Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhà báo TQ tiết lộ việc chính quyền kiểm soát và trừng...

Nhà báo TQ tiết lộ việc chính quyền kiểm soát và trừng phạt truyền thông về dịch bệnh

Một nhà báo ở miền Trung Trung Quốc tiết lộ các biện pháp kiểm soát và trừng phạt mà ĐCSTQ áp dụng đối với các phương tiện truyền thông trong đại dịch virus Vũ Hán.

Trong đợt dịch virus Vũ Hán, truyền thông nhà nước Trung Quốc bận rộn với vai trò của cơ quan ngôn luận của ĐCS và làm mọi cách có thể để duy trì danh tiếng và sự ổn định của chế độ.

“Trong thời gian đặc biệt này, ĐCSTQ giống như một con thú nhạy cảm có thể cắn bất cứ ai nếu bị chạm vào, vì vậy mọi người đều rất thận trọng”, một nữ nhà báo yêu cầu được giấu tên làm việc ở cơ quan truyền thông chính thức ở miền Trung Trung Quốc tiết lộ với Bitter Winter.

Nữ nhà báo này nói rằng chính quyền địa phương đã đưa ra các chỉ thị đặc biệt cho các cơ quan truyền thông trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Trong số đó có lệnh cấm đưa tin trực tiếp từ các tỉnh (chỉ thông tin được chính phủ phê duyệt mới được phép công bố), để chính quyền địa phương có thể kiểm soát tình hình. Ngoài ra, nhà báo không thể viết về một số chủ đề nhất định, như nhân viên hỏa táng được điều đến Vũ Hán – tâm chấn của dịch bệnh, hoặc nữ nhân viên y tế dùng thuốc để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt để không phải thay quần áo bảo hộ.

Các phương tiện truyền thông ở một số khu vực cũng bị cấm sử dụng thuật ngữ tiếng Trung 鄂 鄂 (yuánè, nghĩa là giúp Hồ Bắc) vì nó là từ đồng âm của thuật ngữ 援 惡 (yuánè, có nghĩa là tiếp tay cho ác quỷ). Nhà báo cũng tiết lộ rằng để đảm bảo bí mật, tất cả các tài liệu và thông báo, các địa phương đều được yêu cầu sao chép bằng tay và chuyển đi bởi các “nhân viên bí mật”. Bằng cách không lưu hành các tài liệu chính thức, ĐCSTQ hy vọng sẽ tránh được sự chỉ trích và trách nhiệm về các quyết định xử lý virus Vũ Hán trong tương lai.

Chính phủ ra lệnh cho tất cả các nhà báo tuân thủ chặt chẽ các chính sách và hướng dẫn, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt họ nếu không tuân thủ.

“Nguyên tắc viết bài hiện tại là phải thể hiện sự hỗ trợ cho chính sách của chính phủ để các doanh nghiệp quay trở lại làm việc”, nguồn tin cho biết. “Ví dụ, chúng tôi phải viết những câu chuyện về các doanh nghiệp thuê máy bay hoặc xe buýt đưa nhân viên của họ đi làm và tất cả đều được kiểm tra y tế kỹ lưỡng. Trong mọi trường hợp, các phương tiện truyền thông không thể đưa tin rằng một số người trở về nhà bị sốt và nghi ngờ bị nhiễm bệnh, vì điều này trái với chính sách mà chính phủ đưa ra là mọi người nên quay lại làm việc”.

Vào ngày 23/2, tại một hội nghị trên video toàn quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu người dân quay trở lại làm việc và sản xuất một cách trật tự. Nhưng biện pháp nhằm “bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế” và chế độ chính trị này được thực hiện với cái giá là mạng sống của người dân.

“Điều này không khác gì giết người. Giống như những tin tức ban đầu rằng ‘dịch bệnh có thể phòng ngừa được’ và ‘không lây lan từ người sang người’”, nữ nhà báo nói thêm. “Các cơ quan báo chí của Trung Quốc, về bản chất là phục vụ chế độ, bạn chỉ có thể đọc bất kỳ tin tức nào mà chính phủ cho phép bạn đọc và bạn phải suy nghĩ theo cách họ cho phép bạn suy nghĩ”.

Nhà báo phàn nàn rằng các yêu cầu kiểm duyệt có thể thay đổi từng đêm, khiến các nhà báo và cơ quan truyền thông lâm vào tình huống rối ren. Cô đưa ra một ví dụ, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc – cơ quan quản lý Internet Trung ương, yêu cầu tuyên truyền rằng chính phủ đang làm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, các nhà báo phải viết về rất nhiều trạm kiểm soát được thiết lập trên đường cao tốc. Nhưng nếu ngày hôm sau chính phủ tuyên bố rằng mọi người nên quay trở lại làm việc, thì các bài báo về các trạm kiểm soát sẽ được xem là “mâu thuẫn với chính sách của chính phủ” và người viết có thể bị phạt.

Nhà báo nói thêm rằng, các quan chức chính quyền địa phương và bộ phận tuyên truyền tiếp tục cảnh báo các phương tiện truyền thông rằng họ nên cẩn thận với những gì họ viết. “Họ nói điều này là vì sự an toàn của chúng tôi: chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu các bài viết của chúng tôi không phản ánh đúng chỉ thị của chính quyền trung ương. Mọi người đều sợ hãi. Nếu một nhà báo phạm sai lầm, thì cả biên tập viên trong tòa báo sẽ phải liên tiếp viết bản kiểm điểm. Họ cũng sẽ bị chỉ trích công khai và có thể bị sa thải”.

RELATED ARTICLES

Tin mới