Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngLàm Kình số 2: Công cụ đắc lực để TQ khai thác...

Làm Kình số 2: Công cụ đắc lực để TQ khai thác thành công băng cháy trên biển

Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục tuyên truyền về thành tựu của Bắc Kinh khi đạt kỷ lục về tổng số băng cháy và khí khai thác được trong một tháng ở vùng biển Thần Hồ, đồng thời cho rằng thành tựu trên là do đóng góp lớn của giàn khoan Lam Kình số 2.

Theo thông tin trên, Trung Quốc đã khai thác thành công và vượt mức chỉ tiêu đề ra tại vùng biển Thần Hồ. Đợt khai thác thử nghiệm diễn ra trong một tháng, tổng sản lượng khí là 861.400 mét khối, và sản lượng khí trung bình hàng ngày là 28.700 mét khối, gấp 2,8 lần tổng sản lượng khí trong vòng 60 ngày đầu tiên.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng đột phá trên là do nước này sở hữu giàn khoan nước sâu nửa chìm Lam Kình số 2 do Công ty TNHH Công trình Hải dương Phúc Sỹ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Lam Kình số 2 là giàn khoan biển sâu loại “bán tiềm” (nửa nổi nửa chìm) lớn nhất thế giới, dài 117 mét, rộng 92,7 mét, cao 118 mét, trọng lượng 43.725 tấn và cao 37 tầng, có thể hoạt động ở 95% vùng biển trên thế giới. Giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240 m. Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. Theo truyền thông Trung Quốc, giàn khoan Lam Kình2 có giá thành 700 triệu USD, tương đương giá 2 chiếc máy bay Airbus A380. Đồng thời, hiệu suất tăng ít nhất 30% so với trước. South China Morning Post cho biết, giàn khoan Lam Kình 2 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển”.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên, vào tháng 10 năm 2019, giàn khoan Lam Kình 2 đã từng triển khai đến Biển Đông để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động trên biển. Đến ngày 17 tháng 2 năm 2020, Lam Kình 2 đã đốt cháy thành công và duy trì đến khi hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 18 tháng 3. Đây là thiết bị hàng hải cao cấp do Yên Đài sản xuất đảm nhận nhiệm vụ nặng nề là khai thác thử nghiệm băng cháy.

Ngoài Lam Kình 2, Trung Quốc hiện còn đang sở hữu một loạt giàn khoan hiện đại trên thế giới như: Giàn khoan Dầu khí Hải dương 981, là giàn khoan biển sâu kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. HD-981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m. Theo Tân Hoa xã, giàn khoan chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012, tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên Biển Đông, cách Hồng Công 320 km về phía Đông Nam, ở độ sâu 1.500 m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu đô la Mỹ) cho HD-981. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên ba năm mới hoàn tất giàn khoan HD-981

Giàn khoan Dầu khí Hải dương 982: Đây là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển”. Giàn khoan Hải Dương 982 dài 104,5 m, rộng 70,5 m, khoan sâu tối đa 9.144 m, có thể hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển sâu 1.500 m. Khu boong làm việc rộng 1.524 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan trên biển bằng cách điều chỉnh cánh quạt và động cơ đẩy. Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan này ra Biển Đông tác nghiệp, do nó được thiết kế chịu đựng mọi cơn bão khắc nghiệt ở vùng biển này.

Giàn khoan Hưng Vượng: Đây là giàn khoan bán ngầm nước sâu thứ 4 được Trung Quốc triển khai tác nghiệp tại Biển Đông. Hưng Vượng do công ty CIMC Raffles bàn giao cho Công ty Dịch vụ Dầu mỏ Trung Quốc (COSL) vào ngày 19/11/2014. Giàn khoan dài 105,5m, rộng 70,5 m, cao 37,5 m, có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 1.500 m, khoan sâu tối đa tới 7.600 m. Giàn khoan Hưng Vượng được đánh giá là hiện đại hơn Hải Dương 981 vì được trang bị hệ thống khoan tiên tiến nhất thế giới. Hệ thống định vị động lực có thể bảo đảm cho giàn khoan này hoạt động bình thường trong bão cấp 12 ở Biển Đông.

Được biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa các giàn khoan hiện đại ra tác nghiệp trái phép trên Biển Đông là nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và âm mưu, ý đồ chính trị. Đầu tiên, Trung Quốc thông qua việc triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực. Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực. Thứ ba, Trung Quốc liên tục đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm. Thứ tư, thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực. Thứ năm, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân thường; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông. Thứ sáu, Trung Quốc đang tìm mọi cách để kiểm soát 80% diện tích Biển Đông và đã sử dụng mọi nguồn lực để đạt được mục đích: sức mạnh quốc gia – ngoại giao, quân sự, bán quân sự và thương mại – để đạt được những gì họ muốn. Thứ bảy, hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông đã một lần nữa khẳng định mưu đồ giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc trong những năm gần đây.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới