Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhái quát những động thái, chính sách liên quan vấn đề Biển...

Khái quát những động thái, chính sách liên quan vấn đề Biển Đông của Hàn Quốc trong 5 năm gần đây

Hàn Quốc tuy không liên quan trực tiếp đến những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong 5 năm qua Chính quyền và người dân Hàn Quốc đã có nhiều động thái, chính sách trong vấn đề này, nhất là đối với những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Năm 2015

(1) Tại Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 4 tổ chức ở Seoul, phía Hàn Quốc cho rằng, các hành động đơn phương tôn tạo, xây dựng trên các bãi đá ngầm ở khu vực Biển Đông đã phá vỡ môi trường biển, gây tình hình căng thẳng, đe dọa hòa bình trong khu vực. Các quốc gia trong khu vực cần nỗ lực để quản lý khủng hoảng, xây dựng lòng tin và sự hợp tác. Do khủng hoảng ở khu vực Biển Đông liên quan đến nhiều quốc gia nên cần phải có các nỗ lực ngoại giao đa phương để giải quyết cuộc khủng hoảng này trên cơ sở luật pháp quốc tế, xây dựng thể chế quản lý khủng hoảng trong toàn khu vực.

(2) Tại cuộc hội đàm với Mỹ, Nhật Bản vào ngày 16/4 tại Washington (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc ông Cho Tae-Yong nhấn mạnh, hoà bình và ổn định trong khu vực có ý nghĩa với Hàn Quốc. Hàn Quốc đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào.

(3) Tại cuộc đối thoại song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 11, hai bên cho rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cần tăng cường hợp tác để đảm bảo Biển Đông là vùng biển hợp tác, hòa bình và tự do rộng mở. Hàn Quốc cho rằng những bất ổn ở Biển Đông sẽ tác động đến tình hình chung của khu vực.

(4) Tại cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, hôm 4/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ông Han Min-koo và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã thảo luận khả năng xây dựng đường dây liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo đã đề nghị phương án thiết lập thêm đường dây điện thoại trực tiếp giữa các lực lượng không quân và hải quân hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm tránh xảy ra những va chạm quân sự tại khu vực Biển Đông.

Năm 2016

(1)Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Người Việt và các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Hàn Quốc, ngày 24/7, người Việt Nam là lao động, sinh viên, lưu học sinh và nhiều người dân Hàn Quốc đã tập trung tại Quảng trường Bưu điện Trung tâm thủ đô Seoul, ngay phía trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc, để tiến hành biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

(2) Sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra Phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm hoan nghênh việc PCA ra phán quyết bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và phán quyết của PCA. Cho rằng để giải quyết vấn đề này và giữ gìn hòa bình trong khu vực, mỗi nước cần tuân thủ chặt chẽ phán quyết.

(3) Tờ Thời báo Công nghệ Thông tin của Hàn Quốc (Korea IT Times) phiên bản tiếng Anh online đã đăng bài viết khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại sân bay mới xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước tiến mới nguy hiểm trong chiến dịch độc chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Với tựa đề: “Trung Quốc ‘thử nghiệm’ sân bay mới ở Trường Sa, giai đoạn mới của chiến dịch độc chiếm Biển Đông”, bài viết cho rằng sau những gì mà Trung Quốc đã thực hiện ở Biển Đông, nhất là những hoạt động lấn biển, biến 7 bãi, đá (chủ yếu là bãi cạn lúc chìm lúc nổi) thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo quy mô lớn và xây dựng ở Chữ Thập, Xu bi và Vành Khăn 3 đường băng sân bay dài trên dưới 3.000m, cùng với những căn cứ quân sự chìm, nổi.

(4) Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 6 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng lần thứ 7, được tổ chức tại Thủ đô Vientiane, Lào bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49), Bộ trưởng các nước, trong đó có Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, trong đó cho rằng các nước cần tôn trọng thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kêu gọi các nước tôn trọng và thực thi Phán quyết của PCA.

(5) Ngày 29/11, Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc và Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc trường Đại học Chosun đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tình hình và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines” tại TP Gwangju, Hàn Quốc. Tham dự có gần 100 đại biểu là các quan chức TP Gwangju, các chuyên gia nghiên cứu, học giả Hàn Quốc, giảng viên, sinh viên trường Đại học Chosun cùng đông đảo người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Giới chuyên gia tại Hội thảo cho rằng việc Tòa trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua luật quốc tế. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần nêu cao trách nhiệm và bổn phận đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Năm 2017

(1) Tại Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21. Đây là cuộc họp giữa các Quan chức cao cấp của ASEAN và Hàn Quốc, tại Xiêm Riệp, Campuchia hôm 22-23/6, nhằm trao đổi về các hoạt động hợp tác và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hàn Quốc tháng 8/2017 và Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 19 vào tháng 11/2017, Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong có UNCLOS, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

(2) Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định ủng hộ nguyên tắc luật pháp tại các vùng biển. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên trong vấn đề Biển Đông thực hiện những giải pháp hòa bình trong cuộc tranh chấp này phù hợp luật pháp quốc tế, hoan nghênh tiến triển đạt được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về Biển Đông. Hàn Quốc nhấn mạnh cam kết duy trì các nguyên tắc, trong đó có tự do hàng hải, hài không ở Biển Đông và sự tự kiềm chế.

