Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation – CNOOC) là một công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc. CNOOC chuyên tìm kiếm và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài khơi Trung Quốc. Hiện Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện đại diện Quốc vụ viện nắm quyền và nghĩa vụ cổ đông của CNOOC.
Khái quát về CNOOC
CNOOC được thành lập vào năm 1982 và có trụ sở tại Bắc Kinh. Sau hơn 30 năm cải cách và phát triển, CNOOC đã phát triển thành một công ty năng lượng quốc tế nổi bật, có cac hoạt động khai thác dầu khí tại hơn 40 quốc gia và khu vực. CNOOC hoạt động kinh doanh trong 6 lĩnh vực gồm thăm dò và phát triển dầu và khí đốt; các dịch vụ kĩ thuật, logistic, sản xuất chất hóa học và phân bón, sản xuất điện và khí thiên nhiên, các dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Hiện CNOOC đứng thứ 63 trong 500 công ty hàng đầu thế giới do của tạp chí Fortune bình chọn năm 2019, đứng thứ 32 trong 50 công ty dầu khí hàng đầu thế giới do tạp chí Tuần báo tình báo dầu khí bình chọn năm 2018. Bên cạnh đó, CNOOC là công ty lớn thứ 3 trong “bộ ba” các công ty dầu khí Trung Quốc, chuyên sâu về hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí thượng nguồn ngoài khơi, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC chuyên về các hoạt động dầu khí trên bờ, còn Tập đoàn Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec chịu trách nhiệm về mảng lọc dầu và tiếp thị.
CNOOC hiện khai thác dầu ngoài khơi không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Indonesia, Australia, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil. Hoạt động thăm dò và khai thác của CNOOC chủ yếu do công ty con CNOOC Limited thực hiện. CNOOC Limited được niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và sàn New York với các khu vực hoạt động nội địa chủ yếu của CNOOC Limited là vịnh Bột Hải, Biển Đông và biển Hoa Đông, độc lập hoặc hợp tác với các công ty nước ngoài theo hợp đồng phân chia sản lượng (PSCs). Công ty này còn có khá nhiều các tài sản dầu khí và nắm giữ cổ phần tại nhiều dự án ở châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Đại Dương. Đơn vị này hiện là nhà sản xuất dầu khí thống trị ngoài khơi Trung Quốc và cũng là một trong số những công ty lớn nhất độc lập về thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới, với tổng sản lượng dầu khí đạt 1,127,967 thùng/ngày.
Trong năm 2020, CNOOC đặt mục tiêu sản lượng khai thác ròng đạt từ 520 đến 530 triệu thùng dầu; sản lượng trong nước và nước ngoài lần lượt chiếm tỷ lệ 64% và 36%. Ngoài ra, CNOOC cũng dự kiến sản lượng ròng của năm 2021 và 2022 lần lượt là khoảng 555 và 590 triệu boe. Tổng chi phí vốn của CNOOC cho năm 2020 được duyệt với ngân sách từ 85 đến 95 tỷ nhân dân tệ (12,34 đến 13,79 tỷ USD), trong đó các chi phí thăm dò, phát triển, khai thác và các khoản khác lần lượt chiếm khoảng 20%, 58%, 20% và 2%. Năm 2020, CNOOC cũng có kế hoạch khoan 227 giếng thăm dò và thu nổ khoảng 27 nghìn km2 dữ liệu địa chấn 3D.
Trang bị hiện đại của CNOOC
Chính phủ Trung Quốc đã trang bị cho CNOOC các phương tiện, kỹ thuật rất hiện đại, có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.
Giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng cho điều này. Được bàn giao cho CNOOC vào năm 2011 sau hơn 3 năm thi công, với tổng kinh phí gần một tỷ USD, Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan bán chìm thuộc thế hệ thứ sáu, dài 114 m, rộng 89 m, cao 117 m và nặng 31.000 tấn, với kích cỡ tương đương với một sân bóng đá và có cả bãi đỗ cho trực thăng. Giàn khoan này gây ấn tượng với khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Giàn khoan Hải Dương 981 được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương.
Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương-982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5 mét, chiều rộng 70,5 mét, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm.
Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại nửa nổi nửa chìm lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng. Giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240 m. Theo hãng sản xuất CIMC Raffles, Lam Kình 1 có thể hoạt động ở mọi vùng biển sâu trên thế giới. Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. CCTV cho biết giàn khoan Lam Kình 1 có giá thành 700 triệu USD, hiệu suất tăng ít nhất 30% và tiết kiệm 10% nhiên liệu tiêu hao so với thế hệ giàn khoan trước. Theo South China Morning Post, giàn khoan Lam Kình 1 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển”.
Giàn khoan Nam Hải số 9 được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc năm 1988. Hiện tại, chủ sở hữu “Nam Hải số 9” là Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Nam Hải 09 là giàn khoan bán chìm dài 100 m, rộng 78 m. Giàn khoan này nặng 21.741 tấn, có khả năng hoạt động ở những vùng biển sâu 1.500 m. Khả năng khoan tối đa của nó là 7.600 m. Giàn khoan ngập 9 m khi di chuyển nhưng ngập sâu 25 m khi khai thác dầu. Nam Hải số 9 không thể tự di chuyển. Các đội tàu kéo sẽ đưa nó tới vị trí đã định. Theo thiết kế, giàn khoan Nam Hải 09 vận hành tốt trong điều kiện sức gió 110 km/h và hải lưu 4 km/h. Khả năng chống chọi tối đa của giàn khoan này là sức gió 190 km/h với hải lưu 4,8 km/h.
CNOOC triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Trong những năm qua, CNOOC cũng đã nhiều lần tìm cách mời thầu, đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép ở Biển Đông, cụ thể:
Ngày 23/6/2012, CNOOC công bố mời thầu quốc tế với 09 lô dầu khí tại Biển Đông. Điều đáng nói là tất cả các lô này đều nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí. Đến tháng 8/2012, trên trang web của Tập đoàn này lại đăng tải thông tin về việc mời thầu 26 lô tại các khu vực gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông và chủ yếu là ở Biển Đông (22 lô). Lô số 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km, rất gần lô 65/24 trước đây từng được Trung Quốc mời thầu và bị Việt Nam cực lực phản đối.
Tháng 10/2013, CNOOC loan báo đấu thầu mời các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò khai thác tại 25 lô dầu khí trong đó có 17 lô ở Biển Đông, các lô còn lại bao gồm 3 lô ở Biển Hoa Đông, cùng 5 lô ở Hoàng Hải và biển Bột Hải. Tổng cộng 25 lô dầu khí này trải dài trên khu vực rộng hơn 102.000 km2. Thông cáo nói các công ty ngoại quốc có thể tiếp cận dữ liệu liên quan đến các lô vừa kể từ sau khi đăng ký các dự án cho tới cuối năm 2013.
Tháng 11/2014, CNOOC ngang nhiên mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc tổ chức đấu thầu quyền thăm dò – khai thác dầu khí cả ở biển Hoa Đông lẫn biển Đông. Diện tích của 33 lô dầu khí (trong đó có 25 lô nằm trong Biển Đông) được đưa ra đấu thầu lên tới 126,000 km2. Đáng chú ý, ngày 2/5/2014, Giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm lực lượng tàu bảo vệ đã cho thấy tham vọng độc chiếm của CNOOC nói riêng và Trung Quốc nói chung tại Biển Đông. Sau Giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc tiếp tục huy động một lượng nhân công lớn để đóng thêm một giàn khoan mới mang tên Hải Dương 982. Giàn khoan này về cơ bản khá giống giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nó sẽ được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại hơn và có khả năng chống đỡ những cơn bão “siêu mạnh” trên Biển Đông.
Tháng 2/2016, CNOOC lại ra thông báo mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Ngày 26/6/2019, CNOOC tiếp tục mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam.
Ý đồ của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc thông qua CNOOC để triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc liên tục thông qua CNOOC đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm.
Thứ tư, thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực.
Thứ năm, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân sự; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối CNOOC mời thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo đó, phía Việt Nam khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC).
Hội dầu khí Việt Nam ra tuyên bố cho biết Thông báo mời thầu của CNOOC đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế; Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng như các công ty dầu khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.
Hội Luật gia Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành động của CNOOC; khẳng định Hội Luật gia Việt Nam hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/6/2012; đồng thời cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các Điều 58, Điều 76, Điều 77…) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN ký năm 2002, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011. Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.