Trung Quốc đều đưa ra yêu sách chủ quyền bằng việc khẳng định mối liên hệ lịch sử đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và quyền lịch sử (vùng nước lịch sử) ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây đều là những lập luận vô căn cứ, bị Tòa Trọng tài (12/7/2016) bác bỏ.
Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nằm trên biển Hoa Đông, với 8 đảo nhỏ và bãi đá có tổng diện tích khoảng 7km2. Quần đảo này ở phía Tây Nam tỉnh Okinawa của Nhật Bản, phía Đông của Trung Quốc và phía Đông Bắc của Đài Loan (Trung Quốc). Đây được coi là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và có các tuyến giao thông đường biển quan trọng về mặt chiến lược.Trung Quốc và Nhật Bản liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku; đồng thời khẳng định lập trường cứng rắn, quyết không “lùi bước” trong các tuyên bố này. Bản chất của căng thẳng Trung – Nhật liên quan tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thời gian gần đây là do một số yếu tố: Sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, các nguyên tố đất hiếm, các tuyến đường vận chuyển, nguồn cá… và quan trọng là chủ quyền, uy tín và ảnh hưởng của mỗi nước khiến các vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là giữa các cường quốc trở nên rất khó giải quyết.
Lập luận của Trung Quốc
Phía Trung Quốc lập luận trên khía cạnh lịch sử cho rằng: Đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Dù xét từ góc độ lịch sử, địa lý hay pháp lý, đảo Điếu Ngư đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với đảo này. Việc Nhật Bản lợi dụng Chiến tranh Trung – Nhật để cướp đoạt đảo Điếu Ngư là phi pháp, vô giá trị. Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do người dân Trung Quốc khám phá từ thế kỷ thứ 15, được sát nhập Trung Quốc vào thế kỷ 16, dưới thời nhà Thanh. Năm 1720, Từ Bảo Quang, vị phó sứ Trung Quốc trong chuyến đi nhằm phong tước vương cho vua của nước Lưu Cầu (Ryukyu), đã cùng với các học giả địa phương đã biên dịch cuốn du ký Zhongshan Chuanxin lu (Trung Sơn truyền tín lục) – ghi chép về hành trình tới Trung Sơn (Chusan), trong đó xác định rõ biên giới cực Tây của vương quốc Lưu Cầu là tại đảo Kume, phía Nam của Hắc Thủy Câu. Một vị phó sứ khác là Châu Hoàng cũng xác định Hắc Thủy Câu là ranh giới vào năm 1756. Sau này, sứ thần Lý Định Nguyên có ghi chép lại về phong tục hiến tế sống một con dê hoặc lợn khi có đoàn tàu đi sứ qua vùng nước này.
Cuối thế kỷ 19, nhà cải cách Vương Đào, người từng có kinh nghiệm du hành tới châu Âu đã phản bác việc Nhật Bản sáp nhập Lưu Cầu (Ryukyu) bằng cách dẫn nguồn các tài liệu cổ Nhật Bản trong đó nói rằng Ryukyu là một quốc gia riêng biệt vào năm 1670. Ông lập luận rằng mặc dù quần đảo này là chư hầu của cả Trung Quốc và xứ Satsuma của Nhật Bản, nhưng mối quan hệ với Trung Quốc có tính chính thống hơn; việc một nước triều cống bên ngoài (tức Nhật Bản) xâm chiếm một nước triều cống bên trong Trung Quốc là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc. Trong những năm sau, các hòn đảo được cai quản như một bộ phận của Đài Loan và ngư dân Trung Quốc đã liên tục dùng khu vực này làm cơ sở hoạt động. Đài Loan đã được nhượng cho Nhật Bản năm 1895 sau chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 1. Ban đầu, trong thời gian Nhật chiếm đóng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý của tỉnh Đài Bắc. Tại Hội nghị Cairo năm 1943, ba nhà lãnh đạo là Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tổng tư lệnh Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch nhất trí một khi Thế chiến 2 kết thúc, “Nhật Bản sẽ bị tước bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã giành hoặc chiếm đóng kể từ đầu Thế chiến thứ nhất năm 1914 và tất các các lãnh thổ mà Nhật đã cướp của Trung Hoa Dân Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ sẽ được giao lại cho Trung Hoa Dân Quốc”. Trung Quốc cho rằng: Điếu Ngư/Senkaku là một phần của Đài Loan do Trung Quốc cai quản trước năm 1895, đồng nghĩa với việc khu vực này phải được trả lại cho Trung Quốc cùng với các đảo bị thôn tính khác.
Theo quan điểm của Trung Quốc, có rất ít cơ sở để Nhật Bản khẳng định rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trước đây là “vô chủ” và cần có sự phân biệt giữa “không người ở” với “vô chủ”. Có những nguồn tài liệu nói rằng có một số mộ của ngư dân Đài Loan trên đảo. Tuy lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Okinawa đã quản lý quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ năm 1945 đến năm 1972 và dùng nơi này làm căn cứ huấn luyện nhưng Chính phủ Mỹ không hề cho rằng việc chuyển giao quyền quản lý quần đảo cho Nhật Bản đồng nghĩa với việc chuyển giao chủ quyền và Mỹ khẳng định rõ rằng đây là vấn đề cần được các bên liên quan cùng giải quyết.
Mối liên hệ
So sánh việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản với tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam, có thể thấy một số điểm giống và khác nhau. Giống là việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bằng việc khẳng định mối liên hệ lịch sử đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và quyền lịch sử (vùng nước lịch sử) ở Biển Đông. Khác là, “lịch sử” trong trường hợp quần đảo Senkaku có thể được thảo luận theo quan điểm luật pháp quốc tế, còn từ “lịch sử” trong tranh chấp Biển Đông không thể thảo luận theo quan điểm đó, vì luật pháp quốc tế không công nhận sự tồn tại của vùng nước lịch sử, ngoại trừ trường hợp các bên sở hữu hợp pháp cùng thừa nhận. Điều này có nghĩa hai cách sử dụng từ “lịch sử” là khác nhau.
Một điểm khác ở Biển Đông, đặc biệt vùng nước xung quanh quần đảo Trường Sa, là mục tiêu của 6 bên tuyên bố chủ quyền. Đây là tranh chấp chủ quyền đa phương và các cuộc thảo luận đa phương đang được các bên nỗ lực hướng tới. Ở biển Hoa Đông, hầu như các tranh chấp là song phương và vấn đề lớn nhất là quần đảo Senkaku.
Quan điểm của Việt Nam
Việt Nam luôn khẳng định Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước lớn có tầm quan trọng và ảnh hưởng hàng đầu trong khu vực, đồng thời cũng là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Nhật Bản và Trung Quốc xử lý thỏa đáng những bất đồng còn tồn tại trong quan hệ hai nước thông qua đối thoại, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam cho rằng việc Nhật Bản và Trung Quốc duy trì quan hệ hòa bình có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và phát triển trong khu vực, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, mong muốn hai nước tiếp tục phát huy vị thế của mình, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) giữa Nhật Bản và Trung Quốc, về tổng thể, Việt Nam mong muốn hai nước giải quyết ổn thỏa bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Kinh nghiệm xử lý tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc
Về vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra và gọi là “vùng nước lịch sử”, Việt Nam phải tiếp tục bác bỏ yêu sách quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng nước được bao quanh “đường lưỡi bò” (yêu sách này của Trung Quốc đã được Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố tại Lahay bác bỏ. Vì khái niệm về vùng nước lịch sử không thể tìm thấy trong luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm của mình thì phải giải thích yêu sách đó trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hơn nữa, vùng nước lịch sử không được hiểu là vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bởi chúng bao gồm một số đá và bãi ngầm.
Về việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo bồi đắp bãi đá, rạn san hô trong thời gian gần đây, Việt Nam cần theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc đối với yêu sách của Nhật Bản trọng vụ Okinotori shima để có những lập luận sắc bén trong đấu tranh phản đối những hành động tôn tạo bãi đảo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc đã cáo buộc việc Nhật Bản ngày 1/10/2014 mở rộng thềm lục địa đảo Okinotori 3000 km2 về phía Bắc và 174.000km2 về phía Nam là hành động không theo căn cứ quy định của Liên Hợp quốc về việc mở rộng thềm lục địa và gây tổn hại đến lợi ích của các nước, trong đó có Trung Quốc. Đồng thời, truyền thông Trung Quốc cũng tố cáo Nhật Bản liên tục bố trí quân đội, trang thiết bị quân sự ở các đảo phía Tây Nam với mục đích nhằm vào Trung Quốc. Trước đó năm 2009, Trung Quốc đã gửi Công hàm phản đối việc Nhật Bản lấy đảo Okinotori làm điểm cơ sở để mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý vì Trung Quốc lập luận rằng đảo Okinotori chỉ là bãi đá ngầm, không phải là nơi cư dân có thể sinh sống, cũng không thể duy trì đời sống kinh tế riêng. Vì vậy, Việt Nam cần: 1/ Trên thực địa, tiếp tục theo dõi sát và công khai hóa bằng chứng về các hoạt động của Trung Quốc trong việc cơi nới, mở rộng, xây dựng cấu trúc tại các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa, nhất là tại các địa điểm chưa có nước nào quản lý; đồng thời chủ động lực lượng để ngăn chặn, cản phá các hành vi gây hấn mới của Trung Quốc; 2/ Kịp thời thông qua các kênh ngoại giao, kênh Đảng và giao thiệp trực tiếp giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước để trao đổi, xử lý ổn thỏa các vụ việc nảy sinh, tránh để leo thang thành xung đột quân sự; 3/ Tiếp tục vận động dư luận quốc tế, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN… phát huy tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Biển Đông, duy trì sức ép, buộc Trung Quốc phải hạn chế các hành động gây hấn trên biển; 4/ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chứng cứ lịch sử, pháp lý của Việt Nam ra bên ngoài; ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7/2016 về việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đẩy nhanh đàm phán xây dựng COC; 5/ Nâng cao tiềm lực quân sự và chấp pháp biển; hỗ trợ về vật chất, phương tiện, ban hành thêm các biện pháp hiệu quả cho lực lượng này.
Về vấn đề ngư dân, vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản đã tạo thêm thế và lập luận cho Việt Nam để đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề ngư dân và tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ, buộc Trung Quốc phải thả vô điều kiện tàu cá và ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động ở ngư trường hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục tích cực trao đổi với Nhật Bản về tình hình Biển Đông, vận động Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Việt Nam về tự do và an toàn hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982, tuân thủ DOC, sớm xây dựng COC của Việt Nam và đề nghị nước bạn phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việc vận động của Việt Nam đã phát huy hiệu quả khi Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Việt Nam một cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn tại các cuộc gặp song phương cũng như tại diễn đàn đa phương. Trong thời gian tới, Việt Nam, một mặt,cần phối hợp, tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của phía Nhật Bản về quan điểm của Việt Nam về tranh chấp ở Biển Đông; mặt khác,cần tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản cả cơ chế đối thoại và nâng cao năng lực cho lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc.