Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGạc Ma 1988: TQ không thể đánh tráo lịch sử

Gạc Ma 1988: TQ không thể đánh tráo lịch sử

Cuộc chiến ở Trường Sa năm 1988 nói chung và ở Gạc Ma nói riêng cần phải gọi đúng là “cuộc chiến tranh xâm lược” của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Chúng ta đã tìm hiểu về những âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc nhằm chiếm đóng Trường Sa và hành động kịp thời, mềm dẻo nhưng cũng đầy kiên quyết của ta trong chiến dịch “Chủ quyền 88” (CQ-88) để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vào rạng sáng ngày 14/3 đã xảy ra trận đánh khốc liệt không cân sức giữa các tàu chiến của hải quân Trung Quốc với các tàu vận tải không vũ trang và các chiến sĩ công binh Việt Nam.

Do lực lượng quá chênh lệch nên 3 tàu vận tải của ta bị bắn chìm, 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương, 9 người khác bị Trung Quốc bắt, nhưng chúng ta đã đóng giữ thêm 2 đảo Cô Lin và Len Đao, Trung Quốc chỉ chiếm đóng trái phép được đảo Gạc Ma.

Trong trận chiến anh hùng này, mặc dù chỉ có vũ khí cá nhân, nhưng những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng chống lại số lượng tàu chiến và quân lính đông gấp bội của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước, viết lên thiên anh hùng ca về “Vòng tròn bất tử – Gạc Ma”.

Ngay trong ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lên án việc tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã nổ súng tấn công tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn, vào sáng ngày 14/3/1988.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố xằng bậy là trong khi các tàu của họ đang thả neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì bị Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế Hải quân Trung Quốc “bắt buộc phải tự vệ”?

Họ còn lừa bịp rằng, lúc đó Trung Quốc đang đưa phái đoàn khoa học của Liên Hiệp Quốc đi khảo sát và chủ trương ban đầu của họ là chỉ chiếm đóng các đảo còn bỏ hoang, chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ trước.

Việt Nam tuyên bố, các tàu vận tải không trang bị pháo của Việt Nam đã buộc phải nổ súng để tự vệ; đồng thời bác bỏ luận điệu vu cáo của Bắc Kinh là tàu vận tải của Việt Nam đã nổ súng trước, “khiêu khích” tàu chiến của Trung Quốc.

Nhiều năm sau trận chiến anh hùng bảo vệ Gạc Ma, nhiều tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Gạc Ma ngày 14/3/1988 là cuộc “Hải chiến Trường Sa 1988” hay “Hải chiến Gạc Ma”. Còn Trung Quốc tuyên truyền rằng, đây là “Xích Qua tiêu hải chiến” (赤瓜礁海战, tức “Hải chiến đá Gạc Ma”), “Nam Sa chi chiến” (南沙之战, tức “Cuộc chiến Trường Sa”) hoặc “3.14 hải chiến” (“3.14海战”, tức Hải chiến 14 tháng 3).

Tuy nhiên, đây rõ ràng là một thủ đoạn tuyên truyền lấp liếm sự thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh; cố tình làm sai lệch tính chất của sự kiện hải quân Trung Quốc chiếm đoạt đảo đá của Việt Nam bằng vũ lực, về bản chất là một hành động xâm lược có chủ ý. Điều này thể hiện rõ ràng ở những điểm sau:

Mỹ: Trung Quốc chủ động xâm lược, không phải sự kiện phát sinh

Theo tài liệu giải mật của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), Trung Quốc đã chủ ý cướp đoạt các đảo ở quần đảo Trường Sa bằng vũ lực.

Bắc Kinh đã chủ động lựa chọn thời điểm dư luận thế giới đang tập trung vào giải pháp chính trị ở Campuchia; Liên Xô thì đang sa lầy ở Apganistan nên không muốn đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Trước khi ra tay hành động, một phái đoàn ngoại giao Bắc Kinh đã đến các nước có liên quan đến biển Đông khẳng định “lập trường hòa bình” và tuyên bố Trung Quốc chỉ tranh chấp chủ quyền Trường Sa với Việt Nam, chứ không hề có tranh chấp đảo, đá với các nước khác!

Thực tế, Trung Quốc rắp tâm cướp đoạt Trường Sa nên đã điều số lượng lớn các tàu chiến cực mạnh, trang bị nhiều vũ khí hạng nặng, nhằm mục đích đánh chìm các tàu vân tải của Việt Nam.

Rõ ràng đây là âm mưu đã định, được sự chuẩn bị kỹ càng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, thể hiện âm mưu chiếm đoạt lãnh thổ của Việt Nam bằng biện pháp quân sự, do đó, cần phải gọi cuộc chiến này đúng với tính chất của nó là “một cuộc chiến tranh xâm lược!”.

Tàu chiến chủ động bắn tàu vận tải: Không thể gọi là hải chiến

Vào thời điểm đó, Trung Quốc có 03 tàu hộ vệ mang tên lửa, 02 tàu vận tải trang bị pháo 100 mm. 03 tàu hộ vệ tên lửa là tàu 502 Nam Sung (lớp Giang Nam/Type 065); 556 Tương Đàm (lớp Giang Hộ II/053H1); 531 Ưng Đàm (lớp Giang Đông/053K).

Trong đó, tàu hộ vệ tên lửa 556 được trang bị 6 tên lửa chống hạm SY-1 tầm bắn 150km, 2 pháo 100mm, 4 súng hai nòng 37mm, 2 hệ thống rocket chống ngầm 5 nòng Type 81 (RBU-1200) ASW RL (30 quả đạn).

Tàu hộ vệ tên lửa 531 và 502 được trang bị các loại pháo 100 mm tầm bắn 22km, 2 súng phòng không 2 nòng 37mm tầm bắn 8,5 km, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm bắn 10km, 2 hệ thống rocket chống ngầm Type 62 gồm 5 ống phóng ASW RL tầm bắn 1.2 km.

Trong khi đó, chúng ta chỉ có 3 tàu vận tải và vận tải đổ bộ, không có pháo hạm, trên tàu đều chỉ mang lương thực, xi măng cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn, chỉ có một số loại vũ khí cá nhân ít ỏi như tiểu liên AK, súng chống tăng B-40, B-41…

Sau này, Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm và 266 viên đạn pháo 37mm, chưa kể các cỡ đạn khác. Phía Việt Nam chỉ có tàu vận tải nên không có pháo hạm, chỉ có thể bắn trả bằng các loại vũ khí cá nhân như AK-47 và RPG-7.

Bắn người không vũ khí, ngăn cứu người bị thương: Tự vệ hay tàn bạo?

Sự tàn ác của quân xâm lược trong trận đánh chiếm đá Gạc Ma đã thể hiện đến mức độ tột đỉnh của nó.

Khi không cướp được cờ trong “Vòng tròn bất tử” của những người lính công binh Việt Nam trên đá Gạc Ma, Trung Quốc đã rút quân lên tàu rồi nã pháo, súng máy vào những người lính tay không trên đảo.

Sau đó, lính Trung Quốc còn bắn cả những thủy thủ của ta đang bơi ở trên biển, lại còn ngăn chặn những tàu của ta mang cờ Chữ Thập Đỏ đến cứu những người đang bị thương trên biển.

Sau khi tưởng rằng đã bắn chết hết chiến sĩ của ta, chúng còn nhảy múa ăn mừng, thể hiện sự dã man, tàn bạo vô cùng.

Trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma kết thúc, phía Trung Quốc chỉ có một người bị thương vì đạn cá nhân của ta, nhưng họ làm phim giáo dục con cháu về trận chiến xâm lược dã man này với luận điệu đổi trắng thay đen rằng, tàu chiến của Trung Quốc chỉ nổ súng để “tự vệ trước hành động khiêu khích” của các tàu vận tải Việt Nam !!!?

Nêu đúng tính chất của một cuộc “Chiến tranh xâm lược”

Rõ ràng, sự chuẩn bị về lực lượng, sự áp đảo về số lượng và chất lượng tàu  chiến và sự chủ động tấn công của Trung Quốc nhằm chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma không thể được gọi là “Hải chiến” mà phải gọi đúng tính chất của nó là hành động xâm lược bẩn thỉu và dã man, thể hiện đúng bản chất tàn bạo của quân xâm lược phương Bắc từ ngàn năm nay.

Còn hành động dùng tay không đánh giặc, giữ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo của các chiến sĩ công binh trong chiến dịch CQ-88 cần phải được gọi đúng với tính chất của nó là hành động anh hùng, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, chống quân xâm lược Trung Quốc!

Cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979 và trên biển năm 1988 của Trung Quốc đối với Việt Nam đã lùi xa. Nhưng nó sẽ là một dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong ký ức và lương tri của loài người, của những ai đang phấn đấu cho công bằng và công lý.

Có thể khẳng định rằng, sự thật lịch sử chính là cuộc đối thoại nghiêm khắc giữa quá khứ với hiện tại, để định hình con đường đi tới tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều câu hỏi khó của ngày hôm nay và tương lai có thể tìm được câu trả lời từ những bài học lịch sử xương máu đã qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới