Bắc Kinh đang tuyên truyền để biến sai trái của họ về sự bùng phát của COVID-19 thành một chiến tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo nhận định của một nhà làm phim Canada gốc Hoa nói với báo Nikkei của Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Leon Lee cho biết những người bạn của ông ở Trung Quốc khá cởi mở và hiểu biết nhưng lại đang tin theo lời tuyên truyền của ĐCSTQ. Ông nói điều đó cho thấy sức mạnh tuyên truyền của Bắc Kinh đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều.
Ông Lee thuật lại lời của bạn ông: “Họ nói là ‘cần có một chế độ như Đảng Cộng sản thì mới đánh bại được virus’”. Tuy nhiên, ông Lee tin chắc rằng nếu chính quyền ĐCSTQ không bưng bít thông tin về virus Trung Cộng, thì “sẽ không cần phải đóng cửa toàn bộ thành phố.”
Ông Lee cho rằng không phải những người bạn của ông trở nên “cả tin hơn”, mà là “bộ máy tuyên truyền” của ĐCSTQ đã trở nên “tinh vi hơn”.
Những điều giả dối
Là người lớn lên tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc, ông Lee cho biết trước đây chính quyền Trung Quốc “sẽ phớt lờ các vấn đề không thuận, nhưng giờ đây họ sẽ xoay vần nó để khiến bạn tự đi đến kết luận của riêng mình” theo định hướng tuyên truyền.
Ông Lee lập luận rằng Bắc Kinh đang cố gắng biến sai lầm của họ về sự bùng phát của virus Trung Cộng để trở thành một cuộc chiến thành công do Đảng lãnh đạo.
Ông Lee nói rằng ông từng tin những lời tuyên truyền tương tự trước khi ông chuyển đến Canada vào năm 2006, ở tuổi 25. Khi đó, ông mới được xem đoạn phim về Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Ông cho biết, phản ứng đầu tiên của ông là “nổi giận với người bạn đã cho tôi xem video”. Ông luôn nghĩ vụ thảm sát chỉ là “tuyên truyền do CIA chế tạo để phỉ báng đất nước chúng tôi”. Điều này cũng tương tự với việc giới chức Trung Quốc gần đây đổ tội cho Mỹ đã đưa virus corona đến Trung Quốc.
Dần dần, qua nghiên cứu của chính mình và nghiên cứu tại Đại học British Columbia ở Canada và sau đó là Đại học Cornell ở Hoa Kỳ, ông Lee nhận ra rằng nhiều sự kiện lịch sử mà ông đã học ở Trung Quốc “là giả dối”.
Sau “trải nghiệm đau đớn” này, ông Lee nói rằng ông đã thay đổi quan điểm của mình đối với cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với cái gọi là “năm độc dược”, bao gồm: Những người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng muốn độc lập, các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động dân chủ và những người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Giờ đây, ông Lee coi họ là “những người tốt nhất ở Trung Quốc” – những người như Sun Yi, người đàn ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” do ông sản xuất được công chiếu ở Tokyo vào ngày 21/3.
Thư từ Mã Tam Gia
Bộ phim thuật lại những điều mà Sun Yi, một kỹ sư và một học viên Pháp Luân Công, phải chịu đựng trong trại lao động cưỡng bức ở Mã Tam Gia, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Phải làm việc trong tình cảnh như nô lệ và trải qua các hình thức ngược đãi khác nhau, ông Sun đã mạo hiểm viết 20 lá thư cầu cứu và giấu chúng trong những gói hàng mà ông tham gia sản xuất. Tình cờ, một người phụ nữ ở tiểu bang Oregon của Mỹ đã mua một gói hàng – một hộp trang trí Halloween – và phát hiện ra lá thư của ông Sun. Bà đã công bố lá thư và thu hút được sự chú ý của giới truyền thông cùng công chúng trên thế giới.
Trước những chỉ trích quốc tế, chính quyền ĐCSTQ đã bãi bỏ các trại cải tạo lao động vào năm 2013, nhưng các hình thức giam giữ tùy tiện khác vẫn tiếp diễn.
Sau khi được thả tự do, ông Sun một lần nữa mạo hiểm tính mạng khi thực hiện các cảnh quay về các trại cưỡng bức lao động, dưới sự chỉ đạo từ xa của ông Lee ở Canada. Kết quả là bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” đã được hoàn tất với phần lớn các cảnh quay của ông Sun và được công chiếu lần đầu tiên ở Canada vào năm 2018.
Ông Sun sau đó thoát khỏi Trung Quốc và tới Thái Lan, nhưng đã tử vong bất thường ở Jakarta, làm dấy lên nghi ngờ về sự thanh trừng của ĐCSTQ về những gì ông đã làm. Nguyên nhân cái chết được cho là suy thận, dù ông không có tiền sử nào về bệnh thận. Cơ thể của ông Sun đã bị hỏa táng mà không được khám nghiệm tử thi.
Tuyên truyền và bạo lực
Ông Lee tin rằng tuyên truyền và bạo lực là hai trụ cột giữ cho Đảng Cộng sản nắm quyền. Ông nói: “Nếu bạn bỏ đi bất kỳ trụ cột nào trong số đó, họ sẽ sụp đổ”.
Một trụ cột khác là mạng lưới giám sát ngày càng mở rộng, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và giờ đây, dịch bệnh dường như đang thúc đẩy sự lan rộng của công nghệ này.
Nhưng ông Lee lạc quan rằng nếu ngày càng có nhiều người biết được sự thật thì tuyên truyền của ĐCSTQ sẽ không còn hiệu quả, và “những người thực thi bạo lực – như binh lính và cảnh sát – sẽ không dám làm điều đó nữa”.
Nhà làm phim Leon Lee (bên phải) được trao giải thưởng Peabody cho phim tài liệu Human Harvest về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Peabody Award / Youtube).
Ông Lee phân tích: “Đối với nhiều người đang bảo vệ Trung Cộng, những gì họ thực sự làm là bảo vệ lòng tự tôn của họ. Vì bị tuyên truyền và tẩy não, họ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa Đảng Cộng sản và văn hóa cũng như nhân dân Trung Quốc”.
Hiện tại, ông Lee cảm thấy mình có bổn phận phải “nói cho mọi người biết chuyện gì đang thực sự diễn ra”. Ông nói: “Không có gì hiệu quả hơn thế. Không còn gì mà Trung Cộng sợ hơn thế”.