Trước đây,Mỹ khá cân nhắc về thời điểm, thận trọng về mức độ khi thông tin về các cuộc tập trận trên biển Đông. Nhưng lần này, ánh sáng chói lòa của quả tên lửa tầm trung vừa phóng được Mỹ công bố công khai trên mạng xã hội của Hạm đội 7, mặc TQ và thiên hạ bàn luận.
Chiến hạm Mỹ tập trận, phóng tên lửa trên biển Đông
Với số ca nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới và số người tử vong tăng lên hằng ngày, cuộc chiến với Covid-19 sẽ làm Mỹ vướng bận, tạm rời xa biển Đông – nơi mà Mỹ, dù không có yêu sách chủ quyền như Trung Quốc, nhưng vẫn hằm hè với cường quốc mới nổi đã và đang thách thức vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ.
Vậy mà không. Sau những ngày, tháng có phần chủ quan, thiếu quyết liệt ban đầu, dù đang tập trung cho chống dịch, trong đó có việc bơm tới 2000 tỷ USD để cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, Mỹ vẫn muốn chứng tỏ rằng, việc nào ra việc ấy, covid-19 dù đang gây cho họ thật nhiều khó khăn, nhưng không thể vì thế mà họ sao nhãng việc cần thiết và chính đáng khác dựa trên pháp luật và thể hiện cam kết của họ với đồng minh.
Thực hiện điều đó, cũng với tuần tra hàng hải, vừa qua, Wasinhton đã tổ chức cuộc tập trận trên biển Đông.
Tập trận trên biển Đông – với Mỹ, việc đó không mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia chú ý đến động thái mà các cuộc tập trận trước đó Washington chưa từng làm: tàu khu trục USS Barry-DDG52 thuộc hạm đội 7 Mỹ,trong cuộc tập trận này đã phóng một tên lửa trước khi diễn tập bắn đạn thật. Đây là loại tên lửahải đối không SM-2. Thông tin cũng cho biết, tên lửa đã phá hủy thành công mục tiêu giả định.
Trước đây, Mỹ khá cân nhắc về thời điểm, thận trọng về mức độ khi thông tin về các cuộc tập trận trên biển Đông. Nhưng lần này, ánh sáng chói lòa của quả tên lửa tầm trung vừa phóng được Mỹ công bố công khai trên mạng xã hội của Hạm đội 7, mặc TQ và thiên hạ bàn luận.
Động thái có tính phô trương này nói lên điều gì ?
Mỹ vừa có một loại tên lửa mới chăng ? Không. Tên lửa Mỹ vừa bắn chỉ là loại tên lửa tầm trung, chế tạo từ lâu. Việc phóng nó như một thử nghiệm, với Mỹ, là điều không cần thiết.
Thế nhưng, giới nghiên cứu vẫn coi đây như một điều nghiêm trọng. Thí dụ, ông Tô Tử Vân – một học giả thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nhận định rằng: Washington đã làm một việc “vượt mức quy định”.
Họ thổi phồng sự việc ? Không. Cơ sở nhận định của những chuyên gia theo dõi biển Đông dày dạn kinh nghiệm này là: tên lửa không thuần túy là tên lửa. Cái chính, Mỹ muốn gửi tới TQ một thông điệp mạnh mẽ hơn trước việc TQ liên tục tổ chức các cuộc tập trận, bắn đạn thật, trong đó,năm 2019 còn thử nghiệm một tên lửa đạn đạo trên biển Đông – nơi mà họ ngang ngươc yêu sách tới 85% chủ quyền, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, cũng nhưbác bỏ của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982) trong phán quyết vụ kiện của PLP với TQ năm 2016.
Cụ thể hơn, thông điệp đó, phải chăng hàm ý rằng: nếu như Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo ở biển Đông,không loại trừ Washington có thể dùng tên lửa để đánh chặn ngay từ khi quả đạn của TQ vừa ra khỏi nòng ?