Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHọc giả TQ: Yếu tố tác động diễn biến tình hình Biển...

Học giả TQ: Yếu tố tác động diễn biến tình hình Biển Đông

So với học giả khu vực và quốc tế, giới chuyên gia Trung Quốc thường có cái nhìn phiến diện về diễn biến tình hình Biển Đông, đồng thời lồng ghép, xuyên tạc và đổ lỗi cho các bên liên quan là nguyên nhân chính khiến tình hình khu vực trở nên “căng thẳng”. Cách nhìn nhận này của giới học giả Trung Quốc là trào lưu được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn trong nhiều năm trở lại đây.

Trong số học giả Trung Quốc, ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải được đánh giá là học giả hàng đầu của Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Ngô là một gương mặt quan thuộc, thường đại diện cho giới học giả Trung Quốc khi tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cách nhìn nhận, đánh giá và lối tư duy của ông Ngô Sỹ Tồn vẫn đi theo định hướng của giới chính quyền trong nước, tìm cách ngụy biện về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời vu cáo, đổ lỗi cho các bên tranh chấp khác làm “gia tăng căng thẳng” trong khu vực. Bên cạnh đó, các bài nghiên cứu của ông Ngô cũng tập trung vào vu cáo, chỉ trích sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông khiến an ninh khu vực trở nên bất ổn và rối ren.

Tuyên truyền, xuyên tạc vô lối của Trung Quốc

Ngay những ngày đầu năm 2020, ông Ngô Sỹ Tồn có bài phân tích về diễn biến tình hình Biển Đông năm 2019 và dự báo xu hướng năm 2020. Trong bài phân tích trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải cho rằng tình hình Biển Đông năm 2020 mặc dù vẫn có thể dự đoán sẽ “tương đối ổn định” và “nằm trong tầm kiểm soát”, tuy nhiên các nhân tố tiêu cực và bất ổn cũng sẽ tăng lên rõ rệt, “không thể xem nhẹ những áp lực mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong việc duy trì chủ quyền và ổn định trên Biển Đông”. Cùng với việc thúc đẩy tiến trình trao đổi xây dựng văn bản Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), quá trình xây dựng các luật lệ trong khu vực sẽ bước vào giai đoạn “cạnh tranh ảnh hưởng” và quyền dẫn dắt, những biến động mới có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trong đó có một số điểm nổi bật sau:

Các tranh chấp và bất đồng giữa Trung Quốc với các nước liên quan trực tiếp như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei vẫn “nằm trong tầm kiểm soát”, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn “tương đối ổn định”. Ở cấp độ đa phương, Trung Quốc và các nước ASEAN “tích cực” thực hiện DOC, hoàn thành trước thời thời hạn vòng thẩm duyệt đầu tiên của dự thảo đàm phán về COC và “tương đối suôn sẻ” khi tiếp tục tiến đến vòng thẩm duyệt thứ hai. Ở cấp độ song phương, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, hai nước Trung Quốc – Philippines đã phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế tham vấn giữa hai nước, “không chỉ kiểm soát hiệu quả các tranh chấp trên biển”, mà còn chính thức thành lập ban chỉ đạo liên chính phủ về hợp tác dầu khí và nhóm công tác giữa các công ty dầu khí, các tiến trình hợp tác có liên quan cũng được đẩy nhanh rõ rệt. Trung Quốc và Malaysia cũng đạt được nhất trí về việc thiết lập cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề trên biển, tạo ra một nền tảng “thể chế hóa mới để giải quyết tranh chấp thông qua con đường đối thoại và đàm phán”. Mặt khác, vấn đề Biển Đông không chỉ là tranh chấp về chủ quyền một số đảo đá quanh quần đảo Trường Sa (Trung Quốc trong văn bản gốc gọi là quần đảo Nam Sa) và quyền tài phán tại vùng biển này giữa các quốc gia ven biển có liên quan, mà nó còn trở thành “cái bẫy địa chính trị” không thể vượt qua trong cuộc đọ sức giữa các nước lớn và tiến trình thiết lập lại trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, không khó để lí giải tại sao các tranh chấp ở Biển Đông khi thì sóng yên biển lặng, khi thì biến động mạnh mẽ, các nhân tố như việc các nước lớn tìm kiếm quyền lực, nước nhỏ theo đuổi lợi ích, đọ sức quân sự hay tranh giành quyền phát ngôn đan xen lẫn nhau, khiến cho tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp.

Vu cáo Mỹ liên tục đổi mới các chính sách và “thủ đoạn” ở Biển Đông, ý đồ “lợi dụng” vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Theo ông Ngô Sỹ Tồn, Mỹ công khai tuyên bố sẽ ứng xử với các tàu đánh cá “có hợp tác với phía quân đội” và tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông giống như các tàu hải quân. Tiếp đó Mỹ tuyên bố cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho quân đội, máy bay và tàu thuyền của Philippines khi bị tấn công bằng vũ lực ở Biển Đông dựa theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines. Mỹ lần đầu tiên điều động tàu chiến đấu ven biển đóng tại Singapore thực hiện “hoạt động tự do hàng hải” nhằm vào Trung Quốc. Kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ cũng lần đầu tiên bố trí lực lượng tuần duyên tại Biển Đông để hỗ trợ lực lượng hải quân thực hiện nhiệm vụ. Mỹ còn đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống mạng lưới kiềm chế Trung Quốc có sự thúc đẩy đồng thời trên cả hai mặt trận ngoại giao và quân sự, có sự phối hợp hành động quân sự và “bán quân sự” và có sự tham gia tích cực của các nước đối tác đồng minh. Ngoài ra, Mỹ còn bắt đầu gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC thông qua “người đại diện” của nước này trong nội bộ ASEAN, đồng thời áp dụng những công cụ lập pháp trong quốc hội Mỹ để gia tăng áp lực lên các nước.

Không những vậy, ông Tồn lồng ghép xuyên tạc một số quốc gia xung quanh Biển Đông “không hề lo lắng mà tiếp tục duy trì các hoạt động đơn phương trên biển”; đồng thời đưa ra một số viện dẫn: Từ tháng 5 đến tháng 10/2019, Việt Nam đã một lần nữa “đơn phương triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực vùng biển thuộc Bãi Tư Chính” (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Bãi Vạn An) thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Nam Sa) và thực hiện khoan thăm dò dưới đáy biển gần lô “Vạn An Bắc – 21”, đổ lỗi cho Việt Nam là nguyên nhân“dẫn đến cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng và dai dẳng giữa hai nước”. Các nước có yêu sách chủ quyền khác cũng “tăng cường kiểm soát, đổi mới trang thiết bị trên các đảo đá mà mình chiếm đóng”, đồng thời triển khai các hành động “đơn phương như thăm dò khai thác dầu khí ở những vùng biển có tranh chấp, điều này tạo ra nguy cơ va chạm và xung đột trên biển”, cho rằng “Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt hơn trong việc kiểm soát những tranh chấp này”.  

Về yếu tố tác động và xu hướng tình hình Biển Đông, Ngô Sỹ Tồn tiếp tục đưa ra các quan điểm vu cáo, đổ lối cho các bên liên quan tìm cách chi phối, tác động và gây phức tạp tình hình Biển Đông; vu cáo Mỹ đã có “ý đồ cản trở tiến trình đàm phán COC thông qua việc xúi giục các quốc gia có yêu sách chủ quyền như Việt Nam nêu các vấn đề mang tính cản trở và đối phó như khai thác dầu khí tại vùng biển có tranh chấp, tính ràng buộc pháp lý của COC”;cho rằng Mỹ đã thay đổi lập trường “ủng hộ” và “thúc giục” trước đây đối với COC, mong muốn “ kìm hãm” những tiến triển trong đàm phán giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN; nhận định điều này cũng “phản ánh rằng Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn các quốc gia xây dựng một trật tự khu vực có khả năng xung đột với cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo. Việc Mỹ đưa ra biện pháp can thiệp sâu hơn vào quá trình đàm phán COC sẽ trở thành một chỉ số quan trọng để phán đoán sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai”.

Bên cạnh đó, ông Tồn cũng đổ lỗi, vu cáo cho các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông khi tăng cường hiện diện trong khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; cho rằng “hành vi của các nước liên quan như Nhật Bản, Anh, Australia và Ấn Độ cố gắng xác lập ảnh hưởng tới trật tự khu vực mới thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự trong quá trình tái cấu trúc quyền lực khu vực và xây dựng lại các quy tắc, nhằm chiếm một vị trí trong quá trình cạnh tranh địa chính trị và phân chia quyền lực tại khu vực Biển Đông trong tương lai, hành vi này mâu thuẫn với những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực trong đó có Trung Quốc nhằm khôi phục sự ổn định ở Biển Đông”.

