Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhà báo Mỹ: Đừng bao giờ học cách chống dịch COVID-19 của...

Nhà báo Mỹ: Đừng bao giờ học cách chống dịch COVID-19 của TQ

Nữ nhà báo Shikha Dalmia, trong một bài viết đăng trên Reason hôm 30/3 đã bình luận về cách chống dịch COVID-19 của Bắc Kinh. Theo bà, chính quyền Trung Quốc coi trọng sự tồn vong của họ hơn sự sống còn của người dân, nên chống dịch bằng cách che đậy thông tin và sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để ngăn chặn dịch bệnh, với mục đích giữ “ổn định” và tìm kiếm thành tích làm chỗ dựa cho sự tồn tại của họ.

 

Nhà báo Dalmia cho biết, bà đã tham gia một sự kiện truyền thông tại Trung Quốc cách đây 10 năm, ông Tập Cận Bình khi đó đã tới tham dự và kết thúc sự kiện bằng một bài phát biểu truyền đi thông điệp “mở cửa” của Trung Quốc. Theo nữ nhà báo của Reason, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của sự cởi mở đó, giới chức Trung Quốc vẫn cho thấy rõ việc kiểm soát thông tin trên mọi phương diện. Quan chức của họ ở mọi cấp mà các nhà báo của Reason gặp đều đưa ra câu trả lời thống nhất cho mọi câu hỏi, như thể họ đã học thuộc chúng từ cùng một nguồn.

Bà Shikha cho hay, Truyền thông Trung Quốc đang hướng về phần còn lại của Thế giới để loan truyền thông điệp rằng họ đã chiến thắng đại dịch COVID-19 một cách xuất sắc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có những động thái “cổ súy” cho hành động này của Bắc Kinh. Các quan chức WHO đã thực hiện một “chuyến đi thực tế” tới Trung Quốc và quay về với lời chúc mừng và ngợi ca rằng Bắc Kinh đã có cách “phản ứng độc đáo và mới lạ đối với việc bảo vệ người dân” của mình trong dịch bệnh.

Không chỉ có WHO bày tỏ sự thán phục trước sự tài tình của chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến với COVID-19. Nhiều chuyên gia và nhà báo Mỹ cũng thể hiện một tình cảm tương tự.

Chuyên gia Nicholas Christakis làm việc cho Đại học Yale mô tả biện pháp phong tỏa hàng trăm triệu người Trung Quốc của Bắc Kinh để chống dịch là “vô cùng ấn tượng”. Ông Nicholas cho rằng “văn hóa tập thể và chính phủ độc tài của Trung Quốc” đã “cho phép thực hiện các phản ứng ở phạm vi rộng lớn và có tính lan tỏa này”. Trong khi đó nhà báo Donald McNeil của New York Times thì ca ngợi những “thành công to lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến hạ gục dịch bệnh”, tương phản với những phản ứng chậm chạp của chính phủ Mỹ.

 Tuy nhiên, trong các tuyên truyền của mình, Bắc Kinh không tiết lộ cái giá về sinh mạng mà họ phải trả cho các chiến thuật toàn trị dùng trong cuộc chiến với dịch bệnh này, nhà báo Shikha cho biết.

Hai người Trung Quốc đeo khẩu trang phòng virus Vũ Hán (ảnh: chụp màn hình video bài hát “Hẹn gặp nhau vào mùa xuân”)

Theo bà Shikha, đứng ở thời điểm hiện tại mà nhìn lại, rõ ràng giới chức của thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19, thời gian trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, đã khăng khẳng phủ nhận việc nCoV có khả năng lây nhiễm từ người sang người, ngay cả khi trong một báo cáo của WHO vào thời điểm đó đã làm lộ ra thông tin có 739 người, bao gồm 419 nhân viên y tế, nhiễm bệnh.

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cố gắng tìm cách cảnh báo về sự xuất hiện của virus Vũ Hán, đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc gán cho tội “gây rối nghiêm trọng trật tự xã hội” và bị quản thúc tại nhà, sau đó chết vì chính loại virus nguy hiểm mà ông muốn chính quyền và người dân biết để đề phòng. Các nhà khoa học Trung Quốc chứng minh COVID-19 là một căn bệnh mới và nghiêm trọng cũng đã bị nhà cầm quyền buộc phải hủy công trình nghiên cứu của mình, đồng thời bị gán tội “kẻ lan truyền tin đồn thất thiệt”. Bà Shikha đặt ra giả thiết rằng, nếu các nhà khoa học quốc tế sớm được tiếp cận nghiên cứu này thì có thể giờ đây thế giới đã tìm ra được vắc-xin phòng tránh COVID-19.

Nhà báo Shikha viết: Tất cả điều này đã tạo điều kiện cho virus Vũ Hán tự do lây lan trong hai tháng ở Trung Quốc và hơn thế nữa.

Một nghiên cứu của Đại học Southampton, Vương Quốc Anh, đánh giá nếu chính quyền Trung Quốc công khai thông tin sớm hơn 3 tuần thì có thể số người nhiễm nCoV đã giảm 95% và thế giới có thể đã tránh được một đại dịch.

 Nhưng tại sao họ lại không làm điều đó, có thể không phải họ có ý định tấn công thế giới bằng dịch bệnh như những người theo thuyết âm mưu nhận định, mà đó là bởi hệ thống khép kín của Trung Quốc đã chặn luồng thông tin và cản trợ những cảnh báo chỉ thấy ở các xã hội cởi mở, nhà báo Shikha bày tỏ quan điểm trong bài viết của mình.

Tiếp tục bài viết, nữ nhà báo nhận định, một điều chắc chắn rằng Tổng thống Trump ban đầu cũng không đánh giá đúng mức nguy hiểm của COVID-19. Điều này một phần được thể hiện qua việc các quan chức liên bang liên tục cản trở bà Helen Chu, một nghiên cứu viên của Đại học Washington, theo đuổi những nghi ngờ của bà rằng virus Vũ Hán đã xuất hiện tại tiểu bang nơi bà sinh sống. Nhưng bà Chu, trái ngược với những đồng nghiệp tại Trung Quốc, sau đó đã trở thành anh hùng dân tộc và giới chức Mỹ đã bị chỉ trích nặng nề vì bỏ qua những cảnh báo sớm của bà.

Nhà báo Shikha cho rằng, kinh nghiệm này sẽ là một bài học cho các chính quyền Mỹ trong tương lai. Nhưng Trung Quốc, không giống như Mỹ, đã trải qua rất nhiều dịch bệnh nghiêm trọng nhưng dường như họ chưa rút ra được bất kể bài học nào. Vì dụ như họ đã từng đối mặt với dịch cúm tàn khốc nhất của thế kỷ 20, bệnh cúm châu Á vào năm 1957 giết chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 người Mỹ gốc Hoa, cũng như dịch SARS vào năm 2003 gần đây.

Khi có người cảnh báo về sự xuất hiện của dịch bệnh, theo bà Shikha, Bắc Kinh theo bản năng của nó, luôn tìm mọi cách bịt miệng những người này. Giống như bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ cảnh báo về dịch SARS cũng bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù.

Một người Trung Quốc bị nhân viên công lực tấn công khi tìm cách rời khỏi nhà mua thuốc cho mẹ (ảnh: lấy từ phim “Thanh âm hi vọng”)

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao giới chức Trung Quốc cứ luôn lặp đi lặp lại hành vi này? Bà Shikha cho rằng, bởi vì các chế độ độc tài coi quyền lợi của người dân có giá trị thấp hơn sự sống còn của họ. Đối với họ, một xã hội có tự do ngôn luận tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khiến họ mất đi quyền lực. Vì thế không cho tự do truyền thông sẽ giúp chính quyền Trung Quốc tùy ý sử dụng các biện pháp tàn nhẫn nhất để xử lý khủng hoảng mà không sợ bị người dân chỉ trích, và đương nhiên, cơ hội cho người dân nổi dậy lật đổ họ là rất thấp.

 Nữ nhà báo của Reason cho biết, khi virus Vũ Hán bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hà khắc nhất để buộc người dân đi cách ly hoặc tự cách ly ở nhà để phục vụ cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh của họ, tuy nhiên, những thông tin rò rỉ từ bên trong Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh không chú trọng việc điều trị cho người dân nhiễm bệnh, mà đặt ưu tiên cao hơn cho việc làm sao để virus không lây lan. Ngược lại, ở các nước dân chủ, cách phản ứng với COVID-19 bao gồm cả việc ngăn chặn sự lây lan và điều trị cho người bệnh. Ngay cả khi các quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa hoặc cách ly xã hội họ cũng cố gắng duy trì tiêu chuẩn điều trị cho bệnh nhân.

Trong những tuần qua, thế giới bị chấn động bởi những câu chuyện xảy ra trong đại dịch COVID-19 ở các nước đang là tâm dịch của châu Âu như Ý hay Tây Ban Nha, một câu chuyện đau lòng được kể là các bác sĩ ở những nước này phải đứng trước những quyết định nghiệt ngã, rằng họ sẽ cứu bệnh nhân lớn tuổi hay trẻ tuổi, bệnh nhân có tiền sử bệnh nền hay không.

Ở Trung Quốc, về cơ bản chính quyền nước này đã thể hiện sự lạnh lùng trong việc phân chia ranh giới giữa vùng có và không có dịch và họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của người dân vùng dịch lấy sự “ổn định”. Nhà báo Javier Hernandez của New York Time trong một bài viết cho hay, người dân ở thành phố Vũ Hán truyền nhau một thông tin rằng chính phủ Trung Quốc có ý định hi sinh người dân của thành phố này để giữ an toàn cho phần còn lại của đất nước.

Vì những lý do này, nhà báo Shikha đưa ra lời khuyên rằng “Thế giới nhất định không được học theo cách phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới