Ông Peter Zhang, nhà nghiên cứu về kinh tế chính trị Trung Quốc, cho rằng WHO quan tâm nhiều đến giới lãnh đạo Bắc Kinh, chứ không phải người dân thế giới.
Ông Peter cho hay, bị cư dân mạng Trung Quốc gắn cho biệt danh “Tổ chức Vũ Hán”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã khiến nhiều người trong thời gian qua đặt câu hỏi về tính ‘chính trị hóa’ của tổ chức này, do “nỗ lực ’trơ trẽn’ của họ nhằm làm hài lòng giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục che dấu virus Vũ Hán”.
WHO được cho là đã có tiếng xấu về thất bại thảm hại trong việc đối phó với các dịch bệnh chết người trong những năm qua. Chẳng hạn như trong năm 2015, dưới sự lãnh đạo của bà Trần Phùng Phú Chân (Margaret Chan) do Bắc Kinh hậu thuẫn, WHO đã phải thừa nhận rằng họ đã “chuẩn bị không cẩn thận” khi đối phó với dịch Ebola.
Liệt kê 8 bài học mà họ rút ra được từ cuộc khủng hoảng, bao gồm việc “truyền đạt rõ ràng hơn những gì cần thiết’’, WHO sau đó đã đề xuất 9 biện pháp để thực hiện công việc tốt hơn trong trường hợp bùng phát dịch bệnh trong tương lai, như thiết lập ‘Lực lượng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu’ (GHEW), với một quỹ dự phòng.
Những tính toán của Bắc Kinh
Theo ông Peter, thất bại lần này của WHO tất cả không chỉ là sự bất tài của tổ chức này, mà còn bao gồm cả nỗ lực tinh vi của họ, để trợ giúp những toan tính của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán.
Ông Peter cho rằng vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh, WHO đã do dự trong nhiều ngày trước khi đặt tên cho loại virus Vũ Hán này là ‘COVID-19’.
Phản ứng chậm chạp của WHO để cảnh báo phần còn lại của thế giới về căn bệnh gây tử vong này, đã dẫn đến sự phản đối công khai chống lại ông Ghebreyesus, người đứng đầu WHO. Trong vài ngày, hơn 456.000 người đã kiến nghị trên trang www.change.org, yêu cầu ông Tedros từ chức.
Theo trang web của WHO, Trung Quốc đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng 20 nước, đóng góp hàng đầu cho WHO, kém xa Mỹ, nhà tài trợ dẫn đầu, ngay cả sau khi chính quyền Trump đề xuất cắt giảm 65 triệu USD tài trợ cho WHO. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Bắc Kinh tại WHO có thể nhận thấy trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Một trong những hành động đáng lo ngại của WHO là quản lý gian dối thông tin trên trang web của mình về virus Vũ Hán. Chẳng hạn, trên trang web của WHO ban đầu được nêu bằng tiếng Anh với nhận định: “Các biện pháp sau đây KHÔNG hiệu quả đối với COVID-2019, và có thể gây hại: Hút thuốc. Dùng thảo dược truyền thống. Đeo khẩu trang nhiều lớp. Dùng thuốc tự điều trị như kháng sinh”.
“Việc thao túng thông tin che dấu sau đó của họ hoặc có thể là thông tin sai lệch về đại dịch, là không phù hợp, phi đạo đức và vô trách nhiệm, đặc biệt đối với các bệnh nhân bị ảnh hưởng và các chuyên gia y tế dũng cảm trên tuyến đầu trên thế giới”, ông Peter chỉ trích.
Theo ông Peter, khi Trợ lý Tổng Giám đốc của WHO, bác sĩ Bruce Aylward, công bố rằng việc xử lý virus Vũ Hán của Trung Quốc có thể được nhân rộng, ông ấy chắc chắn đã lờ đi, nếu không nói là ủng hộ, hệ thống của một xã hội toàn trị, trong đó luật pháp, nhân quyền, sự minh bạch, và tự do báo chí, đều không có.
Ông Peter cho hay khi bác sĩ Aylward nói với báo chí: “Nếu tôi bị nhiễm COVID-19, tôi muốn được điều trị ở Trung Quốc”, cư dân mạng Trung Quốc ngay lập tức đặt câu hỏi về sự ngu ngốc và thiếu hiểu biết của ông này về thực tế khủng khiếp tại các cơ sở cách ly của Trung Quốc. Một cư dân mạng thậm chí còn chế giễu rằng, nên có một lời mời cho người Canada ngây thơ này, trở thành cư dân Vũ Hán ngay lập tức.
Sự thật là virus Vũ Hán đã được các bác sĩ Trung Quốc phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, việc tiết lộ công khai đã bị Bắc Kinh trì hoãn cho đến tận ngày 23/1/2020.
Điều này bao gồm các thông tin của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đã tố giác về virus Vũ Hán và sau đó đã bị chết do virus này. Sự kiểm soát thông tin như vậy có thể hạn chế tin tức liên quan đến virus và các biện pháp phòng ngừa.
“Việc WHO, các phương tiện truyền thông toàn cầu và chính phủ trên thế giới sử dụng mà không có dữ liệu bình luận và thống kê từ Bắc Kinh, là vô trách nhiệm trong bối cảnh Bắc Kinh có tiếng xấu về việc làm sai lệch số liệu trong dịch SARS [trước đây], và một lần nữa trong đợt bùng phát virus Vũ Hán này”, ông Peter nhận định.
Tuy nhiên theo ông Peter, các phương tiện truyền thông, chính phủ phương Tây và WHO dường như đã tin tưởng vào số liệu do Bắc Kinh đưa ra khi trích dẫn nó mà không đặt câu hỏi.
Ông Peter cho rằng “Tổ chức quốc tế này dường như tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thay vì sức khỏe của 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng như 23,7 triệu người ở Đài Loan”.
Thành công của Đài Loan
Trong những năm qua, việc hòa lẫn chính trị với sức khỏe cộng đồng, không phải là điều bất thường đối với WHO.
Bất chấp những nỗ lực nghiêm túc của nhiều quốc gia thành viên, Đài Loan đã không được cấp một vị trí tại WHO. Sự từ chối này ngăn cản Đài Loan tiếp cận với dữ liệu và tài nguyên tại WHO. Sự cố này đặc biệt nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng SARS năm 2003, và hiện tại là với sự bùng phát virus Vũ Hán.
Ông Peter lưu ý rằng để thuyết phục Đài Loan chấp nhận ‘’Một quốc gia, hai chế độ”, tuyên truyền của Bắc Kinh thậm chí mô tả người Đài Loan là “những người đồng bào ruột thịt”, còn khi họ gặp khủng hoảng về sức khỏe như SARS và virus Vũ Hán hoặc khi Đài Loan cố gắng đạt được tư cách thành viên WHO, thì sự ràng buộc ruột thịt như vậy là không nơi nào được nhìn thấy.
Tiến sĩ Trần Kiến Nhân (Chen Chiến-jen), một nhà dịch tễ học được đào tạo tại Đại học Johns Hopkins, và là Phó tổng thống Đài Loan, cho hay Đài Loan đã có được thông tin liên quan đến SARS trong năm 2003 từ Mỹ, vì Bắc Kinh đã từ chối cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào.
Theo tờ ‘Foreign Policy’, “Có khoảng 60.000 chuyến bay chở 10 triệu hành khách giữa Đài Loan và Trung Quốc mỗi năm. Đài Loan có mối quan tâm sâu sắc trong việc bảo vệ sức khỏe của chính họ và thế giới trước mối đe dọa sức khỏe mới nhất này. Tuy nhiên, Đài Loan đã bị loại khỏi các cuộc họp khẩn cấp của WHO về cuộc khủng hoảng virus corona mới”.
Do những hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với WHO và các tổ chức quốc tế khác, đã không được chú ý, hôm 14/5/2019, hai nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Liên Hợp Quốc, nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế.
Báo cáo này nêu rõ: “Trung Quốc đang ngày càng sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và thể chế của mình, để thay đổi hệ thống quản trị toàn cầu, từ bên trong các tổ chức quốc tế, do đó đã trở thành một đấu trường cho sự cạnh tranh về ý thức hệ, trong đó mục tiêu của Bắc Kinh là làm cho sự cai trị độc đoán, có vẻ hợp pháp như là một chính phủ dân chủ”.
Là một chế độ dân chủ độc lập, Đài Loan, với dân số 23,7 triệu người, nằm cách Trung Quốc đại lục khoảng 130km. Việc Bắc Kinh ngăn chặn nỗ lực của Đài Loan để trở thành thành viên của WHO trong vụ dịch SARS, đã dạy cho quốc đảo này xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng, để đáp ứng được cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Đồng thời, Đài Loan đã quyết định từ chối sự ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách ủng hộ bà Thái Anh Văn tái đắc cử Tổng thống. Điều này thể hiện ý chí mạnh mẽ của công chúng trong việc duy trì quyền tự trị trước Trung Quốc đại lục, từ đó từ chối ứng cử viên do Bắc Kinh hậu thuẫn, cũng như đề xuất của chính quyền Trung Quốc về “Một quốc gia, hai chế độ”.
Với hơn 850.000 người Đài Loan sống ở Trung Quốc đại lục, và 400.000 người khác làm việc ở đó, chỉ riêng năm ngoái, Đài Loan đã tiếp nhận khoảng 2,7 triệu du khách Trung Quốc đại lục, khiến hòn đảo này có lẽ là nơi dễ bị tổn thương nhất vì sự bùng phát virus Vũ Hán.
Theo quan sát của nhiều chuyên gia y tế, biện pháp quan trọng nhất là việc chính phủ Đài Loan đã đưa ra một quyết định nhanh chóng, áp đặt lệnh cấm du lịch với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, trước khi dịch bệnh có thể lan rộng.
Hậu quả của những nước theo đuổi lợi ích với Trung Quốc
Ngược lại, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran đã chậm trễ, hoặc từ chối đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc, nên đã phải chịu hậu quả nặng nề trong đợt bùng phát virus Vũ Hán này.
“Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà virus Vũ Hán dường như lan truyền mạnh tại những nước theo đuổi lợi ích địa chính trị với Trung Quốc như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ý’’, ông Peter nhận xét.
Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản có được một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao tương tự như Đài Loan, cả 2 nước này, không giống như Đài Loan, đã háo hức tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi hơn với quốc gia này.
Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc và Nhật Bản đang hợp tác với Bắc Kinh, khiến họ trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào Trung Quốc. Nhìn thấy mối quan hệ ngày càng tăng với Trung Quốc, nhiều người Hàn Quốc hiện đang yêu cầu luận tội Tổng thống Moon Jae-in về lập trường thân Bắc Kinh của ông Moon. Họ gọi ông Moon là “Chủ tịch Trung Quốc Moon”.
Theo ông Peter, Ý là quốc gia G7 đầu tiên (và duy nhất) tham gia ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh, và có biên giới rộng mở với mọi người từ Trung Quốc, ngay cả sau khi virus Vũ Hán xuất hiện ở châu Âu.
Theo một bài báo được đăng trên tờ ‘The Guardian’ cách đây 9 năm, chỉ riêng ở thành phố Prato thuộc tỉnh Tuscany của Ý, số lượng cư dân Trung Quốc ở đây đã lên tới hơn 50.000 người, chiếm hơn 30% dân số thành phố; 32% trẻ em sinh ra trong bệnh viện trọng yếu nhất của thành phố Prado có mẹ là người Trung Quốc.
Ngày nay, Ý đang phải đối mặt với một cộng đồng di dân Trung Quốc, ngày càng phát triển, ủng hộ lập trường thân Bắc Kinh.
Điều chắc chắn không may là Trung Quốc đã mang đến cho Ý một loại virus chết người, trước khi có được lợi ích kinh tế hứa hẹn từ dự án ‘Một vành đai Một con đường’ (BRI) của Bắc Kinh. Quyết định gần đây của Ý về việc cách ly toàn quốc đến hơi muộn, theo các nhà phê bình.
Còn đối với Iran, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế và chính sách đối ngoại của Iran.
Iran ủng hộ, đứng về phía Trung Quốc hầu như trên tất cả các vấn đề tại Liên Hợp Quốc, và hiện đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 trong đó một số nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran đã trở thành nạn nhân của virus Vũ Hán
“Thật đáng buồn khi các nền văn minh cổ xưa vĩ đại như Iran và Trung Quốc ngày nay bị thống trị bởi các chế độ độc tài vô luật pháp, quan tâm nhiều đến việc họ nắm giữ quyền lực hơn là phúc lợi của người dân”, ông Peter nhận xét.
Theo ông Peter, từ bao đời nay, luôn có người tin rằng “Gieo nhân nào gặp quả nấy”. Nhìn nhận lại, việc từ chối tư cách thành viên Đài Loan của WHO có thể là ‘trong cái rủi có cái may’ vì Đài Loan đã nhanh chóng tự mình đối phó lại dịch bệnh, mà không cần lời khuyên tồi của WHO, vốn dựa trên các tính toán chính trị.