Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhông chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước không công nhận “đường...

Không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước không công nhận “đường 9 đoạn” của TQ ở Biển Đông

Bất chấp Trung Quốc liên tục lồng ghép, tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, Việt Nam và nhiều nước khác đã ra các tuyên bố khẳng định không công nhận tuyên bố trên của Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế phản đối

Giới chức Việt Nam nhiều lần ra các tuyên bố khẳng định, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhiều lần đưa ra các tuyên bố tương tự, cho rằng “đường 9 đoạn” theo yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở, bất hợp pháp và phi lý. Trong báo cáo có tên gọi “Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” của Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc được thể hiện qua đường 9 đoạn là không có cơ sở, bất hợp pháp và phi lý. Các yêu sách không có cơ sở pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất cho các nước khác. Thông qua những hành động gây hấn lặp đi lặp lại nhằm khẳng định đường 9 đoạn của mình, Bắc Kinh đã ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD đồng thời khiến gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột. Bên cạnh đó, Mỹ khẳng định, tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp, qua đó tất cả các nước đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên biển; kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền, bao gồm Trung Quốc, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không chèn ép và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trươc đó, năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo dài 26 trang khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nằm gần với đường bờ biển của các nước tiếp giáp biển Đông, trong đó đoạn số 1 (theo báo cáo) chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Các đoạn 3,4,5 lần lượt cách Indonesia, Malaysia, Philippines 75, 24 và 35 hải lý. Báo cáo này cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Cụ thể, các đoạn ở tấm bản đồ mà Trung Quốc công bố năm 2009 đều gần bờ biển các nước láng giềng hơn trong tấm bản đồ năm 1947 – tấm bản đồ được cho là lần đầu tiên có “đường lưỡi bò”. Báo cáo của Mỹ đưa ra dẫn chứng ở đoạn thứ 2 nằm gần bờ biển Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý. Kết thúc báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra kết luận yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế về biển.

Sau khi công bố loạt hoạt động bất hợp pháp của các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc tại vùng biển phía Bắc đảo Natuna, Indonesia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên tới để trao công hàm phản đối chính thức. Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố Jakarta sẽ không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên Biển Đông vì nó trái với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh “các yêu sách lịch sử của Trung Quốc vốn đơn phương, không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) công nhận”. Cùng quan điểm trên, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (10/12/2019) đã không ngần ngại đánh giá rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch”.

Trước đó, vào năm 2012, mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in “đường 9 đoạn” phi lý được lưu hành và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực. Trong đó, Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc đưa hai vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền là Aksai Chin và Arunachal Pradesh vào bản đồ trong quyển hộ chiếu. Việt Nam gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời yêu cầu phía Bắc Kinh hủy bỏ những nội dung sai trái đã in trong mẫu hộ chiếu phổ thông mới. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario khi ấy chính thức gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và là vi phạm luật pháp quốc tế”. Đảo Đài Loan cũng lên tiếng phản đối tấm bản đồ “đường 9 đoạn” in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc. Đài Loan tuyên bố là một quốc gia độc lập, trong khi Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ

Trong phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ kiện giữa Cộng hoà Philippines và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Tòa đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Tòa Trọng tài cho rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines. Phán quyết còn cho rằng Trung Quốc đã cản trở các quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc không không lấp liếm được

Phía Trung Quốc lập luận rằng: “Trung Quốc là nước ký Công ước Luật Biển năm 1982; trong khi năm 1994 Công ước Luật Biển mới có hiệu lực, thì chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các đảo, đá ở Nam Hải (biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc) và vùng biển liên quan được hình thành trong hơn 2.000 năm qua bắt đầu từ đời nhà Hán. Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) trong hơn 2.000 năm qua nằm dưới sự quản hạt của Trung Quốc, đều thuộc về Trung Quốc. Do đó, Công ước không thể truy nguyên và phân định lại chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của các nước do lịch sử hình thành, đồng thời Công ước thừa nhận quyền lợi mang tính lịch sử của các nước đối với biển và đảo, đá”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cần nhớ rằng những thuật ngữ dùng để nói về yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán chỉ mới xuất hiện khi có Công ước Luật Biển năm 1982. Còn “Đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường chữ U” (U-shaped line) ở biển Đông được một người vẽ bản đồ tư nhân là Hồ Tấn Tiếp (Hu Jinjie) vẽ lần đầu tiên vào tháng 12/1914. Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản những năm 1920 và 1930 đều dựa trên bản vẽ của Hồ Tấn Tiếp về vùng biển này. Sau đó “đường 9 đoạn” được Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) một viên chức thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản Trung Hoa Dân quốc sử dụng lại vào năm 1947. Các vùng phía bên trong của đường này được coi là “vùng nước lịch sử.”

Lập luận về “đường 9 đoạn” là đường “vùng nước lịch sử” của đại diện đoàn Trung Quốc không thuyết phục được cộng đồng quốc tế, vì: (i) Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1958 không có tên “vùng nước lịch sử” hình chữ U ở biển Đông trong phần liệt kê các vùng nước lịch sử của thế giới; (ii) Công ước Luật biển năm 1982 cũng không đề cập đến “vùng nước lịch sử”. Điều 15 của Công ước chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý, càng chưa nói đến việc cách bờ vài trăm hải lý như “đường 9 đoạn”; (iii) Bản thân khái niệm “vùng nước lịch sử” hay “vùng nước lịch sử đặc biệt” cũng mâu thuẫn với các tuyên bố và luật chính thức của Trung Quốc về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (iv) “Đường 9 đoạn” là đường vẽ tùy ý, không xuất phát từ đất liền và đảo nên không thể mang lại cho quốc gia yêu sách một vùng biển phù hợp với quy định của Công ước Luật biển năm 1982 cũng như chủ quyền trên các đảo, đá, bãi cạn trong phạm vi đường đó; (v) “Đường 9 đoạn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi tự do và an ninh hàng hải, hàng không của các nước ngoài khu vực cũng như của cộng đồng quốc tế.

Từ những vấn đề trên cho thấy, Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử, phán quyết của Tòa trọng tài và sự phản đối của cộng đồng quốc tế; chấm dứt ngay các hành vi tuyên truyền sai sự thật về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông và viện dẫn những bản đồ vô giá trị để biện minh cho yêu sách “chủ quyền” phi pháp trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới