Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaGạc Ma - Một phần thiêng liêng của Việt Nam đang bị...

Gạc Ma – Một phần thiêng liêng của Việt Nam đang bị TQ chiếm đóng trái phép

Ngày 14/3/1988, binh lính Trung Quốc đổ bộ trái phép lên đá Gạc Ma, sử dụng súng, pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn sát hại 64 cán bộ chiến sỹ Việt Nam. Từ đó đến nay, Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma cùng nhiều đảo, đá khác của Việt Nam. Hành vi trên của Trung Quốc đã đi ngược lại các quy định, nhận thức chung của luật pháp quốc tế.

Gạc Ma là một phần lãnh thổ của Việt Nam

Đá Gạc Ma (tiếng Anh: Johnson Reef) có tọa độ 9°42′B 114°17′, là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đá Cô Lin hơn 3 km về phía Đông Nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn. Đá Gạc Ma có đặc điểm là một rạn đá ngầm màu nâu được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Đa phần đá này ngập chìm dưới nước, chỉ có vài hòn đá nổi lên. Dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có thể thấy địa hình, đáy biển vùng quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. 

Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng.

Sự công nhận của cộng đồng quốc tế

Tuyên bố Cairođã khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc bao gồm: Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ, không có gì liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như đá Gạc Ma, bởi vì chủ quyền đó đã thuộc về Việt Nam từ lâu. Tuyên bố Cairo cũng đã không đề cập đến chủ quyền của quốc gia nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì, hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ XVII đã có những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, những người đứng đầu của hội nghị đã không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ của Hoàng Sa và Trường Sa là lẽ đương nhiên.

Tựu trung lại, nội dung của Tuyên bố Cairo năm 1943, được xem là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để hợp thành hệ thống cơ sở pháp lý quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời là một trong những căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng để Nhà nước Việt Nam vận dụng, nhằm bác bỏ những luận thuyết sai trái về hiện thực khách quan. Đồng thời phản đối sự khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.

Hội nghị Postdamkhẳng định phía Trung Quốc do phái đoàn Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng) có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tọa lạc tại vĩ tuyến 16: nhóm Lưỡi Liềm phía Tây Nam tại vĩ độ 16030N và nhóm An Vĩnh phía Đông Bắc tại vĩ độ 16050N. Trong khi đó, quân đội Hoàng gia Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, kể cả quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến từ 120 đến 70 N, tính từ Cam Ranh xuống tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong nội dung của tuyên bố Postdam, đó là lực lượng của các nước Cộng hòa Trung Hoa và Anh thay mặt Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, chứ không phải tiếp thu hay chiếm hữu lãnh thổ của quốc gia đến làm nhiệm vụ. Xét tính chất đóng vai trò quan trọng là nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong bản tuyên bố là giải giáp quân Nhật, đồng thời thực tế này cho thấy, các nước Đồng minh đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam là lẽ đương nhiên.

Tại Hội nghị hòa bình San Francisco, phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham gia Hội nghị đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc. Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản. Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam tại Hội nghị San Francisco.

Hội nghị Genevecũng là một chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Hội nghị Geneve kết thúc ngày 21/7/1954 với 3 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Năm 1954, Pháp đã hoàn thành xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Pháp thay mặt Việt Nam thực hiện chủ quyền của Việt Nam, đưa lực lượng đóng quân tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi rút khỏi Việt Nam năm 1956 và trao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam, theo Hiệp định Geneve năm 1954, đối tượng được thừa hưởng, thừa kế toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa là Chính phủ quốc gia Việt Nam, sau này là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trung Quốc với tư cách là một quốc gia lớn tham gia Hội nghị với 214 người, trong đó đích thân Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.

Trung Quốc cũng là quốc gia cuối cùng ký tuyên bố Hội nghị. Điều này cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng Hội nghị Geneve và những điều khoản được ký kết năm ấy. Theo các tài liệu để lại, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được đề cập trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, cụ thể, nó được đề cập ở Điều 1 và Phụ lục của Điều 1 trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khi quyết định về giới tuyến quân sự tạm thời giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam tại sông Bến Hải, tức là vĩ tuyến 17 kéo dài ra Biển Đông. Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như vậy trong tuyên bố cuối cùng và Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Điều 1 và Điều 4 đã xác nhận vấn đề pháp lý chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Hiệp định Geneve năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới là chủ thể quản lý khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Trong thực tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cả trên lĩnh vực quân sự lẫn dân sự để thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cộng động quốc tế cũng đã công nhận điều này. Trung Quốc là một bên ký kết Hiệp định Geneve năm 1954, đương nhiên Trung Quốc phải có trách nhiệm tôn trọng Hiệp định họ đã ký kết và tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tôn trọng việc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam mà Hiệp định Geneve đã xác định.

Năm 1954, Trung Quốc là một bên tham gia Hội nghị Geneve và họ đã chấp nhận tất cả các điều khoản được ký kết tại Hội nghị. Khi đặt bút ký vào Tuyên bố chung của Hội nghị năm ấy, nghĩa là họ đã thừa nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam Cộng hòa với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một Hiệp định được cộng đồng quốc tế công nhận, được xây dựng bởi hệ thống luật pháp quốc tế và Trung Quốc không được quyền chối bỏ. Dưới những góc nhìn phân tích khác, các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc phủ nhận các kết quả của Hội nghị San Francisco năm 1951 và Hội nghị Geneve là sự phi lý, đi ngược lại quan điểm và chữ ký của chính họ tại Hội nghị năm ấy. Dư luận quốc tế đánh giá rất cao Hiệp định Geneve, như vậy họ thừa nhận những nội dung cơ bản của Hiệp định này, trong đó có vấn đề chủ quyền pháp lý của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy Trung Quốc đã thừa nhận gián tiếp chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc phủ nhận quyết định của Hội nghị San Francisco và Hội nghị Geneve là phi lý.

Trung Quốc xâm chiếm trái phép

Theo tư liệu lịch sử, hai tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo lớn.

Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.  Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta. Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu). 

Tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam và vận chuyển vật liệu dựng nhà C3. Trong lúc đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ trái phép lên đá Gạc Ma, sử dụng súng, pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn sát hại 64 cán bộ chiến sỹ Việt Nam. Đáng chú ý, trong cuộc thảm sát cán bộ binh sỹ Việt Nam trên Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Việt Nam đã không nổ súng trước, hầu hết là thủy binh tay không.

Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật quốc tế

Việc Trung Quốc dùng súng thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma năm 1988 là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Nhân đạo quốc tế, Công ước Genève về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh…

Đầu tiên, hành động thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam của Trung Quốc được coi là tội ác chiến tranh, nó là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật áp dụng trong xung đột vũ trang (còn gọi là Luật Nhân đạo quốc tế). Theo đó, các hành vi được coi là tội ác chiến tranh bao gồm “giết người, ngược đãi hoặc chuyển người dân dân sự của một lãnh thổ bị chiếm đóng vào các trại lao động nô lệ”, “các vụ giết người hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh”, giết các con tin, “phá hủy bừa bãi các thành phố, thị xã, làng, và tàn phá không có lý do cần thiết quân sự, hoặc dân sự”… Luật trên cũng quy định những người nằm ngoài và những người bị loại khỏi vòng chiến phải được tôn trọng về sinh mạng, được đảm bảo toàn vẹn về thân thể và tinh thần. Trong mọi trường hợp, các đối tượng trên phải được bảo hộ và đối xử nhân đạo không có bất kỳ sự phân biệt nào; nghiêm cấm việc giết hoặc làm bị thương đối phương khi họ đã quy hàng hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu; người bị thương hoặc bị ốm phải được thu gom lại và chăm sóc bởi bên đối phương đang cầm giữ họ. Các nhân viên y tế, các trạm và phương tiện vận chuyển và trang thiết bị y tế phải được tôn trọng và bảo vệ. Biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng là dấu hiệu bảo hộ những người và vật dụng nói trên nên phải được tôn trọng; tù binh và dân thường bị phía đối phương bắt giữ phải được tôn trọng về sinh mạng, phẩm giá, các quyền tự do và tư tưởng cá nhân, chính trị, tín ngưỡng và tập tục tôn giáo. Cấm sử dụng các hành động bạo lực hoặc trả đũa đối với họ. Họ được bảo đảm quyền liên lạc với gia đình và tiếp nhận sự cứu trợ… Tuy nhiên, Trung Quốc không hề để ý đến quy định của Luật Nhân đạo quốc tế, không cho phép tàu mang cờ chữ thập đỏ của Việt Nam vào cứu chữa những người bị thương trên đảo, đồng thời Trung Quốc cũng đàn áp, không cứu chữa những người bị thương khi bắt giữ họ.

Thứ hai, vào thời điểm năm 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của Liên hợp quốc”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của Liên hợp quốc và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế. Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế.Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”.

Thứ ba, đối với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, việc Trung Quốc dùng súng thảm sát cán bộ, binh lính Việt Nam ở đá Gạc Ma năm 1988 là vi phạm Điều 39 về các nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi quá cảnh. Theo đó, Việt Nam là nước có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Trường Sa nói chung và đá Gạc Ma nói riêng, nên tàu thuyền của Trung Quốc khi đi qua vùng biển này “không được đe dọa hay dùng vũ lực để chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia ven eo biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc pháp luật quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; Không được có hoạt động nào khác ngoài những hoạt động cần cho sự quá cảnh liên tục và nhanh chóng, theo phương thức đi bình thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trừ trường hợp nguy cấp” (Mục b, c, Khoản 1, Điều 39). Điều đáng nói ở đây, Trung Quốc không chỉ đe dọa sử dụng vũ lực mà còn dùng súng để thảm sát cán bộ, binh lính của Việt Nam đang ở trên đá Gạc Ma. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm Điều 301 về việc sử dụng biển vào những mục đích hòa bình. Điều 301 quy định: “Trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng Công ước, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia hay tránh cùng bất kỳ cách nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”.

Từ những chứng cứ trên cho thấy, Việt Nam là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử và được đông đảo cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc công nhận chủ quyền hợp pháp đối với đá Gạc Ma nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung. Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực xâm chiếm đá Gạc Ma, mà còn vi phạm nhiều quy định khách khi thảm sát cán bộ, bộ đội Việt Nam trên đá Gạc Ma.

RELATED ARTICLES

Tin mới