Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChiến dịch CQ-88: Gạc Ma - Vòng tròn bất tử Việt Nam

Chiến dịch CQ-88: Gạc Ma – Vòng tròn bất tử Việt Nam

Những người lính Việt Nam tay không đã trở thành ‘Vòng tròn bất tử’ bảo vệ Gạc Ma, viết tiếp thiên anh hùng ca chống xâm lược của dân tộc.

Trong các kỳ trước với tiêu đề: “Trường Sa 1988: Biển Đông căng thẳng vì dã tâm xâm lược”, “Trường Sa 1988: Trung Quốc tạo cớ xâm chiếm biển đảo” và “Biển Đông-Trường Sa nóng bỏng trước thềm Chiến dịch “Chủ quyền 88”, chúng ta đã nắm được việc Trung Quốc đưa quân chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập vào ngày 22/01. Tháng 2/1988, quân dân Việt Nam bắt đầu bước vào chiến dịch “CQ-88” (Chủ quyền – 1988) với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm giữ vững các đảo đã thể hiện chủ quyền; dốc toàn lực đóng giữ các đảo, đá mới không người theo đúng kế hoạch; với tinh thần quyết thắng của phong trào “Cả nước hướng về Trường Sa”, “Ủng hộ, chi viện Trường Sa và vì Trường Sa”.

Quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng phạm vi chiếm đóng

Ngày 4/2/1988, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng tàu chiến của cả 2 Hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống Trường Sa, chúng ta xác định rằng, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi chiếm đóng sang các đảo Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan và đóng xen kẽ những bãi đá ta đang đóng giữ. Do đó, ta phải nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Lát, Đá Lớn, Châu Viên.

Quân chủng Hải quân thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Cam Ranh, do đồng chí Giáp Văn Cương (Tư lệnh Hải quân) làm Tư lệnh. Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật đều tổ chức các bộ phận tiền phương của ngành để kịp thời giải quyết mọi mặt theo yêu tác chiến.

Ngày 05 tháng 2 năm 1988, lực lượng của ta ra trấn giữ đảo Đá Lát.

Ngày 08/02, tàu quét mìn HQ-851 xuất phát từ Cam Ranh đi làm nhiệm vụ đóng chốt các đảo ở Trường Sa và đến ngày 11/2, tàu đã hoàn thành nhiệm vụ đưa người lên đảo Đá Đông.

Ngày 13/02, Lữ đoàn 125 điều tàu 505 kéo tàu LCU 556 cùng bộ phận làm nhà cao chân trấn giữ đảo Đá Lớn, bất chấp việc một tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc thả thủy lôi ngăn cản ta ở khu vực cách đảo 4 hải lý.

Ngày 17/02, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân di chuyển một bộ phận quan trọng các cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần vào Cam Ranh, lập Sở chỉ huy Quân chủng để trực tiếp chỉ huy các lực lượng đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa; còn Sở chỉ huy tiền phương của Vùng IV trực tiếp đặt ở tàu 614 đóng ở đảo Đá Đông.

Sau khi Trung Quốc chiếm mất đá Châu Viên ngày 18/02, ngày 20/2 ta tiếp tục cử tàu và lực lượng ra đóng giữ đảo Đá Lát và đảo Đá Lớn.

Ngày 20/02, các lực lượng của ta vượt qua mọi sự ngăn cản khiêu khích của tàu Trung Quốc, đã nhanh chóng triển khai các hoạt động trấn giữ đảo Đá Lát, đồng thời cũng triển khai lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ đảo Đá Lớn.

Ngày 21/2/1988, Tư lệnh quân chủng ra lệnh cho Vùng III chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường; riêng Lữ đoàn 162 và Hải đội tàu tên lửa 131 của Lữ đoàn 172 Vùng I vào tăng cường cho Vùng III từ tháng 1 năm 1988, chuyển trạng thái từ thường xuyên lên sẵn sàng chiến đấu cao.

Ngày 26/2, Hải Quân Việt Nam đóng giữ thêm đảo Tiên Nữ, nhưng cùng ngày, Trung Quốc chiếm mất đảo Ga Ven. Sang ngày 27 tháng 2, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan. Ngày 28/2, ta tổ chức trấn giữ thêm đảo Núi Le nhưng trong ngày hôm đó, Trung Quốc cũng chiếm được đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ).

Như vậy, tính đến cuối tháng 2 năm 1988, lực lượng Hải quân ta đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên các đảo Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ, Đá Lớn và Núi Le, đưa tổng số đảo ta trấn giữ lên 18, còn Trung Quốc đã chiếm đóng được 4 đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ.

Đến thời điểm này, lực lượng hải quân ta bước đầu tạo được thế đứng chân trên các khu vực quan trọng thuộc quần đảo Trường Sa để ngăn chặn được việc mở rộng phạm vi lấn chiếm của đối phương.

Tháng 3/1988: Gạc Ma trở thành “Vòng tròn Bất tử”

Bước sang tháng 3/1988, Bắc Kinh đã có những hành động leo thang quân sự vô cùng nghiêm trọng khi tiếp tục huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tuần tiễu pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Ngày 4/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp và đánh giá tình hình: Trung Quốc đã cho quân chiếm giữ Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ. Ta xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan; bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận.

Thường vụ xác định Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115 độ, đặc biệt là các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Ba bãi đá này nằm gần cụm đảo Sinh Tồn, có vị trí chiến lược quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại của ta tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Do đó, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương, bởi trong cùng một lúc hải quân ta phải triển khai đóng giữ cả 3 đảo trong điều kiện phương tiện, trang bị của ta cũ, thô sơ, lực lượng hạn chế.

Rạng sáng ngày 14/3 đã xảy ra trận đánh khốc liệt không cân sức giữa các tàu chiến của hải quân Trung Quốc với các tàu vận tải không vũ trang và các chiến sĩ công binh Việt Nam. Ta đã đóng giữ thêm 2 đảo Cô Lin và Len Đao, nhưng Trung Quốc đã cướp mất đảo Gạc Ma.

Để thực hiện nhiệm vụ đóng giữ cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao chúng ta chỉ có 3 tàu vận tải và vận tải đổ bộ, không có pháo hạm, trên tàu đều chỉ mang lương thực, xi măng cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn, chỉ có một số loại vũ khí cá nhân ít ỏi như tiểu liên AK, súng chống tăng B-40, B-41…

Còn vào thời điểm đó, Trung Quốc đã điều tổng cộng 3 tàu hộ vệ, 2 tàu vận tải trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước ngăn chặn tàu ta.

Với lực lượng mạnh hơn hẳn và cách hành xử vô cùng bất nhân, các tàu Trung Quốc đã sử dụng tất cả các loại hỏa lực, bao gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mmm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng bắn chìm tàu vận tải HQ-604 của ta và tàn bạo tấn công chiến sĩ công binh tay không đang dựng nhà trên đá Gạc Ma.

Cùng thời điểm tàu HQ-604 của ta bị bắn chìm tại đá Gạc Ma, ở đá Cô Lin cách đó khoảng 3,5 hải lý (5 km), thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh cho tàu lao vào ủi bãi. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy nhưng không bị chìm. Tàu HQ-505 đã hoàn thành nhiệm vụ giữ chủ quyền ở đảo Cô Lin.

Ở hướng đá Len Đao – cách Gạc Ma khoảng 12 km, tàu HQ-605 của ta đã đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo. Vào lúc 8 giờ 20 phút, các tàu chiến Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 khiến tàu bị bốc cháy và chìm, nhưng sau đó, ta vẫn giữ được đảo.

Trong trận chiến anh hùng này, những chiến sĩ hải quân Việt Nam với vũ khí cá nhân đã anh dũng chống lại tàu chiến của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước, viết lên thiên anh hùng ca về “Vòng tròn bất tử – Gạc Ma”. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên 3 tàu vận tải của ta bị bắn chìm, 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương, 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ.

Biến căm thù thành hành động, các chiến sĩ hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp tục đóng giữ thêm đảo Đá Thị (15/3/1988) và Đá Nam (16/3/1988).

Sau đó, vào ngày 23/3, Trung Quốc đã tiếp tục đưa tàu chiến đến chiếm giữ trái phép đá Su Bi.

Kết quả chiến dịch “Chủ quyền 88” (CQ-88)

Tổng cộng trong chiến dịch CQ-88, mặc dù không có tàu chiến, các tàu thuyền khác đều rất nhỏ, số lượng hạn chế, nhưng hải quân Việt Nam đã thể hiện chủ quyền và chốt giữ 11 đảo chìm, nâng tổng số đảo chúng ta đã đóng giữ được lên 21, trong đó 9 đảo nổi lớn.

11 đảo được Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm bao gồm: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988), Len Đao và Cô Lin (14/3/1988), Đá Thị (15/3/1988), Đá Nam (16/3/1988).

Tính đến thời điểm đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, Xu Bi và tiến hành cắm cờ Trung Quốc, xây nhà và các công trình khác trên các bãi đá này. Sau đó, Trung Quốc còn rắp tâm cướp lại đá Len Đao và các bãi cạn, đá ngầm ở Khu vực DK-I ở phía nam Biển Đông nhưng đã bị ta chặn đứng.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới