Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích, bình luận về Chiến lược biến Biển Đông...

Một số phân tích, bình luận về Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh hiện nay

Trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai tổng thể nhiều biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, trong đó các bước đi chính là củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách “chủ quyền” phi pháp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông; lên án hành vi của các quốc gia khác; cải tạo phi pháp và tiến hành quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông; sử dụng vũ lực, ngoại giao, kinh tế để ngăn chặn sự hiện diện các nước…

Đầu tiên, để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn (họ thường dùng những tàu có trọng tải lớn, có công suất hút lên đến 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m), nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã biến 7 bãi đá Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven và Tư Nghĩa thành các đảo nhân tạo với chi phí hàng trăm tỷ USD. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây dựng các cảng, hải đăng, đường băng, bệnh viện, lắp đặt radar, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo… ra các đảo nhân tạo này.

Thứ hai, Trung Quốc cũng đã tiến hành tái cơ cấu lại lực lượng quân đội, cải tạo, nâng cấp căn cứ quân sự ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân; nó cũng có khu vực neo đậu cho tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Malacca và, và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Pháo binh số 2 của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2.000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, nhằm củng cố chứng cứ pháp lý để bảo vệ “chủ quyền” và thực hiện âm mưu độc chiếm ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập đã đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước về biển đảo, ban hành các quy định mới liên quan đến quản lý biển, kiện toàn hệ thống cơ quan thực thi luật biển, trong đó có nhiều quy định mang tính then chốt, được Trung Quốc áp dụng đối phó với cộng đồng quốc tế và các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và tỉnh thành trực thuộc của Trung Quốc đã đưa ra 77 Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy… liên quan chính sách hải dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Hệ thống các quy định pháp luật của Trung Quốc bao gồm một số khía cạnh chính: Luật bảo vệ chủ quyền và an ninh biển. Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản pháp luật khẳng định “chủ quyền” trên biển như: Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (9/1958); Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2/1992); Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (5/1996); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1996); Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (6/1998); Luật Bảo vệ hải đảo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (12/2009)… Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ban hành năm 1986, sửa đổi 04 lần vào các năm 2000, 2004, 2009 và 2013), trong đó đưa ra nhiều quy định về bảo vệ, khai thác thủy, hải sản. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy liên quan như Luật Bảo vệ môi trường biển sửa đổi, Điều lệ quản lý bảo vệ môi trường thăm dò khai thác dầu trên biển (12/1983); Điều lệ quản lý ngăn ngừa ô nhiễm các vùng biển từ tàu thuyền (12/1983); Điều lệ quản lý việc đổ các chất thải xuống biển (3/1985); Điều lệ quản lý phòng trị ô nhiễm do các hạng mục công trình xây dựng bờ biển tổn hại tới môi trường biển (5/1990).

Ngoài ra, các tỉnh, thành của Trung Quốc (có vị trí địa lí giáp biển) đều đưa ra các quy định, Điều lệ về quản lý sử dụng biển: Quy định quản lý nghiên cứu khoa học biển liên quan tới bên ngoài nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (6/1996); Quy định về việc đặt dây cáp và ống dẫn ngầm dưới đáy biển (2/1989); Điều lệ hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí biển với nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi (9/2001), Luật Quản lý sử dụng khu vực biển (2011), Quy chế quản lý quyền sử dụng khu vực biển và cách thức đăng ký quyền sử dụng khu vực biển (2006), Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (1/2013)…. Đáng chú ý, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam, quy định cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được phép “lên tàu kiểm tra, khám xét, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc”. Các hành vi bị coi là xâm phạm trái phép như: Dừng đỗ bất hợp pháp; tự động xuất, nhập cảnh; lên các đảo của tỉnh Hải Nam quản lý một cách bất hợp pháp; phá hoại thiết bị phòng vệ biển; xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia…

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa). Tháng 11/2012, Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân nước này. Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh từng bước nội luật hóa, tăng cường ý thức của người dân về yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý.

Thứ tư, Trung Quốc liên tục sử dụng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự để tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc liên tục sử dụng nhiều thủ đoạn ngăn chặn, thậm chí ép buộc nhiều đối tác của Việt Nam phải ngừng khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, cụ thể: Ngày 23/03/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã yêu cầu Công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) ngừng khai thác tại mỏ khí Cá Rồng Đỏ là dự án mỏ sâu của Việt Nam nằm ngoài khơi Biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Mỏ này được cho là gồm 12 cụm giếng và sẽ cung ứng 25.000 – 30.000 thùng dầu/ngày và 60 triệu m3 khí/ngày. Ngày 17/5/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố phản đối hoạt động khoan dầu của Công ty Rosneft Vietnam BV, một nhánh thuộc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft của Nga, tại mỏ Lan Đỏ, Lô 06.1 trên thềm lục địa Việt Nam. Cùng với hoạt động ngặn chặn phi pháp các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc tích cực đầu tư tài chính, nhân sự, nghiên cứu khóa học kỹ thuật để thăm dò, khai thác trộm dầu khí ở Biển Đông. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 90 – 116 hải lý. Ngoài ra, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên công khai nhiều lần mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển của Việt Nam. Các lô này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí.

Thứ năm, Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch phát triển năng lượng trên biển: i) Nâng cấp, tối ưu hóa nguồn cung năng lượng thông qua: Xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển; thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa lọc dầu, triển khai chương trình nâng cao chất lượng dầu thành phẩm. ii) Xây dựng mạng lưới vận tải năng lượng hiện đại: Quy hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển các hình thức vận chuyển năng lượng, dầu khí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân chia năng lượng; nhanh chóng xây dựng mạng lưới vận chuyển và trữ năng lượng hiện đại, hỗ trợ cho nhau, thuận tiện và đảm bảo an toàn; tối ưu hóa việc xây dựng mạng lưới điện và hệ thống truyền tải điện giữa các khu vực; nhanh chóng xây dựng đường ống dẫn dầu nhập khẩu chiến lược trên bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân phối dầu khí. iii) Xây dựng hệ thống năng lượng thông minh: Nhanh chóng thúc đẩy phát triển công nghệ hóa trong toàn bộ quy trình và toàn bộ lĩnh vực năng lượng; nâng cao khả năng tự thích ứng một cách bền vững; các ứng dụng liên quan phát triển năng lượng, quản lý, phân phối và tích trữ.

Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Trung Quốc thường sử dụng lực lượng tàu ngư chính và tuần duyên cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tầu cá của các nước. Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt. Trung Quốc cho rằng mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chý ý là lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong “đường 9 đoạn”, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác; thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không thảm khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác; Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi ngư dân các nước.

Thứ sáu, Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới