Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trên cơ sở tiếp tục khẳng định vai trò của khu vực đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. Một trong những điểm nhấn trong chiến lược này là việc Mỹ tăng cường các mối quan hệ đồng minh song phương truyền thống; kiềm chế sức mạnh quân sự của các cường quốc trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, thông qua các liên minh quân sự thân cận truyền thống này.
Nhấn mạnh quan hệ đồng minh, đối tác
Trong Chiến lược An ninh quốc gia (12/2017), Tổng thống D.Trump đề cao vai trò của hệ thống đồng minh ở khu vực. Chiến lược Quốc phòng năm 2018 cũng xác định, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các nước đồng minh và với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành một cấu trúc an ninh liên kết có khả năng ngăn chặn hành động xâm lược, duy trì ổn định và bảo đảm tự do tiếp cận các môi trường chung. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la (6/2018), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tóm tắt chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống D.Trump cũng với nội dung then chốt về việc mở rộng khả năng tương tác và thiết lập một mạng lưới các đồng minh làm việc cùng nhau để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quân đội.
Triển khai trên thực tế, Chính quyền của Tổng thống D.Trump điều chỉnh chính sách an ninh, quân sự theo hướng cứng rắn hơn với việc thay đổi về cấu trúc an ninh – quân sự do Mỹ đứng đầu và tính chất mối quan hệ đồng minh trong khu vực. Với mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên” xuyên suốt trong chính sách của Tổng thống D.Trump, Mỹ thiết lập “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”. Đây thực chất là việc tạo dựng một tập hợp lực lượng giữa những nước cùng có mối lo ngại về “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, về vấn đề hạt nhân chưa thể kiểm soát được của Triều Tiên, vẫn cần sự can dự của Mỹ.
Mỹ thực hiện 4 điều chỉnh quan trọng đối đồng minh khu vực
(1)Yêu cầu các nước đồng minh phải gánh vác trách nhiệm cao hơn trước những bất ổn trong khu vực, đồng thời chia sẻ chi phí cho việc bảo đảm an ninh của những nước này thông qua tăng chi phí cho lực lượng đồn trú của Mỹ ở khu vực. Nhìn lại lịch sử hình thành các hiệp ước đồng minh an ninh quân sự do Mỹ ký kết nói chung, cũng như dưới thời Tổng thống Tổng thống Obama nói riêng có thể thấy rõ, việc bảo đảm an ninh và ổn định phát triển cho các đồng minh là một nội dung tất yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong nhiều năm, Mỹ đã thiết lập tại khu vực vai trò trung tâm, là cái “ô bảo trợ an ninh” đối với các nước đồng minh thông qua việc cam kết hỗ trợ những khoản chi phí quốc phòng khổng lồ. Tuy nhiên, trước bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, cần bảo đảm thế và lực không bị suy yếu, Chính quyền của Tổng thống D.Trump đã chọn phương cách buộc các nước đồng minh phải chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm trong các vấn đề khu vực, giảm thiểu gánh nặng chi phí cho các hoạt động an ninh, quốc phòng mà Mỹ cam kết trước đó. Chính sách này vừa tạo điều kiện cho các nước đồng minh khẳng định sự lớn mạnh về an ninh, quân sự, vừa tăng cường năng lực cần thiết ứng phó trước các mối đe dọa của khu vực. Ngoài ra, việc giảm chi phí cam kết an ninh, quốc phòng giúp Mỹ tập trung hơn vào các hạng mục khác, như nâng cấp sức mạnh quân sự quốc gia. Mỹ khuyến khích Nhật Bản gánh vác vai trò quốc tế lớn hơn mặc dù hiện nay nước này có đóng góp chi phí quốc phòng lớn nhất cho Mỹ. Mỹ cũng yêu cầu Hàn Quốc tăng chi phí cho việc đóng quân và triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Tháng 3/2019, Mỹ và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận chính thức về việc chia sẻ chi phí để duy trì hoạt động của lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ tăng 8,2% chi phí đóng góp để duy trì hoạt động của USFK. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã nhất trí chi 920 triệu USD trong năm 2019 cho các hoạt động của USFK gồm 28.500 binh sĩ Mỹ, tăng từ mức 960 tỷ uôn của năm 2018.
(2)Trấn an các đồng minh trước mối nghi ngại về cam kết bảo trợ an ninh của Mỹ đối với khu vực, về tầm quan trọng của các đồng minh trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Vị trí dẫn dắt của Mỹ tại khu vực, trong đó có việc bảo đảm an ninh và mang lại sự ổn định cho các đồng minh dường như bị lung lay sau những tuyên bố về “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D.Trump. Những đòi hỏi có phần cứng rắn và gay gắt của Mỹ đối với các đồng minh trong việc đóng góp về viện trợ quân sự hay hậu thuẫn trong các trường hợp cần thiết đã gây một số phản ứng từ chính các nước này. Chưa kể, dấu hiệu xói mòn những cam kết bảo trợ an ninh tập thể của Mỹ khiến cho các nước đồng minh của Mỹ có thiên hướng chuyển sang hợp tác với Trung Quốc. Thực tế này buộc Chính quyền của Tổng thống D.Trump phải có những động thái mang tính xoa dịu tâm lý của các nước đồng minh thông qua các hoạt động ngoại giao. Tháng 11/2017, Tổng thống D.Trump có chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền nhằm nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ. Ngoài ra còn có các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đến Hàn Quốc (3/2017), Philippines, Thái Lan (8/2017); Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tới Hàn Quốc, Nhật Bản (10/2018). Đáng chú ý, mới đây Tổng thống D.Trump đã có chuyến thăm Nhật Bản (5/2019) nhằm củng cố vững chắc quan hệ đồng minh, mà một trong những nội dung quan trọng là thống nhất các chiến lược an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục chứng minh vai trò và tầm ảnh hưởng của mình thông qua các khoản hỗ trợ về quân sự và tài chính với chương trình đầu tư trị giá gần 120 triệu USD năm 2018 dành cho kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực. Một cam kết trong vòng 5 năm cũng được Mỹ đưa ra với tên gọi “Sáng kiến Trấn an châu Á” (ARIA) có trị giá lên đến 1,5 tỷ USD cho giai đoạn 2019 – 2023 với thông điệp trấn an các đồng minh, đối tác bằng cam kết hỗ trợ, hợp tác lâu dài, nghiêm túc, đáng tin cậy.
(3)Tăng cường các liên minh đa phương thông qua các đồng minh vốn có để tìm kiếm thêm đối tác nhằm cạnh tranh trực diện với Trung Quốc, ủng hộ sáng kiến mô hình liên kết mới trong khu vực. Thể hiện rõ nét của chính sách này là việc Mỹ lấy “tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia làm nòng cốt nhằm đối trọng với Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc. Nhóm “bộ Tứ” là một cơ chế đối thoại an ninh được thiết lập từ năm 2007 trên nền tảng các cơ chế an ninh ba bên Mỹ – Nhật Bản – Australia và Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ, nhưng chưa được vận hành thực chất. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng với các chiến lược lớn về “kết nối hai đại dương” và Sáng kiến BRI, va chạm trực diện lợi ích của bốn quốc gia này tại khu vực khiến cho liên kết an ninh bốn bên được khởi động lại bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức ở Philippines (11/2017). Trong nhóm này, Nhật Bản và Australia là hai đồng minh chiến lược của Mỹ, còn Ấn Độ không chỉ là cường quốc lớn tại châu Á, mà còn là một nhân tố được xem là có tính cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực.
(4) Tiếp tục thực hiện cơ chế hóa quan hệ với các đồng minh, tích cực tăng cường các biện pháp quân sự tại khu vực. Các cơ chế hiện có, như Đối thoại ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc, Mỹ – Nhật Bản – Australia, Mỹ – Ấn Độ – Australia; Đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao “2+2” Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Australia, Mỹ – Ấn Độ; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN;… được Mỹ tiếp tục duy trì, thúc đẩy. Đối với những biện pháp quân sự mạnh mẽ, Chính quyền của Tổng thống D.Trump đề cao tầm quan trọng của hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Bên lề Diễn đàn đối thoại Sang-gri La ở Singapore (6/2017), Đô đốc H. Harris khẳng định, FONOP là hoạt động “hợp thức hóa luật pháp quốc tế”. Từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2019, Mỹ đã tiến hành 10 FONOP ở Biển Đông. Về diễn tập quân sự, Mỹ duy trì các cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh khu vực, như các cuộc tập trận “Hổ mang vàng” với Thái Lan (2/2019), “Balikatan” với Philippines (4/2019). Tháng 3/2019, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận phối hợp mới mang tên “Đồng minh” thay cho các cuộc tập trận chung “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” đã chấm dứt trước đó để thúc đẩy đàm phán ngoại giao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tiến hành cuộc tập trận Pacific Vanguard (5/2019).
Mỹ cũng đã thực hiện các thương vụ hỗ trợ các đồng minh chủ chốt. Mỹ thông qua thương vụ trị giá hơn 600 triệu USD bán tên lửa phòng không cho Hàn Quốc và Nhật Bản (5/2019, theo đó Washington bán cho Hàn Quốc 94 tên lửa hạm đối không SM-2, 12 hệ thống dẫn đường với tổng trị giá 313,9 triệu USD; 160 tên lửa phòng không AMRAAM và thiết bị dẫn đường liên quan cho Nhật Bản trị giá 317 triệu USD.
Nhìn chung, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Chính quyền của Tổng thống D.Trump về cơ bản có tính kế thừa từ chiến lược “tái cân bằng” châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm trong chính sách đối với các đồng minh khu vực. Qua đó, Mỹ tiếp tục giành được sự ủng hộ, hợp tác ở mức độ khác nhau từ các nước đồng minh. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến các đồng minh, và cùng với sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc, môi trường an ninh khu vực sẽ còn đứng trước nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến an ninh, lợi ích và chính sách đối ngoại của nhiều nước.