Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaArleigh Burke: Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ...

Arleigh Burke: Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ chuyên đối phó với TQ trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, để đối phó với các mối đe dọa về an ninh hàng hải trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ thường xuyên điều tàu khu trục lớp Arleigh Burke tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Tàu khu trục hiện đại của Mỹ

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển. Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên “lá chắn thần” bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Theo đó, vào thập niên 1980, hải quân Mỹ muốn tạo ra một loại tàu chiến kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến của đối phương, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ chống máy bay, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công của Liên Xô. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ hộ tống nhóm tác chiến tàu sân bay trên những vùng đại dương cách xa căn cứ hải quân và không quân Mỹ. Với các nhu cầu đó, hải quân Mỹ năm 1985 ký hợp đồng trị giá 321,9 triệu USD với nhà máy đóng tàu Bath Iron Work để chế tạo chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này mang tên USS Arleigh Burke (DDG-51). Hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng mới tổng cộng 76 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Từ năm 1988 đến nay, đã có 66 chiếc được hoàn thành, 62 tàu trong số đó được biên chế cho các đơn vị của hải quân Mỹ. Nhà máy Ingalls Shipbuilding và Bath Iron Works đang tiếp tục đóng mới ba tàu và hoàn thiện 4 tàu để chuẩn bị bàn giao cho hải quân Mỹ.

Lớp Arleigh Burke nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, cho tới khi siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ra đời. Chúng được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW). Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm ba tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m. Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, những chiếc Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn. Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B. Khả năng chở trực thăng không xuất hiện ở Flight I và II. Phải tới Flight IIA, các tàu thuộc lớp này mới có thể mang theo hai trực thăng MH-60R Seahawk.

Về động cơ, cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h.

Về hệ thống radar, tàu được trang bị hệ thống AN/SPY-1D, là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo. Đây là thành phần chủ chốt của hệ thống chiến đấu Aegis, được máy tính điều khiển và sử dụng 4 đài thu phát radar cố định nhằm cung cấp khả năng trinh sát, theo dõi mục tiêu liên tục trong phạm vi 360 độ quanh tàu. Radar AN/SPY-1 đi vào biên chế năm 1983 với việc lắp đặt trên tàu tuần dương USS Ticonderoga. Lớp Arleigh Burke được thừa hưởng những cải tiến của dòng radar này, với việc USS Arleigh Burke là tàu chiến đầu tiên được trang bị mẫu AN/SPY-1D tối tân vào năm 1991. AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Mỗi đài radar có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, cho phép mỗi tàu Arleigh Burke quản lý tới 800 mục tiêu. Ưu điểm lớn nhất của AN/SPY-1D là đường truyền dữ liệu tới tên lửa được tích hợp thẳng vào radar, thay vì phải dùng bộ phát riêng như các biến thể trước đó.

Không những vậy, Mỹ hiện đang có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống radar. Tập đoàn Raytheon tháng 5/2017 giành được hợp đồng trị giá 327 triệu USD để sản xuất thử nghiệm radar AN/SPY-6(V), một phần trong chương trình phòng không và chống tên lửa (AMDR). Ba bộ radar AMDR sẽ được chế tạo và lắp đặt trên các tàu Arleigh Burke Flight III. Sử dụng công nghệ vật liệu gallium-nitride, AN/SPY-6(V) mạnh gấp nhiều lần hệ thống radar AN/SPY-1D. Raytheon tuyên bố radar này có khả năng phát hiện mục tiêu nhỏ hơn một nửa và ở khoảng cách gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D(V) mới nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Đáng chú ý, Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai hệ thống tên mới trên tàu. Theo đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và tập đoàn Raytheon hồi tháng 2 phóng thử biến thể Block IIA của tên lửa RIM-161 SM-3, phá hủy thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay. Đây là bước tiến mới trong chương trình phát triển hệ thống phòng không có khả năng phát hiện và tấn công tên lửa đạn đạo từ trong vũ trụ. SM-3 là tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trong không gian. Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, SM-3 Block IIA hiện được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Bên cạnh radar AN/SPY-1D, đây là thành phần quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ Aegis, cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Phiên bản SM-3 Block IIA mới nhất có tầm bắn tới 2.500 km, đạt tốc độ tới 16.200 km/h. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), định vị toàn cầu (GPS), radar bán chủ động (SARH) và hồng ngoại bước sóng dài. Tuy nhiên, Tên lửa không được trang bị đầu đạn nổ mảnh thông thường. Thay vào đó, quả đạn SM-3 lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy tên lửa đối phương bằng động năng cực lớn. Phương pháp này bảo đảm không kích nổ đầu đạn hạt nhân mục tiêu, hạn chế thiệt hại cho khu vực bên dưới. Bù lại, hệ thống dẫn đường đòi hỏi độ chính xác rất cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến nó lệch mục tiêu và trở nên vô dụng. Đây cũng là lý do khiến các vụ thử SM-3 có tỷ lệ thành công thấp. Một vấn đề khác ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ tên lửa của lớp Arleigh Burke chính là chi phí của SM-3. Để bảo đảm khả năng đánh chặn hiệu quả, tàu chiến phải phóng nhiều quả đạn cho mỗi mục tiêu MRBM và IRBM. Điều này đòi hỏi mỗi chiếc Arleigh Burke phải mang cơ số tên lửa SM-3 lên tới hàng chục quả.

Trong khi đó, tên lửa SM-3 có giá từ 9-24 triệu USD tùy phiên bản, khiến việc trang bị đại trà cho hàng chục tàu khu trục lớp Arleigh Burke là gánh nặng lớn với ngân sách quốc phòng Mỹ và Nhật Bản. Do đó, Mỹ không đủ nguồn lực để trang bị đạn SM-3 Block I cũ kỹ cho các tàu Aegis, chưa nói tới việc lắp đặt biến thể Block IIA đắt đỏ hơn nhiều. Tất cả những yếu tố này khiến Washington và Tokyo không thể tự tin về khả năng tự vệ trước tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nếu nổ ra chiến tranh.

Type 055 – tàu khu trục tối tân của Trung Quốc

Ngày 12/2/2020, Trung Quốc chính thức biên chế tàu khu trục loại 055 Nam Xương cho lực lượng Hải quân Trung Quốc (PLAN. Chiến hạm tối tân này hoàn thành các khâu thử nghiệm cuối cùng hồi năm ngoái nhưng đã tham gia hoạt động cùng hạm đội tàu chiến của Trung Quốc kể từ khi hạ thủy vào năm 2017.

NATO gọi các tàu khu trục tên lửa dẫn đường loại 055 là tàu chiến lớp Renhai và coi chúng là tuần dương hạm, chứ không phải tàu khu trục vì chúng có thể thực hiện các chức năng chỉ huy. Dù được gọi là gì, đây cũng là loại tàu chiến đồ sộ và vô cùng tân tiến. Với lượng choán nước là 13.000 tấn, dài 180 mét, tàu Nam Xương, chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu khu trục loại 055 hiện là chiến hạm “khủng” nhất ở châu Á và lớn thứ hai trên thế giới sau các tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ với trọng lượng choán nước nhỉnh hơn đôi chút, đạt 15.000 tấn.

Theo chuyên trang quân sự Jane’s, tàu Nam Xương to gấp 1,3 lần tàu khu trục chính lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ và gấp đôi kích cỡ tàu khu trục lớp Sovremenny của Nga. Tàu khu trục “khủng” của Trung Quốc có thể đạt vận tốc tối đa là 55,6 km/h. Tàu Nam Xương có thể chở theo tới 112 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, có khả năng bắn một số tên lửa nguy hiểm nhất của PLAN, gồm tên lửa chống hạm tầm xa YJ-18, tên lửa hành trình CJ-10 và tên lửa phòng không HHQ-9, vốn được đánh giá là tương đương “rồng lửa” S-300 của Nga. Thêm vào đó, tàu còn được trang bị một trực thăng chống tàu ngầm và diệt hạm mạnh, là phiên bản trực thăng chiến đấu Z-20 đã điều chỉnh để phù hợp cho các hoạt động của hải quân. Ngoài ra, tàu Nam Xương còn sử dụng phiên bản mới nhất của hệ thống radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) loại 346, hoạt động trong dải băng tần S tương tự hệ thống AEGIS của Hải quân Mỹ. Do dùng tần số thấp hơn nên radar loại 346 được đồn có thể phát hiện cả máy bay tàng hình, vốn được thiết kế tối ưu để tránh các radar tần số cao hơn trong dải băng tần X và Ku.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự lưu ý, do là chiếc đầu tiên trong loại 055 nên tàu khu trục Nam Xương còn mắc một số lỗi về thiết kế, chẳng hạn như vị trí đặt hệ thống radar chưa phù hợp làm hạn chế tầm hoạt động và việc sử dụng hợp kim nhôm trên boong phía trên tàu làm giảm khả năng chống chịu trong chiến đấu.

RELATED ARTICLES

Tin mới