Để theo dõi sát tình hình nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm khu vực Biển Đông, Hải quân Việt Nam đã bố trí hệ thống radar có thể bao quát toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, có thể phát hiện các vụ tấn công bằng tên lửa từ xa.
Theo các chuyên gia quân sự, các radar giám sát thường hoạt động theo nguyên lý truyền sóng bức xạ điện từ, nhưng sóng này lại có xu hướng đi theo đường thẳng. Trong khi đó, Trái Đất lại có dạng hình cầu, điểm giao nhau giữa đường thẳng của sóng radar và hình cầu của Trái Đất được gọi là “giới hạn đường chân trời”. Điều đó đồng nghĩa với việc các trạm radar cảnh giới bố trí từ mặt đất sẽ không thể phát hiện được các mục tiêu di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời này, nhất là các mục tiêu di chuyển trên mặt biển nơi mà giới hạn đường chân trời được phát huy tối đa.
Một radar hải quân truyền thống nếu được đặt ở độ cao 10 m sẽ có tầm phát hiện là 13 km, nếu tăng độ cao lên 20 m thì tầm phát hiện là 40 km. Chính vì vậy mà các đài radar đều được đặt lên giá cao, đồng thời chọn vị trí trên các đỉnh núi. Điều này cho phép tăng tầm phát hiện mục tiêu. Tuy nhiên, với Biển Đông, khoảng cách cần quan sát lên đến hàng nghìn km, do đó, không thể dựa hoàn toàn vào vị trí địa lý được. Cần phải trang bị loại radar có khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời.
Nhằm khắc phục điểm yếu “chết người” của các hệ thống radar cảnh giới giám sát bờ biển, các nhà khoa học trên thế giới đã phát triển một công nghệ radar mới với khả năng truyền sóng radar đi theo chiều cong của Trái đất. Loại radar này cho phép phát hiện được các mục tiêu di chuyển trên mặt biển vượt radar ngoài giới hạn đường chân trời. Coast Watcher 100 mà Việt Nam có trong trang bị là một trong những hệ thống radar làm được điều đó.
Hệ thống radar Coast Watcher 100 (CW-100) được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế. Hệ thống do Tập đoàn Thales (Pháp) sản xuất và được đánh giá là một trong hệ thống radar giám sát biển hiện đại hàng đầu thế giới. Để vượt “giới hạn đường chân trời”, Coast Watcher 100 sử dụng sóng truyền bề mặt dựa vào sóng đất với bước sóng khoảng 10m. Công nghệ này cho phép sóng radar truyền đi theo đường cong của Trái đất, đồng nghĩa với giới hạn đường chân trời trong trường hợp này bị loại bỏ. Hệ thống anten của Coast Watcher 100 thiết kế hoàn toàn từ sợi carbon nên có độ bền rất cao. Nó có thể cung cấp khả năng giám sát bờ biển 24 giờ/ngày, liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì. Cụ thể, nó có thể phát hiện các mục tiêu như: tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản hồi sóng radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45km; phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản hồi radar 25m2 bay ở độ cao 170m, cự ly 90km; tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3m trên mực nước biển từ cự ly 145km; tàu chiến có RCS 10.000m2, chiều cao 10m trên mực nước biển từ cự ly 170km.
Hiện nay, để theo dõi sát tình hình nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm khu vực Biển Đông, Hải quân Việt Nam đã bố trí hệ thống radar có thể bao quát toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, có thể phát hiện các vụ tấn công bằng tên lửa từ xa. Theo đó, đầu tiên mạng lưới radar hải quân hiện nay của Việt Nam được bố trí ở ở các đỉnh núi sát bờ biển, có những đỉnh núi độ cao đạt từ hàng trăm tới hàng nghìn mét. Với độ cao này, có thể nói các radar Việt Nam có thể kiểm soát được hầu hết diện tích Biển Đông. Thứ hai là bố trí các đài radar tại các đảo trên biển, từ các đảo này sẽ thu nhận tín hiệu và truyền thông tin về các trung tâm chỉ huy. Không chỉ các đảo gần bờ mà ngay quần đảo Trường Sa cũng đã được trang bị các đài radar hải quân. Thứ ba là bố trí các tàu thuyền có khả năng theo dõi tàu đối phương, từ đó chuyển thông tin về trung tâm. Trong một biên đội tàu tác chiến luôn có những tàu này. Thứ tư là dùng máy bay tuần tra, trinh sát. Hiện nay, Việt Nam đã tăng cường lực lượng máy bay này với các loại máy bay M-28, thủy phi cơ DHC-6, CASA-212, trực thăng Ka-28.
Tuy nhiên, các đài radar dù hiện đại đến đâu cũng không thể dùng dẫn bắn hoàn toàn cho tên lửa chống hạm mà chỉ dùng để chỉ thị vùng có mục tiêu. Vì thế, radar trên tên lửa phải đảm nhận vai trò dẫn tên lửa tìm đến mục tiêu. Thế nhưng, công suất của các tên lửa tương đối nhỏ so với các đài radar mặt đất. Rõ ràng đây là một bài toán khó giải quyết. Một số tên lửa giai đoạn đầu sẽ bay cao để xác định sơ bộ mục tiêu, sau đó sẽ tắt radar. Yakhont là loại tên lửa sử dụng nguyên lý này. Tên lửa chống hạm bay cực thấp để tránh bị phát hiện bởi radar và hệ thống đánh chặn của đối phương. Ngược lại, radar trên tên lửa cũng không được bật quá sớm, mà chỉ trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu (tầm dưới 30 km) mới được bật để tránh bị đối phương phát hiện. Cần lưu ý đặc điểm của tàu chiến đối phương là mục tiêu di động nên trong quá trình bay của tên lửa, có thể mục tiêu đã ra khỏi vùng dự đoán ban đầu.
Ví dụ tên lửa Kh-35E tầm bắn 130 km, tốc độ hành trình là Mach 0.85 thì mất khoảng 7 phút để đạt tầm 130 km. Nếu tàu địch có vận tốc tầm 30 km/h thì sẽ cách vị trí ban đầu 3,5 km. Rõ ràng hai vị trí ban đầu và mới cách nhau rất xa. Chưa kể các tên lửa chống hạm có tầm bắn tới 550 km như P-35. Để giải quyết bài toán này, khi radar tự dẫn trên tên lửa được bật, nó sẽ tiến hành sục sạo lại và lựa chọn mục tiêu của mình. Tuy nhiên, góc quét của radar khá nhỏ nên để tăng vùng quan sát, tên lửa sẽ tiến hành “đánh võng” trên quỹ đạo. Với góc quét giả dụ là 15 độ, nếu tiến hành đánh võng thêm 15 độ sang hai bên thì phạm vi quan sát của radar sẽ là 45 độ. Để tiến hành lựa chọn mục tiêu, bộ phận tính toán trên khoang sẽ xử lý dữ liệu từ radar. Về nguyên tắc sẽ chọn mục tiêu quan trọng hơn, đặc điểm các loại mục tiêu khác nhau đã được nạp vào máy tính trên khoang tên lửa làm dữ liệu để so sánh.
Với các tên lửa hiện đại như Yakhont, chiến thuật của tên lửa là hết sức linh hoạt. Khi tiến hành bắn loạt, một quả sẽ bay cao, chỉ thị mục tiêu cho hai quả bay thấp. Các tên lửa sẽ được phân công các mục tiêu khác nhau để tránh trùng lặp. Đối với mục tiêu cỡ lớn, sẽ sử dụng nhiều tên lửa vào một mục tiêu để tăng xác suất tiêu diệt. Chiến thuật của Yakhont được mệnh danh là “chiến thuật bầy sói”, một đỉnh cao của tên lửa chống hạm. Ngay cả tên lửa thế hệ cũ như P-35 cũng có khả năng này. Tên lửa P-35 có độ cao hành trình từ 100-400 m, hoặc có thể bay cao từ 4.000-7.000 m trong trường hợp dùng radar của tên lửa để dẫn đường cho các tên lửa khác. Ở pha cuối, tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100 m trước khi lao đến mục tiêu.
Như vậy, có thể thấy rằng với cách bố trí các phương tiện đã có cộng với các phương tiện mới được trang bị như radar ngoài đường chân trời, máy bay trinh sát và đặc biệt là chiến thuật linh hoạt của tên lửa thì bài toán đường chân trời của Hải quân Việt Nam hoàn toàn đã được giải quyết. Hệ thống radar và tên lửa Việt Nam có thể bao quát được khắp mặt Biển Đông.