Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngTiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông...

Tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang bế tắc: Các bên cần tăng cường đối thoại

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh do virus nCoV gây ra đã, đang và sẽ còn tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình khu vực, điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán, thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Để thúc đẩy quá trình đàm phán, các bên cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với đó phải thực hiện tốt DOC, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Theo nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, chủ trương đối ngoại chung của Việt Nam luôn là độc lập tự chủ, làm bạn với các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Việt Nam tính đến lợi ích của mình để phát triển quan hệ với các đối tác nhưng đồng thời trên cơ sở quan hệ có đi có lại và lợi ích song trùng. Trong chính sách chung đó, Việt Nam muốn hợp tác tốt và xây dựng trong môi trường hòa bình, ổn định chung. Việt Nam cũng mong muốn ASEAN có mối quan hệ hợp tác tốt với các nước lớn, các nước khác. ASEAN cần phải dựa trên nguyên tắc là lấy lợi ích của khu vực, lợi ích của ASEAN để phát triển quan hệ với tất cả các nước đối tác.

Trong vấn đề Biển Đông, từng nước ASEAN có thể có lợi ích khác nhau, do vậy, cần có những bàn bạc giữa các nước, lấy lợi ích chung để đi tới đồng thuận. Tinh thần này thể hiện rõ nhất là trong tuyên bố 6 điểm của ASEAN năm 2012 với nội dung ASEAN mong muốn khu vực hòa bình, ổn định, bao gồm cả an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là khu vực địa chiến lược rất quan trọng và ai cũng có lợi ích. Bên cạnh đó, càng khi có tranh chấp phức tạp, thì các bên càng cần phải vừa bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); vừa tuân thủ cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đồng thời thúc đẩy đối thoại xây dựng lòng tin, không để những tình huống phức tạp xảy ra. Khi các bên cùng nhau tham vấn để xây dựng COC thì vẫn phải thực hiện tốt các điều trên cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Do đó, COC phải là công cụ tốt hơn để quản trị hành vi và rủi ro, đó mới là mong mỏi chung. Như vậy, COC phải dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, các nguyên tắc đã được đề ra trong DOC; đồng thời đúc kết từ bài học và tình hình thực hiện DOC của gần hai thập kỷ qua, để từ đó có thể quản trị tốt hơn các hành vi và những rủi ro, tránh phức tạp nảy sinh. Một COC đáp ứng được điều đó mới là một COC thực chất, hiệu quả.

Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, các bên cần nghiêm túc thực hiện một số điểm sau: Trước hết là việc không làm phức tạp tình hình và sau đó là việc xây dựng lòng tin và bảo đảm thực hiện, tuân thủ cam kết và luật pháp quốc tế. DOC có điều 5 nhấn rất mạnh về việc kiềm chế, không làm phức tạp tình hình. Phải có ổn định, lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, thì mới có thể đàm phán COC hiệu quả. Nếu bên nào có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, làm trái với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thì rõ ràng đó là câu chuyện đặt ra với hòa bình, an ninh khu vực. Vừa qua, vẫn có các hành vi xâm phạm như vậy, bao gồm cả việc xâm phạm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. ASEAN đã nêu nhiều về các nguyên tắc kể trên, trong các văn kiện, bao gồm các văn bản của ASEAN về các thành tố về COC năm 2012. Với những vấn đề này, ASEAN cần phải tiếp tục có tiếng nói. Bên cạnh đó, Biển Đông gắn với hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, với phát triển khu vực và lợi ích của các nước. Nhất trí chung là như vậy, cũng như về các nguyên tắc đối với COC, nhưng đây tiếp tục là một vấn đề khó của ASEAN và khu vực, không phải lúc nào các nước cũng chung quan điểm. Do vậy, cần phải dựa vào các nguyên tắc, lợi ích chung để bàn bạc, có tiếng nói, từ đó thể hiện được vai trò trung tâm của ASEAN. Chặng đường để có được một COC khi càng còn nhiều khó khăn, thì càng cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với kiềm chế, xây dựng lòng tin và nhất là càng cần phải thực hiện tốt DOC, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN cho biết, đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc vòng rà soát thứ nhất. Vừa qua, tại các cuộc họp tại Đà Lạt, COC đã đạt được kết quả tốt, chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ hai. Có thể nói, COC đang là một chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Hai bên đều xác định muốn đẩy nhanh tiến trình COC nhất có thể. Tuy nhiên, các ưu tiên, lợi ích và sự quan tâm của các bên còn có sự khác biệt, do vậy, cần thêm thời gian để thương lượng. Các bên đều nhận thức được tầm quan trọng của COC. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào đẩy nhanh tiến trình COC, dành thêm thời gian cho đàm phán cũng như tìm ra cách thức phù hợp để đàm phán một cách hiệu quả hơn, đạt được chất lượng cao hơn trong năm 2020. Hiện nay, Philippines, nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, chủ trì đàm phán với Trung Quốc về COC. Do đó, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines để đẩy nhanh tiến trình này trong năm 2020. Việt Nam hy vọng và sẽ nỗ lực để có thể hoàn tất vòng đàm phán thứ 2 trong năm nay.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông khu vực, quốc tế cho rằng tuy được Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy đàm phán, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được COC trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân chính là do: Thứ nhất, Trung Quốc cũng đang âm thầm cản trở COC vì: (1) Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. (2)  Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. (3) Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”. Thứ hai, nội dung dự thảo COC có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý trong việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS 1982; tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá ở Biển Đông. Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, tiêu biểu là Trung Quốc, một thành viên đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được. Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC” do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng “Khung COC với Trung Quốc” như phía Philppines thông báo.

Được biết, COC không thể là phương tiện để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay phân định ranh giới biển ở Biển Đông. Việc giải quyết các tranh chấp nói trên phải được thực hiện bằng thương lượng trực tiếp giữa các bên tranh chấp, hoặc thông qua các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền và được các bên tranh chấp thỏa thuận sử dụng. Giống như DOC, COC sẽ tiếp tục là một công cụ xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình, tối ưu trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982; các biện pháp thực hiện trong khuôn khổ COC sẽ không gây phương hại đến quá trình giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển. Mặt khác, COC cần kế thừa và phát triển các quy định của DOC, khắc phục những điểm hạn chế đã cản trở việc triển khai DOC trên thực tế nhằm  giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Với mục tiêu như trên, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung, hoặc không tiến hành những hành động không được quy định cụ thể. COC cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành ở Biển Đông vì vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, các thỏa thuận giữa các bên hữu quan liên quan đến vùng biển này hay do gây ra căng thẳng, bất ổn định trên Biển Đông. COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng khi tranh chấp, bất đồng nảy sinh, triển khai hợp tác trong những lĩnh vực nhất định, nhất là những biện pháp xây dựng lòng tin. Với cách tiếp cận như trên, COC cũng cần phải có phạm vi, đối tượng và nội dung phù hợp, có tính đến những khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh khi đàm phán DOC.

RELATED ARTICLES

Tin mới