các chiến lược kiềm chế sự “trỗi dậy” và bành trướng của Trung Quốc. Tất nhiên, quan hệ Mỹ – Phi không thể được ưu tiên hơn so với quan hệ Mỹ – Nhật hay Mỹ – Hàn. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Mỹ tại đây trở nên khập khiễng, thiếu tin cậy và điều đó mở ra “khoảng trống” rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh đối với khu vực, nhất là tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới