Cơn giận của TQ, trong những năm gần đây như lên tới đỉnh điểm khi Mỹ thường xuyên cho tàu chiến, máy bay tuần tra khu vực tranh chấp và ngạo nghễ thách thức TQ rằng: “tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật quốc tế cho phép”.
Mỹ quyết giành ưu thế trên biển Đông trước TQ
“Gây sự” không phải trong cuộc chiến thương mại, mà trên biển Đông.
Vụ việc diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang bấn lên vì Covid-19. TQ, dù thoát khỏi đỉnh dịch, đang khống chế một cách hiệu quả, vẫn ngổn ngang bao nhiêu vấn đề cần giải quyết.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, cường quốc mới nổi này vẫn không hề tạm lãng quên vấn đề biển Đông.
Tuần trước, Mỹ có thông báo cáo buộc một tàu chiến TQ đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ trong khi máy bay này đang thực hiện một nhiệm vụ thường lệ ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông, cách đảo Guam 610 km về phía Tây, trong vùng biển thuộc PLP.
Không những gây chói mắt, tia laser như vậy, nếu chiếu cường độ mạnh, có thể tạm thời làm cho các phi công bị mù và hậu quả là khôn lường.
Vì lẽ đó, Mỹ coi đây là hành động nghiêm trọng. Hải quân Mỹ thậm chí đã trực tiếp chuyển thông điệp tới phía TQ, cảnh báo rằng, TQ không nên “chơi trò chơi laser” (mà TQ từng làm), vì
hành động này vi phạm Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES – một thỏa thuận đa phương thông qua tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014 nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố giữa các cường quốc quân sự trên biển).
Đáp lại, Bắc Kinh giữ thái độ im lặng, không rằng có, cũng không rằng không, khác hẳn trước kia, trong các trường hợp tương tự, TQ phản ứng tức thì, gây nên những cuộc đấu khẩu ầm ĩ giữa hai bên.
Câu hỏi đặt ra là: nếu cáo buộc của Washington đúng, với vụ việc trên, TQ muốn gì ?
Nói đến biển Đông, ai chẳng biết, khu vực này đang là điển hình cho tham vọng của TQ. Biển Đông bao la, được đánh giá là có trữ lượng rất lớn dầu khí, băng cháy – nguồn năng lượng của tương lai – và các nguồn lợi biển khổng lồ khác.
Biển Đông, đó cũng chính là tuyến thương mại hàng hải quan trọng với lượng hàng hóa qua lại trị giá khoảng 4.000 tỷ USD/năm.
Thế nên, với “tầm nhìn xa” nhưng tối mắt bởi lợi ích hẹp hòi, TQ đưa ra yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” nuốt tới 85% biển Đông, bỏ ngoài tai việc bị cộng đồng quốc tế gọi một cách mỉa mai, nhưng đúng bản chất rằng, “đường 9 đoạn” đó chính là “đường lưỡi bò” tham lam vô độ.
Yêu sách này vấp phải phản ứng 5 nước, 6 bên trong khu vực, trong đó, quyết liệt nhất là Việt Nam, Philippines, Maylaysia, Indonesia.
Cậy thế đô vật, TQ đe dọa, gây hấn, quấy nhiễu hoạt động dầu khí với các quốc gia trên; cải tạo, bồi đắp, biến các đảo chiếm hữu bất hợp pháp thành các cứ điểm quân sự…
Dù quyết liệt, nhưng trong thế yếu, về cơ bản, các nước trên đành chọn giải pháp hòa bình trong cuộc đấu với TQ, cho tới nay, vẫn cố tránh những cuộc đối đầu súng đạn.
TQ cay cú nhất thời điểm này là Mỹ. Họ cho rằng: Mỹ bên kia bán cầu, chẳng có lý do gì nhảy bổ vào câu chuyện biển Đông; rằng, biết điều thì Mỹ nên “tránh ra” một bên để họ đấu tay đôi với các các nước ASEAN, nếu không một “sự cố khó lường” có thể xảy ra.
Cơn giận của TQ những năm gần đây như lên tới đỉnh khi Mỹ thường xuyên cho tàu chiến, máy bay tuần tra khu vực tranh chấp và ngạo nghễ thách thức TQ rằng: các hoạt động đó là một phần của các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông của Mỹ; rằng: “các tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật quốc tế cho phép”.
Nói là làm, năm 2019, Mỹ đã tiến hành kỷ lục 9 hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng từ 5 lần năm 2018 và 6 lần năm 2017. Tháng 1/2020, tàu chiến ven biển USS Montgomery đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ trong năm 2020, tiến sâu một vài dặm vào bên trong Đá Chữ Thập (Fiery Cross) mà TQ tuyên bố chủ quyền.
Đương nhiên, gần đây, TQ cũng hẳn khó chịu khi VN cho phép đoàn tàu Hải quân Mỹ gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục thăm thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng 3 vừa qua.
Vậy nên, côn đồ gặp Mỹ – đối thủ tới thời điểm này vẫn “to con” hơn – nên mánh “tùy thời”: lúc khoe tên lửa đạn đạo, lúc “chơi trò chơi laser” lại được TQ sử dụng.