Việc tàu Hải Cảnh Trung Quốc (02/4) đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Quảng Ngãi khi đang đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam ở khu vực đảo Phú Lâm là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hành vi này còn đe dọa trực tiếp an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam.
Trước hành động ngang ngược, phi pháp và vô nhân đạo của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (03/4) cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Trong những năm gần đây, tàu cá của Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc, bao gồm tàu Hải cảnh, tàu Kiểm ngư, tàu “dân quân biển” (tàu quân sự đội lốt tàu cá), tàu cá cỡ lớn được chính phủ hậu thuẫn… đâm chìm khi đánh bắt cá hợp pháp trong ngư trường truyền thống của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1) Ngày 16/6/2016, tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuấn đang lặn bắt khu vực đảo Đá Ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì thì tàu Trung Quốc mang số hiệu 31102 sơn màu trắng lượn nhiều vòng cố ép tàu cá đưa về hướng đảo Phú Lâm bất thành, tàu sắt màu trắng xám húc thẳng vào ngang hông khiến tàu cá chao đảo, mạn phải bị hỏng nặng, kính cabin rơi xuống sàn tàu vỡ nát. Sau cú tông mạnh, tàu sắt này còn vờn uy hiếp thêm 15 phút nữa thì bỏ đi. (2) Vào lúc 11h ngày 9/7/2016, hai tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh và Võ Văn Lựu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Bông Bay 30 hải lý về phía Đông. Bất ngờ, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị 2 tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Sau khi khống chế được tàu của ông Lựu, một số người trên tàu của Trung Quốc thả xuồng cao su, lên tàu và đánh ông Lựu, dồn 5 thuyền viên về trước mũi tàu. Những người này tiếp tục lấy tàu của ông Võ Văn Lựu rượt đuổi tàu của ông Huỳnh Văn Khanh. Đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc làm chìm tàu của ông Lựu. Các thuyền viên phải bám vào mũi tàu vẫn còn nổi, để giữ mạng sống. Những người trên tàu Trung Quốc không những không cứu ngư dân Việt Nam, mà còn ngăn cản các tàu khác đến cứu ngư dân gặp nạn. (3) Khoảng 10h ngày 22/3/2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc màu trắng, số hiệu 46106 và 45103, áp sát. Tàu cá QNg 90440 bị đâm mạnh, bị vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu, nặng nhất là phía sau tàu. (4) Khoảng 8 giờ ngày 20/4/2018, ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Đông Nam, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS (công suất 340 CV, do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, 50 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) làm chủ. (5) Vào lúc 12 giờ 30 ngày 25/5/2018, tàu cá số hiệu QNg-96798TS do ông Lê Hơn (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ cùng 6 ngư dân đang hành nghề khai thác rong câu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 31102 rượt đuổi và đâm chìm. Các thuyền viên Quảng Ngãi vật lộn, lênh đênh trên biển sau đó được tàu Trung Quốc vớt lên và giam giữ trong 2 ngày. Quá trình bị giam giữ, các ngư dân liên tục bị tra hỏi, không cho thay quần áo ướt, không được tắm giặt, ăn không no…
Hành động trên của Trung Quốc là muốn thông qua đâm chìm tàu cá Việt Nam, để hòng đe dọa ngư dân ta không vào đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống, qua đó Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến biển đảo của Việt Nam thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu và ý đồ nham hiểm của Bắc Kinh sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ngư dân Việt Nam sẽ kiên dũng, không sợ Trung Quốc đe dọa để đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống của mình và góp phần lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, luật sự trong và ngoài nước cho rằng để bảo vệ ngư dân lâu dài và toàn diện, có ba hướng khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án luật biển quốc tế đều khả thi cả. Theo đó, ngư dân khởi kiện thông qua đại diện của mình là Hiệp hội nghề cá trong nước; Nhà nước khởi kiện yêu cầu tòa này ra phán quyết xác định (declaratory judgement) việc Trung Quốc dùng tàu đâm tàu Việt Nam, phá hoại phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực; Kết hợp một cách khéo léo cả hai hình thức khởi kiện trên.
Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện, tố tụng xét xử tại Tòa án luật biển quốc tế đặc biệt phức tạp. Hơn nữa, các thủ tục này hoàn toàn xa lạ và khác với thủ tục tố tụng tại Việt Nam. Ngay cả việc thu thập chứng cứ, chuẩn bị hồ sơ cũng theo các chuẩn mực không giống như Việt Nam vẫn quen thuộc. Ngay cả khi có nhiều khó khăn, trở ngại như thế, ngư dân Việt Nam cũng nên nộp đơn kiện lên Tòa án luật biển quốc tế. Vì ngay từ khi Tòa án quốc tế này nhận đơn khởi kiện, ngư dân ta đã được bảo đảm an toàn rồi. Trong hầu hết các giai đoạn của quá trình khởi kiện như: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; tố tụng văn bản; tố tụng công khai, đều có những trở ngại và ẩn chứa nguy hiểm có thể dẫn đến thất bại. Kể từ thời điểm đơn kiện được thụ lý, Trung Quốc có nghĩa vụ không được tiếp tục thực hiện những hành động làm hiện trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Nghĩa là không được tiếp tục phá hoại phương tiện, cản trở ngư dân ta đánh cá nữa. Nếu Trung Quốc vẫn làm, nguyên đơn (Hiệp hội nghề cá) có quyền yêu cầu Tòa án luật biển quốc tế quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Trung Quốc hoặc phải rút tàu ra khỏi vùng biển có ngư dân Việt Nam đánh bắt, hoặc phải bảo đảm các tàu của Trung Quốc giữ một khoảng cách an toàn xác định đủ để các tàu ngư dân Việt Nam an tâm đánh bắt.
Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc.