Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc chiến chống Covid-19, mặt trận xung đột mới giữa Mỹ và...

Cuộc chiến chống Covid-19, mặt trận xung đột mới giữa Mỹ và TQ

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, gây tổn thất nghiêm trọng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở hầu khắp thế giới, có một thứ hầu như không thay đổi là sự đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Đều là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của virus corona chủng mới, cả Mỹ và Trung Quốc đều trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, tìm cách hạn chế di chuyển, nhập cảnh cũng như áp dụng các biện pháp tự cách ly để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, thay vì lãnh đạo thế giới đương đầu với đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người, hai nước tiếp tục lún sâu vào một cuộc ganh đua quyền lực, nhất quyết đánh giá đối thủ qua lăng lính của những thuyết âm mưu và sự thù địch.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã không ngừng khẩu chiến, chỉ trích lẫn nhau về mọi thứ, từ nguồn gốc của virus cho đến việc các chuyên gia y tế Mỹ có được phép đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để tìm hiểu tình hình dịch bệnh hay ai đáng bị đổ lỗi về sự bùng phát đại dịch.

Trước đây, mối quan hệ Washington – Bắc Kinh vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì một loạt vấn đề nóng như chiến tranh thương mại, biển Đông, Hong Kong, số phận của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei… Hai bên đáng lẽ có thể tận dụng việc bùng phát Covid-19 như cơ hội hiếm hoi để dẹp bỏ các khác biệt và hợp tác. Song, đáng tiếc, không bên nào dường như quan tâm đến việc đó, theo nhận định của An Gang, cựu quan chức ngoại giao chuyên về các vấn đề Mỹ hiện đang là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược quốc tế và An ninh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Với việc bỏ lỡ cơ hội, mối quan hệ song phương tiếp tục lún sâu vào một chu kỳ bất đồng mới, đầy nguy hiểm. Các trao đổi chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bị ngưng trệ, việc đi lại và giao lưu văn hóa bị hạn chế nghiêm trọng hoặc gián đoạn trong bối cảnh gia tăng đối đầu và sụt giảm niềm tin giữa chính phủ hai nước. Nhà nghiên cứu An nói trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng, thực trạng này là “đáng tiếc nhưng không hoàn toàn gây ngạc nhiên”.

Sự ngờ vực đó hiển hiện ngay sau khi nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu cho phong tỏa Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 hôm 23/1. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên đã đưa hàng trăm công dân của họ khỏi thành phố này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nâng cảnh báo về Trung Quốc lên mức cao nhất, kêu gọi các công dân Mỹ không đi du lịch quốc gia Đông Bắc Á này vì dịch bệnh bùng phát.

Trong những tuần sau đó, hơn 60 quốc gia cũng áp lệnh giới hạn đi lại với Trung Quốc và hơn 20 nước đã đưa các công dân khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đặc biệt nổi giận vì “phản ứng thái quá” của Mỹ, nhấn mạnh rằng nước này đã “tạo gương xấu” cho các quốc gia khác noi theo.

Bộ Ngoại giao và các quan chức Trung Quốc đã lên án Mỹ. Bắc Kinh cáo buộc các động thái của Mỹ dựa trên sự kỳ thị và mang động cơ chính trị, “kích động sự hoảng loạn không cần thiết” như phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị an ninh Munich cách đây một tháng.

“Thành thật mà nói, tại thời điểm khủng hoảng như thế này, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ cư xử cao thượng và thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn cho Trung Quốc. Nhưng hóa ra, Mỹ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn lâu nay của họ với Trung Quốc”, Yun Sun, một chuyên gia tại Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ) bày tỏ.

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng công khai đổ lỗi cho Trung Quốc. Tuần trước, ông thậm chí còn khen ngợi Bắc Kinh vì đã “chia sẻ dữ liệu”. Song, điều đó không chấm dứt việc các quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump, kể cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien chỉ trích cách Bắc Kinh ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Khi tình hình kiểm soát dịch có dấu hiệu tiến triển tốt ở Trung Quốc (số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 ở đại lục có xu hướng giảm vài tuần trở lại đây), căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lại leo thang. Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh dường như muốn khắc phục sự tổn hại danh tiếng toàn cầu và đặc biệt nhạy cảm trước các phát biểu quy kết cách ứng phó dịch của nước này giai đoạn đầu với sự bùng nổ các ca lây nhiễm virus khắp thế giới trong vòng một tháng trở lại đây, cũng như việc các quan chức Mỹ cố tình gọi tên chủng virus mới này là “virus Vũ Hán”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng buộc tội các quan chức Mỹ đang chơi trò đổ lỗi. Một đồng nghiệp của ông – Zhao Lijian thậm chí nêu giả thuyết rằng, có thể chính binh lính Mỹ đã mang virus chết người đến Trung Quốc khi tham dự Thế vận hội quân sự (Đại hội thể thao quân sự quốc tế tổ chức 4 năm một lần) ở Vũ Hán vào tháng 10 năm ngoái, vài tuần trước khi thành phố xác nhận sự bùng phát của Covid-19 vào tháng 12/2019.

Trong một thông điệp chính thức đăng tải trên Twitter hôm 12/3, ông Zhao dẫn chứng một đoạn video quay Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) Robert Redfield dường như đang thừa nhận Mỹ có một vài ca tử vong từ virus corona chủng mới trước khi họ có thể xét nghiệm mầm bệnh, đồng thời kêu gọi CDC nên minh bạch. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải tới để phản đối.

Các hãng thông tấn và phóng viên cũng trở thành nạn nhân của sự đối đầu giữa hai nước. Tháng trước, Trung Quốc đã trục xuất 3 nhà báo thuộc tờ Wall Street Journal của Mỹ khỏi văn phòng đại diện ở Bắc Kinh, với lí do họ đã cho đăng tải bài viết mô tả Trung Quốc là “bệnh nhân thực sự của châu Á” mà không xin lỗi. Động thái diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 5 cơ quan báo chí lớn nhất Trung Quốc là những tổ chức, cơ quan chính phủ phải tuân thủ Đạo luật phái bộ nước ngoài.

Đáp trả, hồi đầu tháng này, Washington ra lệnh giới hạn số nhân viên làm việc cho 5 cơ quan báo chí lớn nhất Trung Quốc ở Mỹ xuống chỉ còn 60 người.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn hợp tác phòng chống virus corona chủng mới trong một cuộc điện đàm đầu tháng Hai, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều tỏ ra hoài nghi. Theo George Magnus, một nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford (Anh), kỳ vọng mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn vì cuộc khủng hoảng Covid-19 là ý tưởng “hay nhưng thiếu thực tế”.

Bruno Macaes, cựu Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu ở Bồ Đào Nha cho rằng, đại dịch Covid-19 mở ra một chiến trường mới cho Mỹ và Trung Quốc. Thay vì cạnh tranh trong nền tảng thông thường, quen thuộc của hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu do Mỹ đứng đầu, mối đe dọa mới đang thay đổi cuộc chơi quyền lực địa chính trị bằng cách phơi bày nhược điểm của các hệ thống quản trị và chăm sóc y tế của mỗi nước.

“Mỹ hiện đối mặt với một mối đe dọa tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều so với những đe dọa từ năng lực sản xuất hoặc các công nghệ kỹ thuật số quan trọng của Trung Quốc. Virus corona đang buộc Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc trên nền tảng của một mối đe dọa chính trị và công nghệ mới, đầy bất ngờ đối với sự ổn định xã hội”, ông Macaes viết trong một bài xã luận đăng tải trên tạp chí National Review.

Ông Magnus và các chuyên gia khác cũng tin, những bất đồng đang kéo căng quan hệ Mỹ – Trung Quốc sẽ không thay đổi và vẫn tồn tại ở đó ngay cả khi thế giới ngăn chặn được đại dịch Covid-19. Một số học giả thậm chí lo lắng, Tổng thống Trump có thể theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc vào giai đoạn quan trọng này trong cuộc đua tái tranh cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng.

Nhà nghiên cứu An lưu ý, những xung đột kéo dài cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến dư luận Mỹ mất đi thiện cảm với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng trước của Gallup cho thấy, chỉ có 33% người Mỹ được hỏi nhìn nhận Trung Quốc một cách tích cực, thấp hơn 20% so với năm 2018 và rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Bất chấp điều đó, ông An tin rằng hiện vẫn còn cơ hội cho hai “ông lớn” xoay chuyển tình hình, cải thiện hợp tác song phương và quốc tế.

“Không thể giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu nếu không có sự hợp tác toàn cầu. Điều quan trọng với Trung Quốc là phải hành động trước tiên vì Mỹ đang ở giữa cuộc khủng hoảng. Hành động như một lãnh đạo và vạch ra một loạt các giải pháp chính là các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Việc đó sẽ giúp sửa chữa và khôi phục hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc, bất kể Mỹ chọn cách đáp trả như thế nào”, ông An nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới