Trung Quốc đã mượn cớ dựng trạm quan sát hải dương toàn cầu trên Biển Đông để thực hiện âm mưu xâm chiếm Quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc vạch kế hoạch xâm chiếm Trường Sa
Ngay từ khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép hầu hết Quần đảo Hoàng Sa từ tháng 01/1974, trong đầu những tướng lĩnh Bắc Kinh đã có ý định đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Tháng 9/1982, ngay sau khi nhậm chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trung Quốc, tướng Lưu Thanh Hoa đã đề xuất ý kiến là phải cho các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đến các đảo, đá, bãi cạn ở Trường Sa để dựng nhà giàn, giành chỗ đứng chân để chứng minh sự hiện diện của Trung Quốc ở Trường Sa. Y cũng gấp rút cử các biên đội tàu xuống phía nam Biển Đông nhằm khảo sát và đo đạc luồng lạch của các đảo ở quần đảo Trường Sa, phục vụ cho mục đích chiếm đóng trái phép sau này.
Để phục vụ tiến hành cho cuộc chiến mà y cho là “có lợi ích lớn cho Trung Quốc”, cuối tháng 12 năm 1986, Lưu đã cho máy bay và tàu thuyền [gồm cả tàu chiến và tàu cá vũ trang] tiến hành hoạt động trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài.
Tháng 4/1987, Lưu Thanh Hoa giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Trần Minh Sơn của Hạm đội Nam Hải [phụ trách nhiệm vụ tác chiến trên Biển Đông], yêu cầu các tàu chiến nhận nhiệm vụ tuần tra Trường Sa phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho yêu cầu chiến tranh.
Xâm chiếm Trường Sa đội lốt kế hoạch xây dựng trạm quan trắc
Ngày 6/5/1987, Lưu Hoa Thanh hạ lệnh thành lập một biên đội tàu tuần tra 10 chiếc, gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tiếp tế khởi hành từ Trạm Giang [nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải]. Đây là lần đầu tiên sau 38 năm kể từ khi nước Trung Quốc được thành lập, hải quân nước này đã tổ chức một biên đội tàu chiến lớn nhất tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Biên đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đã tổ chức một cuộc diễn tập lớn ở phía nam Biển Đông từ ngày 15/5 đến ngày 6/6/1987, nhằm thao luyện các phương án tác chiến phục vụ cho âm mưu xâm chiếm Trường Sa.
Ngày 8/7/1987, Lưu Hoa Thanh và Cục trưởng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc Nghiêm Hoằng Mô trình lên Quốc vụ viện và quân ủy trung ương Trung Quốc báo cáo chung về vấn đề xây dựng trạm quan trắc ở Trường Sa.
Báo cáo đề ra hai phương án: Xây dựng trạm quan sát tự động hoặc xây dựng trạm có người điều khiển. Bản thân Lưu ủng hộ phương án thứ hai vì nó phục vụ cho âm mưu xâm lược Trường Sa của Trung Quốc. Chính y đã chủ động đề xuất xây dựng trạm quan sát ở đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 6/11, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc công bố bản phê chuẩn về đề xuất của Lưu.
Chiến sĩ hải quân Việt Nam tập luyện sử dụng vũ khí phòng thủ đảo |
Cũng trong tháng 11 năm 1987, Lưu Hoa Thanh trở thành Ủy viên Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và giữ chức Phó Tổng thư ký (một năm sau, đến tháng 11/1989, Lưu giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương).
Lưu nhân đó lập tức triệu tập cuộc họp để thực hiện kế hoạch và các công tác chuẩn bị cho xây dựng trạm, theo đó, trách nhiệm xây dựng trạm là được giao cho lực lượng Hải quân Trung Quốc, với sự hỗ trợ về nghiệp vụ của Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc.
Giữa tháng 10 đến tháng 11 năm 1987, Hạm đội Nam Hải lại tiếp tục đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào sát đảo của ta khoảng 1 hải lý.
Trong thời gian ngắn, Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành một số công tác như khảo sát kỹ thuật và thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng đều được đưa ra từ đất liền. Kế hoạch xây dựng trạm quan trắc đã trở thành cái cớ để Bắc Kinh đưa những người mà họ gọi là “các nhà khoa học” và vật liệu xây dựng ra Trường Sa.
Khoảng đầu năm 1988, Lưu Thanh Hoa cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục hậu cần và hải quân tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu phương án tác chiến để đánh chiếm các đảo, đá. Sau đó, bản kiến nghị về kế hoạch tác chiến Trường Sa đã nhận được sự phê chuẩn.
Thực hiện kế hoạch xâm chiếm Trường Sa
Ngày 22/01/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Sau đó, chúng đưa một lực lượng lớn gồm 8 tàu, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại khu vực đảo này.
Pông tông của bộ đội đảo Thuyền Chài sử dụng từ năm 1987 |
Ngày 31/01/1988, Trung Quốc quyết định đưa thêm lực lượng củng cố đảo Chữ Thập thành căn cứ chủ chốt ở khu vực Trường Sa. 9 tàu của biên đội tàu thi công đã từ Trạm Giang xuống dá Chữ Thập vào ngày 07/02 để tiến hành công việc xây dựng trái phép.
Vào thời điểm này, Hải quân Trung Quốc tổ chức ba Cụm tác chiến lớn nhằm triển khai chiến dịch chiếm đoạt quần đảo Trường Sa, bao gồm:
Sở Chỉ huy Hậu phương đặt ở quần đảo Hoàng Sa. Sở chỉ huy này chỉ huy chung toàn chiến dịch, đồng thời chỉ huy lực lượng tàu tuần tiễu pháo, tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa và các tàu ngầm, có nhiệm vụ ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam;
Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập 2 Cụm Tác chiến Tiền phương. Cụm thứ nhất có nhiệm vụ ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu; Cụm thứ hai là cụm chiến đấu thiết lập Sở chỉ huy tiền phương ở đảo Chữ Thập, chỉ huy lực lượng đánh chiếm đảo ở quần đảo Trường Sa [và nếu có thời cơ phát triển lực lượng sâu xuống khu vực phía Nam Biển Đông].
Tiếp theo, Trung Quốc điều số lượng lớn tàu chiến đến chiếm đóng đá Châu Viên (ngày 18/02), đá Ga Ven (26/02), đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ, ngày 28/02).
Đến đầu tháng 3, Trung Quốc tiếp tục huy động tàu chiến của hai hạm đội (Đông Hải và Nam Hải) xuống quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tuần tiễu pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép Quần đảo Trường Sa bằng hành động quân sự |
Ngày 14/3, Trung Quốc đã nổ súng tấn công lực lượng ta trên các tàu vận tải và chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma, khiến 64 chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
Sau đó, vào ngày 23/3, Trung Quốc đã tiếp tục đưa tàu chiến chiếm giữ trái phép đá Xu Bi.
Tính đến thời điểm đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá, gồm: Chữ Thập, Xu Bi, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, rồi tiến hành xây nhà và các công trình khác trên các đảo, đá này.
Mặc dù sau đó Trung Quốc vẫn muốn xâm chiếm thêm các đảo đá khác, nhưng lực lượng hải quân dù rất mỏng yếu của chúng ta vẫn kiên cường giữ vững được các đảo đã đóng giữ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước ở đại bộ phận các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và chủ động đóng giữ thêm ở nhiều đảo mới. Những hành động tỉnh táo, khôn ngoan nhưng cũng không kém phần kiên quyết của chúng ta đã chặn đứng âm mưu tiếp tục bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Trong các kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu những chủ trương và biện pháp của chúng ta trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền của đất nước ở Trường Sa năm 1988, mang tên “Chiến dịch CQ-88” (tức “Chủ quyền 88”).