(3) Tại cuộc hội thảo khoa học năm 2017 với chủ đề: “Các khía cạnh pháp lý và giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, do Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam VESAMO, Đại học Youngsan và Viện khoa học kỹ thuật hải dương Hàn Quốc tổ chức hôm 17/11, giới học giả đều cho rằng, tình hình Biển Đông gần đây mặc dù có vẻ lắng dịu hơn, tuy nhiên thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do Trung Quốc cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, tiếp tục triển khai các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa ở Biển Đông; rằng việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở Biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Đảm bảo an ninh, hoà bình ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do đó Hội thảo kêu gọi các bên liên quan xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm quốc tế chấm dứt các hành động căng thẳng, đơn phương phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, thiện chí hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển và sự đa dạng sinh học ở Biển Đông.

Năm 2018

(1) Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam gần đây nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân từ ngày 22 đến ngày 24/3, Tổng thống Moon Jae-in đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đã ra Tuyên bố chung trong đó Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC.

(2) Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (24/4), Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

(3) Trong chuyến thămViệt Nam hôm 4/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo khẳng định coi trọng vị thế, vai trò trung tâm của Việt Nam trong ASEAN cũng như ở khu vực Đông Á. Việt Nam có tầm quan trọng và là nhân tố kết nối để Hàn Quốc triển khai thành công “Chính sách hướng Nam mới” với các nước trong khu vực, đồng thời ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực. Hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

(4) Tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 22 (20-21/6), Hàn Quốc đã khẳng định quan điểm nhất quán ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đề cao các chuẩn mực của khu vực trong hành vi ứng xử.

Năm 2019

(1) Trong các chuyến thăm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Campuchia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tháng 12/2018 và tháng 3/2019, Hàn Quốc đã xác định các nước này là đối tác chính trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Việc Hàn Quốc góp phần giữ vững nền hoà bình ở Biển Đông sẽ đồng thời là bảo vệ các lợi ích về kinh tế cũng như củng cố vị trí chiến lược của mình. Bên cạnh đó, nếu nhìn trên bối cảnh chuyển đổi quyền lực khu vực đang diễn ra, Biển Đông là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương. Hàn Quốc cũng chia sẻ mối quan tâm của khu vực đối với vấn đề Biển Đông khi kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

(2) Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan tại Thái Lan hôm 01/8, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Đối tác tham dự các Hội nghị Bộ trưởng giữa ASEAN với Australia, Ấn Độ, EU và Canada chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

(3) Tiến sĩ Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và châu Đại Dương, Viện nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc), cho rằng tình hình an ninh ở Biển Đông ngày một xấu đi do Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này và gây quan ngại lớn về an ninh cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tiến sĩ Lee Jaehyon cho rằng hiện đã có đủ khung pháp lý cho các hoạt động ở vùng biển này như UNCLOS, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Chuyên gia trên cũng cho rằng cần phải có sự đồng thuận rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế để Trung Quốc cũng bị gây áp lực bởi những hậu quả do các hành động của nước này gây ra ở Biển Đông.

(3) Phản ứng trước việc Trung Quốc đưa tàu xâm phạm Vùng thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế ở Bãi Tư Chính hồi tháng 7, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho biết Hàn Quốc rất quan ngại và theo dõi sát sao những diễn biến trên Biển Đông. Ông Park Noh Wan cũng nhấn mạnh, Biển Đông là một tuyến hàng hải quốc tế rất quan trọng với hơn 45% hàng hóa thế giới đi qua đây. Khu vực này cũng đóng vai trò là một điểm trung chuyển trên biển. Khoảng 90% nguồn năng lượng của Hàn Quốc nhập khẩu ở nước ngoài về đi qua Biển Đông. Bởi vậy, Hàn Quốc đã bày tỏ lập trường ủng hộ trật tự hàng hải dựa trên pháp luật và chúng tôi cũng đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến trên Biển Đông. Ông cho rằng các bên có liên quan cần giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, qua đó đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Năm 2020

(1) Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 17/1 cho biết ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ý muốn đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản ở quần đảo Natuna.Bloomberg cho rằng nỗ lực nhằm thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào quần đảo này của giới chức Indonesia phần nhiều xuất phát từ mối lo ngại Trung Quốc đang lan rộng ảnh hưởng vào các khu vực xung quanh nước này.Cụ thể, vụ hơn 60 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh Natuna thuộc EEZ của Indonesia đã đặt quan hệ hai bên vào vòng căng thẳng. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố vùng biển này là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc trong khi Jakarta ra sức bác bỏ lập luận phi pháp này.

(2) Ngày 4/1, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc ở Hoàng Hải.Theo đó, tàu cá trọng tải 15 tấn này đã xâm phạm Đường Giới hạn phía Bắc (NLL) khoảng 4 km, gần đảo biên giới Yeonpyeong của Hàn Quốc. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho hay sẽ tiến hành điều tra thêm về 7 ngư dân Trung Quốc trên tàu này. Trong khi đó, khoảng 22 tàu cá khác của Trung Quốc cũng đã bị lực lượng trên buộc phải rời khỏi khu vực này. Tàu cá Trung Quốc thường đánh bắt trái phép ở vùng biển Hàn Quốc, và ngư dân Trung Quốc có phản ứng bạo lực trong các cuộc đột kích của cảnh sát biển Hàn Quốc. Năm 2011, một nhân viên cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị một ngư dân Trung Quốc giết chết khi tham gia trấn áp hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Động thái của Hàn Quốc có tác động nhất định đến hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới