Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại quá trình TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực và bồi...

Nhìn lại quá trình TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực và bồi đắp, quân sự hóa bãi đá Ga Ven trong 32 năm qua

Ga Ven là rạn san hô nằm cách đảo Nam Yết 7-8,5 hải lý (13-15,7 km) về phía Tây của quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc sử dụng quân đội cưỡng chiếm từ năm 1988 đến nay.

Quá trình TQ cưỡng chiếm và cải tạo, quân sự hóa bãi đá Ga Ven

Đá Ga Ven là bãi san hô nằm trong cụm Nam Yết, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, cách đảo Nam Yết khoảng 9 hải lý về phía Tây – Tây Bắc, bị phía Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực từ tháng 2/1988. Ngay sau khi chiếm giữ, phía Trung Quốc đã dựng 2 chốt gác cao chân bằng thép cho binh lính đồn trú.

Đầu những năm 1990, Trung Quốc huy động công binh xây dựng tòa nhà bê tông 2 tầng với nhiều trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại ở điểm cao nhất bãi đá, về phía Đông Bắc bãi đá. Biên chế quân nhân đồn trú trên bãi, khoảng 1 trung đội (36 người). Từ cuối năm 2013, phía Trung Quốc huy động các tàu công trình chở người, xe máy, vật liệu xây dựng ra xây dựng trái phép, biến Ga Ven thành đảo nhân tạo có diện tích khoảng 15 ha với luồng tàu vào dài khoảng 450 m, rộng khoảng 180 m. Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên bãi Ga Ven gồm 1 tòa nhà kiên cố 8 tầng, cao gần 30 m. Tại 4 góc nhà của mỗi tầng đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc tòa nhà được bố trí 2 radar và 2 anten parabol, thiết bị có quả cầu che và một số thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị quan sát.

Trên tầng 6 của tòa nhà trung tâm có lắp radar điều khiển bắn, kính ngắm quang học. Tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng). Tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm. Ngoài ra, trên bãi còn có 2 vị trí hỏa lực ở cầu cảng và sát nhà cũ, được lắp đặt pháo 76 mm. Nhìn từ đảo Nam Yết, chúng tôi còn thấy trên bãi có tháp ra đa đối không, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G) cao khoảng 50 m, các cột điện gió và hệ thống pin năng lượng mặt trời. Đặc biệt, trên bãi còn có sân bay trực thăng ở phía Đông Nam, rộng 33 m x 33 m. Cầu cảng hướng Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 100 m, đầu phía Tây Bắc có bến nghiêng rộng khoảng 10 + 15 m và 2 cột chập tiêu ở Tây Bắc cầu cảng… Cũng giống như các bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép, đá Ga Ven hiện đang được che phủ bằng nhiều cây phi lao mang ra từ đất liền.

Ý đồ nham hiểm của TQ tại bãi Ga Ven nói riêng và các thực thế khác nói chung đều không nằm ngoài việc độc chiếm Biển Đông

Tham vọng độc chiếm Biển Đông là một chiến lược nhất quán và lâu dài của Trung Quốc. Việc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 có thể xem là bước đi đầu tiên trên thực tế của nước này trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi thò được “bàn chân sói” đầu tiên vào Biển Đông năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng, biến nơi đây thành một cứ điểm, tiền đồn quân sự lớn và xâm chiếm vùng biển này theo nhiều giai đoạn. Tiếp theo “bàn chân sói” đầu tiên, Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm đóng 7 thực thể là các đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 để bước xuống phía Nam Biển Đông.

Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được đẩy lên cao độ sau khi quốc gia này chính thức đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009, đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích vùng biển chiến lược này. Tham vọng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi nước này đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) hồi năm 2013 với diện tích đòi chủ quyền còn rộng lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên thực địa, Trung Quốc từ năm 2014 tới nay đã ráo riết tiến hành bồi đắp trái phép 7 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, Trung Quốc đã bồi đắp 3 đảo đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam ở hai quần đảo này đều là phi pháp. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới