Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNóng: Dư luận lên án mạnh mẽ việc TQ đâm chìm tàu...

Nóng: Dư luận lên án mạnh mẽ việc TQ đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông

Ngày 02/4, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Hành động lần này tiếp tục cho thấy sự hung hãn, bất chấp luật pháp và tính mạng ngư dân các nước trên biển của Trung Quốc. Hành động nói trên ngay lập tức bị dư luận lên án mạnh mẽ.

TQ hành động hung hãn, côn đồ trên biển bất chấp pháp luật

Sáng 03/4, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận thông tin qua máy icom các tàu cá ngư dân báo về, 8 ngư dân trên bị tàu Trung Quốc tông chìm ở Hoàng Sa đã được an toàn.Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết qua thông tin tàu cá ngư dân báo về, sau khi Trung Quốc tông chìm tàu cá QNg 90617 của ngư dân Trần Hồng Thọ, tàu Trung Quốc đã quay lại cứu 8 ngư dân.Khi thấy 3 tàu cá của ông Đặng Tằm, Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh đến ứng cứu tàu cá gặp nạn thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Tàu Trung Quốc đã bắt kịp và lai dắt tàu của ngư dân Nguyễn Thành Linh và Đặng Dũng về đảo Phú Lâm. Tại đây, tàu Trung Quốc bàn giao 8 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm cho tàu ông Linh và tàu ông Dũng. “Khuya 2/4, anh em báo về là khoảng 17 giờ ngày 2/4, tàu Trung Quốc bàn giao 8 ngư dân. Phía Trung Quốc giao cho mỗi tàu 4 người rồi để tàu mình chạy đi. Riêng tàu của ngư dân Tằm không bị bắt nhưng bị truy đuổi, phun vòi rồng làm bể kính cabin, hư hỏng nhiều ngư lưới cụ”, ông Hùng thông tin. Bà Nguyễn Thị Chi (vợ ngư dân Thọ), cho biết gia đình đã nhận được tin nhắn từ số điện thoại di động của ngư dân Trần Hồng Thiên (em ruột ngư dân Trần Hồng Thọ) cho biết mọi người vẫn khỏe, nói cho người nhà của những ngư dân trên tàu đừng lo lắng.

Việt Nam lên án mạnh mẽ hành động của TQ

Trong thông cáo tối 3/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản hồi về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”. Theo bà Thu Hằng, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Hành động TQ như cướp biển thời hiện đại, đe dọa an toàn, tính mạng ở Biển Đông

Dư luận các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là tình trạng quân sự hoá cấu trúc tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các nước ven biển khai thác tài nguyên tại các vùng biển của mình theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đã gây xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng. Cho rằng nguyên tắc tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tuân thủ luật pháp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế, do đó cần quan hệ và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Nhiều ý kiến lên án hành động của Trung Quốc ví như cướp biển thời hiện đại hay loại tội phạm nguy hiểm bất chấp luật pháp và mạng sống ở Biển Đông. những hành vi đó của Trung Quốc đều vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Quốc tế. Trung Quốc cũng đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể là nguyên tắc không được dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vi phạm này nếu do cá nhân hay doanh nghiệp thực hiện là không thể chấp nhận, nhưng đây là hành vi của một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, thiết chế có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới, là điều càng không thể chấp nhận được. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa. Hành vi của Trung Quốc không thể nào được biện minh căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế. Còn với pháp luật Việt Nam, hành vi của Trung Quốc không chỉ vi phạm Luật Biển, mà còn vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam, cụ thể là chống người thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia còn cho rằng Việt Nam và các nước cần quốc tế hóa việc đấu tranh với hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc và cần đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Trung Quốc. Cần cho cộng đồng quốc tế thấy rõ đây là hành vi nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông, gây cản trở đối với an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông vốn là lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cuối cùng dư luận cho rằng Trung Quốc là một trong những nước có cách hành xử thô bạo, nguy hiểm và có phần tàn độc đối với ngư dân các nước đang đánh bắt cá trên Biển Đông. Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển hay lực lượng chấp pháp (Cảnh sát biển, Ngư chính…) tấn công, cướp bóc, đâm chìm tàu cá của ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, thay vì nhận sai và bồi thường cho ngư dân các nước, Chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên cho rằng lực lượng chấp pháp của minh “không hề tấn công” tàu cá các nước, khẳng định “tàu Trung Quốc đã cứu vớt” tàu cá các nước… Trong năm qua, tàu dân quân biển của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines khi đang nghỉ đêm tại vùng biển bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trôi dạt trên biển là một ví dụ điển hình. Không chỉ đâm chìm tàu cá các nước, lực lượng chức năng của Trung Quốc còn kiêm nhiệm chức năng “cướp biển”. Tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam (2/6/2019) bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông tin trên, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có số hiệu QNa-91441 khai báo rằng tàu bị “tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, yêu cầu mở hầm tàu và đưa hết mực khô bên trong rồi vận chuyển sang ca nô chở về tàu 46305”. Vụ cướp được ghi nhận xảy ra tại vị trí 15 độ 42 phút Bắc, 111 độ 34 phút Đông, thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu QNa-91441 cho biết, “trong khi khống chế và lấy mực, có người trên tàu Trung Quốc nói tiếng Việt với các ngư dân rằng đây thuộc vùng biển Trung Quốc nên cấm khai thác. Ngoài ra người này còn dọa sẽ cắt hết lưới và lấy hết dụng cụ hành nghề nếu phát hiện ngư dân Việt Nam lần sau”. Tin cho hay trị giá của 2 tấn mực khô vào khoảng 250 triệu đồng, nhưng thiệt hại chung do chuyến đi gặp trở ngại có thể cao hơn gấp đôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới