Tuesday, December 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhân tích yêu sách “Tứ Sa” từ góc độ luật pháp quốc...

Phân tích yêu sách “Tứ Sa” từ góc độ luật pháp quốc tế

Với âm mưu độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh đã nêu ra yêu sách đối với Đông Sa, Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa), Trung Sa, Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa) từ những năm 50 của Thế kỷ 20. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đề cập đến 4 nhóm đảo này như những thực thể pháp lý đơn nhất cùng với yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho 4 nhóm đảo này (gọi là yêu sách “Tứ Sa” lần đầu tiên được chính thức nêu ra trong cuộc họp kín với các quan chức Mỹ cuối tháng 8/2017.

Nhiều chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng Trung Quốc đưa ra yêu sách “Tứ Sa” là để tạo ra “cái bẫy pháp lý” biện hộ cho yêu sách quá đáng của họ ở Biển Đông thay thế cho “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng bác bỏ. Chúng ta lấy Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở phân tích yêu sách “Tứ Sa” để thấy rõ “cái bẫy pháp lý” nguy hiểm này.

Vì sao phải lấy UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài làm căn cứ? Bởi vì UNCLOS được coi là Hiến pháp về đại dương, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển từ khai thác, bảo vệ môi trường đến giải quyết tranh chấp….Còn phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài là một bước phát triển mới của UNCLOS áp dụng cho tình hình thực tế ở Biển Đông, cụ thể hóa hơn các điều khoản của UNCLOS cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và được coi là một bộ phận của luật pháp quốc tế về biển và đại dương.

Tạm gác vấn đề chủ quyền sang một bên để xem xét về yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc từ 4 nhóm thực thể trong cái gọi là “Tứ Sa” nói trên. UNCLOS 1982 đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Quy định của UNCLOS cũng như khái niệm quốc gia quần đảo đã loại trừ khả năng Trung Quốc có thể áp dụng quy chế quần đảo với “Tứ Sa”.

Trong 4 nhóm thực thể này, năm 1996 Trung Quốc đã vạch “đường cơ sở thẳng” quanh quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc là một quốc gia lục địa, không phải là một quốc gia quần đảo nên kể cả trong trường hợp Trung Quốc chứng minh được chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa thì Hoàng Sa cũng không đủ điều kiện để có đường cơ sở thẳng bao quanh.

Việc làm của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng các quy định của UNCLOS gặp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa không đủ điều kiện vẽ “đường cơ sở thẳng” mà phải áp dụng đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất.Thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần tiến hành tuần tra tự do hàng hải (FONOP) đi cắt ngang qua quần đảo Hoàng Sa để phá “đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc vạch ra xung quanh Hoàng Sa, cùng với đó Mỹ công khai tuyên bố hoạt động FONOP của hải quân Mỹ là để thách thức những yêu sách quá đáng của Trung Quốc.

Đối với quần đảo Trường Sa, trong phán quyết ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng đã khẳng định việc vẽ đường cơ sở thẳng bao trùm toàn bộ các cấu trúc địa lý của Trường Sa là không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Kết luận này loại trừ khả năng Trung Quốc vạch “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo này.

Đông Sa và Trung Sa gồm các rạn san hô, chủ yếu là các cồn cát và bãi ngầm chỉ nhô lên khi nước thủy triều xuống áp dụng UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thì càng không thể đủ điều kiện để vẽ “đường cơ sở thẳng” xung quanh Đông Sa và Trung Sa.

Như vậy có thể kết luận việc Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa” để yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ “đường cơ sở thẳng” xung quanh 4 nhóm đảo trong Tứ Sa là hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài – một án lệ có giá trị pháp lý ở Biển Đông.

Trong trường hợp Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ các cấu trúc riêng lẻ thuộc 4 nhóm trong “Tứ Sa” cũng không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài đã tuyên bố các các cấu trúc địa lý của Trường Sa (bao gồm Ba Bình, có diện tích lớn nhất thuộc Trường Sa, khoảng gần 0,5km2) và Scarborough(Trung Sa) không đủ điều kiện theo quy định của điều 121 UNCLOS để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải

Một số cấu trúc thuộc Hoàng Sa có thể có diện tích lớn hơn cả Ba Bình thuộc Trường Sa, tuy nhiên có chung một đặc điểm địa lý là các hình thành từ cấu tạo san hô với các điều kiện tự nhiên nguyên sơ ban đầu, không có khả năng cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng. Do vậy, phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài có thể áp dụng như một án lệ với các cấu trúc thuộc Hoàng Sa và Đông Sa (Pratas).

Từ những phân tích khía cạnh pháp lý nói trên có thể kết luận rằng việc Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ “đường cơ sở thẳng” xung quanh 4 nhóm cấu trúc hay tính từ từng cấu trúc riêng lẻ thuộc “Tứ Sa” đều là bất hợp pháp và không có căn cứ pháp lý. Đấy là trong trường hợp Trung Quốc có thể chứng minh cho họ có chủ quyền đối với các thực thể thuộc “Tứ Sa”. Trong cuộc gặp với các quan chức Mỹ tháng 8/2017, ông Mã Tân Dân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với 4 nhóm cấu trúc “Tứ Sa”.

Bàn về nguyên tắc pháp lý của Công pháp quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, xin nhấn mạnh rằng “chủ quyền lịch sử” không được coi là một nguyên tắc có hiệu lực pháp lý trong việc xác định chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ bởi nếu dựa vào lịch sử để chứng minh chủ quyền thì thế giới sẽ trở nên hỗn loạn. Nhiều quốc gia sẽ không còn tồn tại như hiện nay bởi cái lý “chủ quyền lịch sử” mơ hồ đó, kể cả Mỹ và Trung Quốc bây giờ. 

 Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được quốc tế thống nhất sử dụng rộng rãi để xác định chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ: (i) việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do thực thể nhà nước tiến hành. (ii) việc chiếm hữu phải được thực hiện trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res-Nullius) hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto); (iii) quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó; (iv) việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục, rõ ràng; (v) dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận.

Chiếu theo những nguyên tắc trên đây thì Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi họ không đưa ra được bằng chứng nào để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này với tư cách nhà nước.

Trên thực tế rất nhiều tư liệu pháp lý, lịch sử hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu 2 quần đảo này và thực thi chủ quyền một cách hòa bình liên tục với tư cách nhà nước thông qua việc cử các đội tàu ra đo vẽ, khai thác, quản lý 2 quần đảo này ít nhất từ Thế kỷ 16-17 cho đến thế kỷ 19. Tiếp đó, Pháp đã thay mặt Việt Nam với tư cách bảo hộ cho nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này cho đến năm 1954 và sau đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa (ở miền nam Việt Nam) đã thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

Năm 1956 và năm 1974, Bắc Kinh đã sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (trước đó, Trung Quốc hoàn toàn không có mặt ở Hoàng Sa); năm 1988 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm 6 cấu trúc thuộc Trường Sa vàn năm 1995 dùng vũ lực đánh chiếm bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, không tạo ra danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với Đông Sa và Trung Sa, cho đến nay, không mấy ai bàn thảo về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 khu vực này bởi Đông Sa và Trung Sa như đã nêu ở trên là rạn san hô, đa phần các cấu trúc chìm dưới mặt nước biển khi thủy triều dâng cao, là khu vực hoàn toàn không thích hợp cho con người đến định cư, sinh sống thường xuyên, ổn định. Như vậy, liệu có chuyện người Trung Quốc từ thời cổ đại đã có thể đến đây sinh sống, khai phá, thực thi chủ quyền ở nơi toàn là bãi cạn, bãi ngầm, ám tiêu san hô… này từ thời cổ xưa như tuyên bố của Bắc Kinh không?  

Rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với các nhóm cấu trúc nằm trong cái gọi là “Tứ Sa” thì làm sao lại có thể đòi vùng đặc quyền kinh tế từ các nhóm cấu trúc này? Thật nực cười khi ông Mã Tân Dân trơ chẽn nói rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với “Tứ Sa” rồi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ “Tứ Sa”.

Tóm lại, căn cứ vào các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ và các quy định của UNCLOS và kết luận của Tòa Trọng tài trong phán quyết 12/7/2016 về vụ kiện Biển Đông có thể khẳng định rằng yêu sách “Tứ Sa” của nhà cầm quyền Bắc Kinh là bất hợp pháp. Khái niệm “Tứ Sa” chỉ là một chiến thuật để Bắc Kinh đánh lừa dư luận trong thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Hiểu rõ bản chất bá quyền của Bắc Kinh nên khi được hỏi về quan điểm của Washington đối với quan điểm của ông Mã Tân Dân trong cuộc họp kín với quan chức Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói một cách ngắn gọn rằng yêu sách biển của tất cả các bên ở Biển Đông và trên thế giới cần được xác định phù hợp với luật biển quốc tế, theo quy định của UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới