Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì xung quanh việc Tổng thống Philipines hủy bỏ Thỏa thuận...

Thấy gì xung quanh việc Tổng thống Philipines hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự với Mỹ

Mặc dù vẫn mang danh là “đồng minh ngoài NATO” của Mỹ ở châu Á, thế nhưng ngày 11/02/2020 vừa qua, người đứng đầu quốc đảo ở Tây Thái Bình Dương, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại gây “sốc” dư luận khi ông yêu cầu giới chức chính quyền nước này hủy bỏ “Thỏa thuận Thăm viếng quân sự” (Visiting Forces Agrement – VFA) giữa Philippines với Mỹ.

Một thỏa thuận mà nội dung cơ bản là cho phép Quân đội Mỹ và Quân đội Philipines tham gia các cuộc tập trận quân sự, thực hiện các hoạt động huấn luyện chung, hỗ trợ nhân đạo trên lãnh thổ Philippines với khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ. VFA được Thượng viện Philippines phê chuẩn năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999 và đây là văn bản nối tiếp trên tinh thần của “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines” (Mutual Defense Treaty – MDT) ký kết năm 1951 giữa hai nước, đánh dấu việc Mỹ và Philippines trở thành đồng minh của nhau. Xung quanh yêu cầu bất ngờ trên, dư luận các nước trong và ngoài khu vực, nhất là dư luận tại Philippines đã đưa ra nhiều bình luận, nhận định và đánh giá khác nhau.

Trước tiên, điều mà dư luận nói đến nhiều nhất là nguyên nhân nào thúc đẩy Tổng thống Duterte hành động như vậy. Về vấn đề này, dư luận chung đều cho rằng, có cả nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.

Nguyên nhân sâu xa chính là việc Tổng thống Duterte đã và đang thực hiện chính sách từng bước “rời xa Mỹ” và “hướng về Trung Quốc” để đổi lấy các lợi ích về kinh tế, phục vụ cho chiến lược “xây dựng, xây dựng, xây dựng” mà ông đã đề ra.

Như đã biết, Trung Quốc là một cường quốc khu vực và đang trên đà thực hiện tham vọng trở thành “siêu cường” thế giới. Đây là một thực tế và Trung Quốc cũng không hề dấu giếm tham vọng này với thiên hạ. Tuy nhiên, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc cũng khiến cho nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại về các tham vọng của họ, nhất là vấn đề lãnh thổ. Trong chính sách “Hướng Nam” của mình, Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ muốn “độc quyền kiểm soát” gần như toàn bộ diện tích ở Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín khúc” phi lý. Một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc khi đến thăm Singapore năm 2016, đã trâng tráo tuyên bố rằng, “tôi xin nhắc lại, Biển Đông từ xưa đến nay là của Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng phớt lờ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) khi đưa ra các tuyên bố, cũng như thực thi các hành động “bắt nạt” ở Biển Đông, trong khi họ cũng là một thành viên đã đặt bút ký Công ước này. Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) đã ra Phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó phần thắng nghiêng về Manila, nhưng phía Trung Quốc đã ngang nhiên bác bỏ Phán quyết. Nhiều nước ASEAN rất lo ngại trước tham vọng và những hành động ngày càng lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, do tiềm lực yếu nên nhiều chính phủ trong khu vực vẫn mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc bởi sự hấp dẫn từ nguồn đầu tư của nước này là rất lớn. Chính phủ của Tổng thống Duterte là một trường hợp như vậy.

Khác hẳn với người tiền nhiệm là ông Benigno Aquino III, ngay từ lúc tham gia tranh cử Tổng thống Philippines, ông Duterte đã ngỏ ý muốn “dựa” vào Trung Quốc để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Đáng chú ý, một trong những cố vấn thân cận – người có nhiều ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của ông Duterte là bà Macapagal Arroyo, cựu Tổng thống Philippines trước đây. Bà Arroyo khi đương quyền đã từng bị phát hiện “đi đêm” với Trung Quốc trong vụ dàn xếp căng thẳng tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Vì thế, việc ông Duterte lựa chọn Trung Quốc như là “bệ đỡ chính trị” của mình trong suốt thời kỳ tại nhiệm cũng là điều dễ hiểu.

Do có động cơ “hướng về Trung Quốc”, nên khi vừa giữ chức Tổng thống, ông Duterte đã liên tục công kích Mỹ, kể cả xúc phạm cá nhân cựu Tổng thống Mỹ B.Obama. Có nhiều lý do để ông Duterte “ác cảm” với Washington, trong đó có một lý do cơ bản là bởi nhiều quan chức của chính quyền Mỹ đã lên án các hành động “vi phạm nhân quyền”, gây ra các cuộc tàn sát tại Philippines khi chính quyền của ông Duterte thực hiện chiến dịch chống ma túy ở quốc gia này.

Còn về nguyên nhân trực tiếp thì dư luận cho rằng, việc ông Duterte yêu cầu hủy bỏ VFA với Mỹ được xem như là một hành động để “trả đũa” Mỹ khi mới đây nhất, ngày 22/01/2020, Thượng nghị sỹ Ronald Bato dela Rosa – một “đồng minh” thân cận của ông Duterte đã bị Mỹ từ chối cấp visa nhập cảnh vào quốc gia này. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng người ta có thể hiểu rằng, việc từ chối cấp visa của phía Mỹ là nhằm thực thi Đạo luật Magnitsky do ông Rosa đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte, chiến dịch mà Mỹ cáo buộc là “lạm quyền và vi phạm nhân quyền”. Để “đáp trả” hành động trên từ phía Mỹ, ông Duterte đã yêu cầu hủy bỏ VFA mà hai bên đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, hành động “đáp trả” trên lại khiến dư luận dấy lên câu hỏi về lập trường “hai mặt” của chính quyền Duterte bởi vì vào tháng 6/2019, khi Trung Quốc từ chối cho phép cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nhập cảnh Hồng Kông, Người Phát ngôn Chính phủ Philippines lại tuyên bố: “Chúng tôi không thể yêu cầu điều gì. Quyền của một quốc gia về việc ngưng hay điều tra bất cứ một vị khách nào đến nước họ là thẩm quyền đặc biệt của quốc gia đó”.

Song dư luận lại nghi ngờ rằng, nhiều khả năng tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ của Philippines chỉ là “võ mồm” của ông Duterte chứ ông này không thực tâm dám làm điều đó. Người ta cho đây chỉ là “tuyên bố nhất thời” của Duterte bởi hai lý do: Thứ nhất, ông Duterte vốn nổi tiếng với nhiều phát ngôn gây “sốc”, thậm chí là ‘bạt mạng”, nhưng sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược, hoặc sau phát ngôn của ông này, Văn phòng Tổng thống Philippines lại phải nhanh chóng ra tuyên bố đính chính lại. Trên thực tế, sau tuyên bố “mạnh miệng” của ông Duterte về việc hủy bỏ VFA, thông tin mới nhất mà báo Rappler cho biết, Chính quyền Duterte đã có một “bước lùi” khi yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá lại các tác động nếu Manila hủy bỏ VFA. Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines Menardo Guevarra cho biết: “Theo hiểu biết của tôi thì Tổng thống mới chỉ đe dọa, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức hủy bỏ VFA. Đó là lý do vì sao Văn phòng Tổng thống lại yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá về tác động của việc hủy bỏ này”. Khi được phóng viên hỏi vì sao Văn phòng Tổng thống lại đột nhiên yêu cầu báo cáo đánh giá tác động trong khi tuần trước thì tuyên bố rằng, tiến trình hủy bỏ VFA đang được tiến hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời: “Chỉ có Malacnang (Phủ Tổng thống) mới có thể trả lời được về vấn đề này”. Thứ hai, việc duy trì VFA không chỉ có lợi cho Mỹ hiện diện tại Philippines để Washington thực hiện các mục tiêu chiến lược đối với khu vực, nhất là trong việc bao vây, kiềm chế Trung Quốc, mà nó còn có lợi cho chính bản thân Philippines khi phía Mỹ đã trợ giúp rất nhiều về mặt quân sự cho nước này chống lại các lực lượng phiến quân ly khai, cũng như trong các hoạt động cứu trợ thảm họa thiên tai. Dễ gì người Phi lại “nhẹ nhàng” đánh mất mối lợi như vậy.

Về lý do thứ hai này, dư luận tại Philippines đã cho rằng, ông Duterte đang để mặc cho các quyền lợi của đất nước bị xâm hại để theo đuổi chính sách “chung chăn với kẻ thù”, chạy theo và “ve vãn” Trung Quốc cho dù Bắc Kinh không dấu giếm ý đồ “độc chiếm” Biển Đông, đe dọa trực tiếp tới chủ quyền quốc gia và lợi ích của Philipppines trên khu vực Biển Đông. Những sự kiện lịch sử gần đây đã chỉ rõ: Năm 1995, Trung Quốc dùng vũ lực “cướp đoạt” bãi Vành Khăn từ tay Quân đội Philippines. Năm 2012, Trung Quốc lại sử dụng chiến thuật “cải bắp” để đẩy lùi sự hiện diện của Hải quân Philippines, giành quyền kiểm soát thực tế tại bãi cạn Scaborough. Chính quyền của Tổng thống Aquino III lúc đó đã tìm mọi cách để khai thông các chiến dịch ngoại giao, nhưng Trung Quốc đã chặn mọi cửa đàm phán. Do cạn kiệt các giải pháp, nên Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra PCA. Năm 2016, PCA phán quyết Philippines thắng kiện. Tuy nhiên, Chính quyền Duterte đã từ chối nhắc lại phán quyết trên để đổi lấy các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Mới đây, năm 2019, các tàu Trung Quốc đã xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Mây trong suốt 125 ngày, tại khu vực Scarborough 162 ngày, nhưng Manila cũng “bó tay” không làm được gì. Nhiều người Phi cho rằng, chính sách ngoại giao “thân Trung Quốc” của ông Duterte xét cho cùng chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người chứ không phản ánh đúng thái độ thực sự của người dân Philippines. Trong một cuộc thăm dò dư luận xã hội hồi đầu năm 2020 do Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore tiến hành, tỷ lệ người Philippines bi quan về Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số người dân các nước ASEAN, lên tới 78,9%.

Những tưởng cái sự “hướng về Trung Quốc” như thế thì ông Duterte phải “móc” được từ “hầu bao’ của Trung Quốc khối tiền vì Bắc Kinh luôn hứa hẹn sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD vào Philippines. Nhưng hóa ra đó chỉ là “bánh vẽ”. Nhiều học giả Philippines cho biết, cho tới chuyến thăm Manila vào cuối năm 2018 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mới chỉ có 1 trong 10 dự án xây dựng hạ tầng được Trung Quốc triển khai tại Philippines với số tiền 60 triệu USD, cho dù từ năm 2016, Trung Quốc đã hứa sẽ đổ hơn 20 tỷ USD đầu tư vào đất nước này. Xem ra, việc “ăn” được của Trung Quốc không hề dễ dàng đối với ông Duterte. Hơn ai hết, ông Duterte là người hiểu rõ điều đó nhất và với bản chất là con người thực dụng, luôn có sự tính toán tới lợi ích khi hành động. Không loại trừ khả năng ông sẽ có sự thay đổi hoặc điều chỉnh lại quyết định của mình trong khoảng thời gian 180 ngày, tính từ ngày 11/02/2020.

Tiếp theo, điều mà dư luận quan tâm nhất là việc Philippines thật sự đơn phương hủy bỏ VFA thì nó sẽ có những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh khu vực. Bởi vì: (1) Khi VFA bị hủy bỏ, Mỹ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét hủy bỏ các văn kiện song phương đã ký với Philippines, bao gồm “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” (Enhanced Defense Cooperation Agrement – EDCA) và MDT. Trong đó, MDT là hiệp ước đặc biệt quan trọng với Philippines, vì nó cho phép Mỹ giúp bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công xâm lược bằng vũ trang. Nếu như Mỹ phản ứng đúng như thế, quốc đảo “đơn thương độc mã” giữa Tây Thái Bình Dương này sẽ dựa vào ai khi bị xâm lăng? (2) Trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay, sự hiện diện của Washington tại khu vực là cần thiết bởi nhu cầu gìn giữ an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông cần phải có sự tham gia của Mỹ – một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Mỹ thì sự “cân bằng” quyền lực tại Biển Đông sẽ bị phá vỡ bởi chênh lệch “cán cân” lực lượng giữa Trung Quốc và ASEAN rất lớn do Trung Quốc là một nước lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại. Chính Trung Quốc đã và đang tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi Biển Đông để hòng giành thế “thượng phong” ở đây. Vì thế, nhiều nước trong khu vực đã phát triển quan hệ với Mỹ trên nhiều lĩnh vực để “cân bằng chiến lược” trước các hành động “cả vú lấp miệng em” của Trung Quốc ở Biển Đông. Nay Philippines “làm khó” Mỹ trong việc hiện diện ở khu vực, khác gì ném thêm một “quả tạ” nữa lên “bàn cân” phía Trung Quốc, tạo điều kiện cho họ “tung hoành” ở Biển Đông.

Ở chiều bên kia, nếu VFA bị hủy bỏ thực sự thì đây cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc giành được “lợi thế” tương đối cho mình và chắc chắn Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động “càn rỡ” hơn tại Biển Đông. Đặc biệt là trước bối cảnh cuộc “so găng” Mỹ – Trung về thương mại, cộng với hậu quả của đại dịch Covid-19 tại Vũ Hán, khiến tình hình kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng tồi tệ, ai dám bảo Bắc Kinh sẽ không tìm cách hướng dư luận ra bên ngoài như cách họ thường dùng để xoa dịu những bất bình của dân chúng Trung Hoa. Đây sẽ là tín hiệu xấu cho tất cả các nước ASEAN trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mỗi nước ở Biển Đông.

Hiện nay, tuyên bố đơn phương hủy bỏ VFA của Tổng thống Duterte đang vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhân vật chính trị khác của Philippines. Thượng nghị sỹ Lacson – người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng quốc gia của Thượng viện Philippines cho rằng, “việc cấp visa cho một người nước ngoài tới Mỹ là thẩm quyền của Mỹ. Họ có thể từ chối mà không cần nêu lý do. Nhưng VFA là thỏa thuận song phương giữa Philippines và Mỹ nên cần phải xem xét cẩn thận và thông qua trao đổi ngoại giao”. Thế mới biết, Philippines còn có quá nhiều “ràng buộc” với Mỹ cả về quân sự, kinh tế, thương mại, Mỹ vẫn có uy tín cao đối với người Philippines và lòng dân nước này vẫn chưa muốn “dứt áo ra đi”. Vì thế, việc tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ có vẻ nói thì dễ nhưng làm thì không hề dễ chút nào đối với ông Duterte.

Năm 2022, ông Duterte sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình, dư luận đang đặt câu hỏi rằng, liệu người nắm giữ chức vụ Tổng thống sắp tới của Philippines có kế tục chính sách đối ngoại mà ông Duterte đang thực thi hay không. Điều này khá khó dự đoán, nhưng có thể nhìn thấy ngay rằng, kể từ chuyến thăm “phá băng” sang Trung Quốc của ông Duterte năm 2016 tới nay, đã 4 năm trôi qua, những gì mà ông Duterte kỳ vọng ở Trung Quốc vẫn chưa thấy đâu, Philippines vẫn chưa “cất cánh” lên được, nhưng Manila đã phải bỏ qua Phán quyết của PCA, “làm ngơ” trước các hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia ở Biển Đông và có khi còn mất nốt cả đảo Thị Tứ nữa thì chắc không có vị Tổng thống Philippines nào dám “học” theo ông Duterte.

RELATED ARTICLES

Tin mới