Trước những phân tích trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cũng đưa ra một số nhận định, đánh giá về xu hướng tình hình Biển Đông; cho rằng “chịu sự ảnh hưởng của cuộc chạy đua tranh giành lợi ích giữa các quốc gia, đặc biệt là kể từ khi Mỹ từng bước thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tình hình Biển Đông rất có khả năng sẽ lại dậy sóng”. Theo đó, “hành động đơn phương của nước có yêu sách chủ quyền sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến những biến động ở Biển Đông. Các quốc gia có khả năng đơn phương thúc đẩy các chủ trương, chính sách của mình  đồng thời tiến hành thăm dò tại các lô dầu khí có triển vọng khai thác tốt, các nước này còn có khả năng sẽ triển khai hoạt động thăm dò hoặc đơn phương khai thác dầu khí tại các lô có tiềm năng về nguồn tài nguyên và có thể khai thác”. Bên cạnh đó, “đàm phán xây dựng văn bản COC có khả năng sẽ vấp phải những khó khăn khó dự đoán. Khi văn bản duy nhất bước vào vòng thẩm duyệt thứ hai, những bất đồng giữa các quốc gia có tranh chấp xung quanh các vấn đề như COC sẽ hạn chế điều gì, hạn chế ai, sẽ áp dụng với phạm vi vùng biển nào, liệu có những ràng buộc mang tính pháp lý hay không, làm thế nào để giám sát việc triển khai, hay liệu có thể thiết lập một cơ chế thực thi hay không đều sẽ lộ rõ. Đối với vấn đề khai thác dầu khí và tập trận quân sự chung ở Biển Đông của nước ngoài khu vực, các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Nga cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán dự thảo COC bằng nhiều kênh khác nhau, xuất phát từ nhu cầu về lợi ích chiến lược và kinh tế của mình”.

Không những vậy, Ngô Sỹ Tồn còn tìm cách xuyên tạc về cái gọi là “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông; cho rằng “với sự thúc đẩy của một số quốc gia, việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông có khả năng sẽ ngày càng đi xa. Việc mở rộng và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông từ lâu đã là mục tiêu chính trong chính sách Biển Đông của một số nước có yêu sách chủ quyền, trên mặt trận chính trị ngoại giao, các nước này đã lợi dụng các cơ hội và cơ chế đa phương để thổi phồng vấn đề Biển Đông, tuyên truyền thuyết mối đe dọa đến từ Trung Quốc đối với Biển Đông; trên mặt trận quân sự, dùng các phương thức như sử dụng căn cứ quân sự, mua sắm vũ khí, tập trận quân sự chung để lôi kéo và gia tăng sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông; trên mặt trận kinh tế, thông qua những sách lược như nhượng bộ lợi ích kinh tế, ràng buộc lợi ích để đổi lại sự ủng hộ của các quốc gia khác, đưa các công ty dầu khí phương Tây vào khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp”.

Đáng chú ý, học giả trên còn lồng ghép xuyên tạc về quan hệ Mỹ – Việt, cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá hòng chia rẽ quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Những nhận định này của ông Ngô Sỹ Tồn là hết sức nực cười và khoog có tình thuyết phục khi cho rằng “Mỹ muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, và Việt Nam muốn mượn Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc đồng thời củng cố, mở rộng những lợi ích đã đạt được. Kể từ khi xảy ra đối đầu giữa hai nước Trung – Việt xung quanh sự kiện Bãi Tư Chính, Mỹ đã thường xuyên lên tiếng ủng hộ Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao và dư luận, hai nước mượn cơ hội này để đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và an ninh như chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chuyến thăm của tàu hải quân và viện trợ vũ khí. Năm 2020, Việt Nam, với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể sẽ có những hành động đơn phương mới ở Biển Đông, thúc đẩy quốc tế hóa và mở rộng vấn đề Biển Đông, Mỹ có ý đồ muốn biến Việt Nam trở thành người đại diện gây rối trật tự mới đồng thời là chỗ dựa quan trọng của Mỹ trong việc triển khai lực lượng hải cảnh và quân sự, thu thập thông tin tình báo, giám sát và kiềm chế đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và có thể tạo ra những trở ngại mới  cho trật tự dựa trên luật lệ mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang xây dựng”.

Vạch trần bộ mặt

Trong năm 2019, Trung Quốc liên tục triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, là nguyên nhân chính khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và phức tạp. Hành vi của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng, đe dọa lớn đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, mà còn đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình,bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Trên thực địa, Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu  cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc “khảo sát địa chấn”. Với sơ đồ đường đi vừa vào sâu vừa trải dài, có thể nói hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bao phủ một diện rộng suốt dọc khu vực biển không thể tranh chấp của Việt Nam, bề dài xấp xỉ 363 hải lý và bề rộng xấp xỉ 73 hải lý. Ngoài thu thập các dữ liệu về dầu khí, khả năng cao nhóm tàu Trung Quốc còn khảo sát bề mặt, địa hình lồi lõm dưới đây biển, biết các luồng lạch mà tàu ngầm có thể di chuyển thuận lợi nhất. Không những vậy, Trung Quốc (9/2019) còn đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 tới hoạt động ở Biển Đông; điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển đến bãi Cỏ Mây; điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này… Trung Quốc còn sử dụng lực lượng chấp pháp và bán chấp pháp đâm va, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá mang số hiệu QNa 90569 TS khi lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa; cho tàu đâm chìm tàu cá Philippines khi di chuyển ở bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Về ngoại giao, giới chức Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tuyên bố hiếu chiến, mang tính khiêu khích ở Biển Đông; cho rằng “các đảo ở Biển Đông từ đâu đã là lãnh thổ Trung Quốc, đây là di sản của tổ tiên Trung Quốc”, nhấn mạnh Trung Quốc không nên sợ xung đột ở Biển Đông. Trung Quốc cũng liên tục “phản đối” các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải hợp pháp của các nước ở Biển Đông, chỉ trích, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh; cáo buộc “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông; đổ lỗi cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước “cửa nhà” của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc “kịch liệt phản đối” các hành động gây hấn do các nước ngoài khu vực tiến hành dưới danh nghĩa tự do hàng hải, hàng không, phản đối sự hiện diện của các nước này tại Biển Đông. Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Về quân sự, Trung Quốc đã tổ chức hàng trăm cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh (7/2019) lần đầu tập trận bắn thử 06 quả tên lửa đạn đạo đất đối hạm tầm trung DF-21D ra Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”; Trung Quốc cũng đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương… Ngoài tập trận, Trung Quốc còn triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Không những vậy, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục đơn phương ra thông báo ngừng đánh cá từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 trên Biển Đông. Vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Chính sách nhất quán của Việt Nam

Khác với Trung Quốc và một số nước trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Đối với các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, DOC, nhằm sớm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Việt Nam cũng hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc (ở quần đảo Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (ở quần đảo Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của tất cả các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa ICJ, Tòa ITLOS và các tòa trọng tài.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là thông qua các kênh ngoại giao và chính trị để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan. Đây có thể được coi là biện pháp hữu hiệu và thiết thực nhất để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, song biện pháp này đang rơi vào thế bế tắc do các bên liên quan tranh chấp đều khẳng định vấn đề chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm và không thể nhượng bộ. Vì vậy, tất cả các nước có tranh chấp cần có ý trí chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật và nhìn nhận một cách khách quan về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông để tiến hành đàm phán (song phương hoặc đa phương nếu liên quan các vấn đề đa phương) giải quyết tranh chấp. Việc sử dụng biện pháp đàm phán sẽ làm sáng tỏ những bất đồng, là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để các bên tranh chấp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề tranh chấp và cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Nếu các biện pháp chính trị, ngoại giao không giải quyết được tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc tiếp tục có các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam cũng không loại trừ khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp với các bên liên quan.

Cuối cùng, nếu các biện pháp hòa bình trên không đạt được kết quả, Việt Nam cũng không thể khoanh tay đứng nhìn nước nào đó chiếm chọn Biển Đông, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Tuy đây là biện pháp cuối cùng và nó cũng là cách mà không người Việt Nam nào mong muốn, song để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam cũng không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp vũ trang để tự vệ, chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền đã được luật pháp quốc tế và đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận và ủng hộ. Hành động của Việt Nam chỉ mang tính chất tự vệ, không nhằm mục đích sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới