Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ có nên ra tay chống lại cuộc “nổi dậy” của TQ...

Mỹ có nên ra tay chống lại cuộc “nổi dậy” của TQ ở Biển Đông

Tạp chí The National Interest của Mỹ cho rằng, việc quản lý Biển Đông bằng luật pháp quốc tế sẽ đứng vững hay sụp đổ phụ thuộc vào việc các tàu thuyền dân sự các nước có tự tin hoạt động ở những khu vực và theo cách thức họ muốn trong khuôn khổ các quyền lợi hợp pháp của mình được luật pháp quốc tế thừa nhận, hay không.

Theo đánh giá của tạp chí chuyên về phân tích chính trị, quân sự này, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đối với việc chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã thất bại, bởi vì Hải quân Mỹ không đạt được các mục tiêu chính trị dài hạn khi sử dụng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nhằm làm thay đổi đáng kể thái độ mang màu sắc của chủ nghĩa xét lại và hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, hay duy trì sự quản lý khu vực này bằng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thất bại đó chưa phải là kết cục cuối cùng. Mặc dù sự bành trướng mang tính đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông giờ đây đã gia tăng đáng kể so với khi Mỹ bắt đầu các chiến dịch FONOP, nhưng vẫn còn thời gian để cứu vãn tình hình trước khi các cộng đồng khu vực và quốc tế hoặc là công nhận về mặt chính trị những thành quả phi nghĩa của Trung Quốc, hoặc là đầu hàng trước quan niệm theo chủ nghĩa châu lục của nước này về chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Điều đó đòi hỏi Mỹ phải có một quan điểm mới về bản chất của mối đe dọa của Bắc Kinh tại khu vực, xem xét lại các nỗ lực hiện tại của mình nhằm nhận thức rõ hơn những tác động về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua, cũng như tương lai, từ đó áp dụng các bài học lịch sử của chính nước Mỹ vào việc tạo dựng các chiến lược, chiến thuật và những khái niệm tác chiến mới có thể được sử dụng để giành thế chủ động và đạt được mục tiêu hiệu quả hơn trong việc duy trì quyền tự do trên biển và nền pháp trị trên phạm vi quốc tế.

Thực tế cho thấy, chiến lược của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu của nước này ở Biển Đông gồm nhiều hướng, với nhiều mức độ xung đột và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, giống như một con bạch tuộc đang tấn công, mà ở đó nó kết hợp nhiều tuyến nỗ lực, diễn ra đồng thời để gây bối rối và áp đảo đối phương trước khi họ có thể đưa ra một phản ứng đối phó chi tiết hay tổng thể. Nhiều người đã chú ý đến những thách thức được đặt ra bởi sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc thông qua việc cải tạo các cấu trúc địa hình trên biển do họ chiếm đóng trái phép, và việc nước này mở rộng phạm vi chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực thông qua xây dựng các cơ sở không quân, hải quân và tên lửa trên các cấu trúc đảo nhân tạo mới, cũng như gia tăng sự hiện diện của lực lượng Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, về cơ bản, thành tố mang tính quyết định và trọng tâm của “trận chiến” đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay chưa phải là sử dụng sức mạnh quân sự, mà là cuộc giao tranh giữa hai hệ thống pháp lý loại trừ lẫn nhau, đó là chế độ quản lý bằng luật pháp quốc tế hiện tại và tư tưởng xét lại mang màu sắc chủ nghĩa châu lục của Trung Quốc.

Như đã biết, chế độ quản lý biển hiện hành được điều chỉnh bởi các nguyên tắc về quyền tự do trên biển, đã được hệ thống hóa trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo các văn bản pháp lý này, các khu vực đang diễn ra tranh chấp ở phía nam Biển Đông chủ yếu được phân chia thành các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei, với một phần nhỏ của vùng biển quốc tế giữa chúng chạy xuyên qua Vùng nguy hiểm. Đi ngược lại nguyên trạng hợp pháp quốc tế này là tham vọng lãnh thổ mang đậm màu sắc chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh. Với những đòi hỏi về “chủ quyền không thể chối cãi” đối với một vùng biển rộng lớn của Biển Đông nằm trong phạm vi “đường chín khúc” và những nỗ lực nhằm áp đặt luật pháp của họ đối với các tàu thuyền và máy bay đi qua khu vực rộng lớn đó, Bắc Kinh tìm cách phá bỏ nguyên tắc quyền tự do trên biển và nguyên tắc đất liền chi phối biển để áp dụng các nguyên tắc về chủ quyền trên đất liền đối với những vùng biển mà họ thèm muốn. Do đó, Trung Quốc không coi Biển Đông là một khu vực chung toàn cầu, mà coi nó là vùng “lãnh thổ xanh” của họ, một mình khẳng định chủ quyền, không hề đếm xỉa tới chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác trong khu vực.

Trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã chọn cách can dự có chọn lọc vào cơ chế được quốc tế công nhận, như phủ nhận vị thế của PCA trong việc đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đệ trình những hồ sơ pháp lý nhằm thúc đẩy lập luận của nước này trong các khuôn khổ pháp lý được công nhận nhằm thực hiện ý đồ “độc chiếm” Biển Đông. Trung Quốc là một bên tham gia UNCLOS 1982 và do đó công nhận khái niệm EEZ 200 hải lý cho chính mình, thế nhưng lại không công nhận và liên tục vi phạm EEZ của các nước láng giềng bằng việc nhấn mạnh “quyền lịch sử” đối với khu vực nằm trong “đường chín khúc” không có bằng chứng tin cậy. Về cơ bản, Trung Quốc luôn tìm cách đánh bại cơ chế pháp lý quốc tế hiện hành bằng việc ép buộc các nước khác công nhận trên thực tế thẩm quyền trái pháp luật của họ, sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển và lực lượng bán quân sự với quy mô lớn để quấy rối, hăm dọa ngư dân các quốc gia láng giềng đang tiến hành các hoạt động kinh tế ngoài biển khơi hoặc trong các EEZ của riêng họ theo đúng luật pháp quốc tế.

Phía sau những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông vừa qua đã cấu thành một cuộc “nổi dậy” nhằm làm suy yếu tính hợp pháp của cơ chế hiện hành là UNCLOS 1982 bằng cách áp đặt thẩm quyền trái pháp luật đối với các thủy thủ, phi công dân sự, cũng như ngư dân các nước láng giềng đang có tranh chấp biển với họ thông qua những lời đe dọa ngấm ngầm và công khai về việc sử dụng vũ lực. Nếu các nước để Trung Quốc tước đoạt các quyền lợi hợp pháp của họ, dù đó là những hành vi xâm phạm EEZ, hay những hạn chế đối với quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển quốc tế gần với những căn cứ mới được xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông, thì qua thời gian, Bắc Kinh sẽ hợp pháp hóa những hành động tước đoạt đó, kết quả cuối cùng là sự sụp đổ về thẩm quyền của một trật tự đúng đắn, tức luật pháp quốc tế.

Việc Chính phủ Trung Quốc coi hệ thống luật pháp quốc tế dựa trên các quy tắc là một sự áp đặt hà khắc được hình thành trước khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm một ghế trên bàn đàm phán ngoại giao quốc tế, kết hợp với những động lực của các chiến thuật mang tính cưỡng ép, buộc các nước khác phải chấp thuận theo quan điểm của Bắc Kinh về sự cai trị ở Biển Đông, đưa Trung Quốc trở thành một phe “nổi dậy” với quy mô nhà nước chống lại trật tự thế giới tự do dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong thời gian qua có vẻ như “đá ném ao bèo”. Một số nhà bình luận của tạp chí trên cho rằng, Mỹ chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do hàng hải về quân sự, chứ không phải về dân sự. Sẽ là sai lầm nếu tiếp nhận quan điểm này như một chính sách chính thức, bởi vì chế độ quản lý bằng luật pháp quốc tế sẽ đứng vững hay sụp đổ phụ thuộc vào việc các tàu thuyền dân sự địa phương có tự tin vào khả năng hoạt động hàng ngày của họ ở những vùng biển theo cách thức họ muốn trong khuôn khổ luật pháp quốc tế hay không. Chính vì các tàu thuyền và máy bay dân sự địa phương không có vũ trang, hoạt động trong các khu vực tranh chấp một cách thường xuyên hơn nhiều so với các tàu chiến của Mỹ, nên chính khả năng và sự sẵn sàng của người dân trong việc xem nhẹ hành vi quấy rối và kiềm chế phi pháp của Trung Quốc đối với hoạt động hàng hải sẽ quyết định cuộc tranh đấu giữa hai chế độ pháp lý đang đối đầu nhau.

Các nhà bình luận chỉ rõ: Không thể gọi cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, cụ thể là mô hình FONOP hiện nay, là một chiến lược hay một chiến dịch, vì nó chỉ là một loạt hành động rời rạc, định kỳ để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không quân sự của Mỹ, chứ không hề làm giảm bớt sức ép từ việc Trung Quốc làm xói mòn nền pháp trị trên biển dưới hình thức tước đoạt quyền tự do hàng hải và hàng không dân sự. Việc cử một tàu chiến tới hoạt động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh một cấu trúc địa hình bị tranh chấp trên biển mỗi quý một lần là cách để thông báo về mặt pháp lý việc Mỹ tái khẳng định quyền tự do hàng hải quân sự của mình hay không công nhận một tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp đối với một lãnh thổ cụ thể, nhưng những chuyến “quá cảnh” đó không có hiệu quả trong khuôn khổ rộng lớn hơn, vì chúng chỉ mang tính tạm thời. Quan trọng hơn, chúng không có tác động đáng kể tới hành vi của các thủy thủ và phi công dân sự các nước láng giềng Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, những người sẽ một lần nữa phải chịu sự quấy rối của Trung Quốc ngay sau khi tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Vì chính dân thường sẽ là những người quyết định chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến giữa các chế độ pháp lý, nên các chuyến FONOP của Mỹ không thực sự công kích chiến lược của Trung Quốc là đe dọa để có được quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Kết quả là, các FONOP của Mỹ được tiến hành như hiện nay thiếu sức bền bỉ, không tạo ra được mối đe dọa mang tính chiến lược nào đối với Trung Quốc.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, các sân bay của Trung Quốc được xây dựng trên các bãi đá được gia cố sẽ là những mục tiêu tương đối sơ hở trong một cuộc giao tranh toàn lực. Nhưng dù giá trị tác chiến của chúng là gì trong một tình huống bất ngờ với cường độ cao, thì trong các kịch bản chưa đến mức chiến tranh, những công trình này và những vũ khí tinh vi được bố trí trên đó vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể nhất. Trong môi trường chưa đến mức phải sử dụng vũ lực, chúng có thể đe dọa các thủy thủ và phi công dân sự không có vũ trang của các nước trong khu vực để họ không đến quá gần những vùng cốt lõi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và các trung tâm hậu cần quân sự của nước này ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chừng nào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc còn diễn ra dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh công khai, thì chừng đó mối đe dọa thực sự đối với Mỹ, các đồng minh của nước này và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc được Mỹ ủng hộ sẽ không đến từ việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên biển và mạng lưới chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực của nước này, mà đến từ cuộc “nổi dậy” trên biển, trong đó Trung Quốc tìm cách phát triển những điều kiện nhằm lật đổ hệ thống thẩm quyền hiện tại và áp đặt các quy tắc, luật lệ của riêng họ đối với bất cứ ai đi qua các vùng biển và vùng trời mà nước này thèm muốn.

Theo đó, để cạnh tranh với Bắc Kinh nhằm giành quyền kiểm soát trên thực tế và có khả năng kiểm soát hợp pháp trong tương lai, các nhà bình luận cho rằng, Washington phải tư duy và hành động như một lực lượng chống “nổi dậy” ở Biển Đông, sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chống lại cuộc “nổi dậy” của Trung Quốc thông qua việc bảo vệ sự hiện diện thường xuyên và liên tục hơn của các tàu thuyền và máy bay dân sự của các nước trong khu vực. Nếu Mỹ bảo vệ thành công các tàu thuyền đó khỏi sự can thiệp của Trung Quốc trong hoạt động của họ ở những khu vực trên Biển Đông, vốn nằm trong phạm vi của luật pháp quốc tế, và nếu Mỹ có thể hợp thức hóa thành công các hoạt động như vậy nhằm tạo ra một nguyên trạng mới, thì Trung Quốc sẽ buộc phải tôn trọng quyền tự do hàng hải dân sự và những nỗ lực của Bắc Kinh để có được chủ quyền “hợp pháp” theo kiểu trên đất liền đối với Biển Đông sẽ phải dừng lại.

Một chiến dịch chống “nổi dậy” trên biển như vậy sẽ không làm thay đổi toàn bộ cán cân quân sự ở Biển Đông, bởi vì thách thức mà các lực lượng thực hiện việc chống “nổi dậy” phải đối mặt sẽ là việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế từ lập trường yếu thế hơn về quân sự. Ban đầu, điều này dường như trái với lẽ thường, nhưng chừng nào Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng nổ súng để xua đuổi các lực lượng hộ tống của Mỹ và do đó chấp nhận nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mang tính phá hoại cao chỉ để quấy rối một nhóm tàu dân sự dưới sự bảo vệ của Mỹ, thì chừng đó sự mất cân bằng cục bộ giữa các lực lượng tinh nhuệ tham chiến nhìn chung là không gây ảnh hưởng gì.

Xem xét những phân tích, đánh giá mà The National Interest nêu ra như trên, liên hệ với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng” mà Mỹ đang thực hiện ở khu vực, có thể nhận định: Chiến lược của Mỹ thành công hay thất bại, phụ thuộc rất nhiều vào việc Mỹ và các đồng minh của họ có tiến hành chống “nổi dậy” trên Biển Đông hay không. Nếu tiến hành, đương nhiên công cuộc này sẽ đòi hỏi một tiến trình lên kế hoạch liên ngành, linh hoạt, có sự cố kết, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan; khả năng kết hợp các phương tiện kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự nhằm chuẩn bị cho các phản ứng khác nhau có thể có; và trên hết là hướng tới mục tiêu buộc Trung Quốc trở lại quỹ đạo bình thường như các nước khác, chấp nhận quyền tự do trên biển vốn đã làm lợi rất nhiều cho nước này trong 7 thập kỷ qua và tránh các hành động mang tính đe dọa đối với các nước. Công cuộc này có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, song vì sự cần thiết duy trì trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc được cả thế giới thừa nhận, xem ra nó nên được ủng hộ.

RELATED ARTICLES

Tin mới