Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLập luận cơ sở pháp lý để TQ yêu sách “chủ quyền”...

Lập luận cơ sở pháp lý để TQ yêu sách “chủ quyền” trên Biển Đông

Trung Quốc đã vận dụng không ít những nguyên tắc từ luật pháp quốc tế, như quyền phát hiện dưới góc nhìn của luật quốc tế theo thời điểm, những sự việc thể hiện năng lực làm chủ và sự công nhận từ quốc tế để khẳng định “chủ quyền” ở Hoàng Sa.

Thứ nhất, lập luận của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những hành động khai thác của ngư dân. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế ghi nhận chủ thể của việc thụ đắc lãnh thổ phải là nhà nước mà những hành động khai thác của ngư dân được Trung Quốc viện dẫn chỉ là những hành vi cá nhân, không có đặc quyền, không phù hợp với sự chiếm hữu cũng như với ý định khẳng định chủ quyền. Trong phán quyết ngày 30/6/1865 của Tòa Trọng Tài quốc tế về tranh chấp trên đảo Aves giữa Venezuela và Vương quốc Netherland, Tòa cũng nhận định là: “Việc chiếm cứ do các tư nhân không hành động nhân danh chính phủ của họ mà thực hiện vì một lợi ích cá nhân không tạo thành một sự chiếm hữu”. Hơn nữa, phải khẳng định là tiến hành các hoạt động khai thác xung quanh quần đảo Hoàng Sa không chỉ có ngư dân của mỗi nước Trung Quốc mà còn có các quốc gia khác của Đông Nam Á.

Thứ hai, các hoạt động mà Trung Quốc cho là hành xử chủ quyền thì không đáp ứng đủ các yếu tố hòa bình, công khai và liên tục. (1) Sự kiện hải quân nhà Bắc Tống đi tuần tra vùng biển “Cửu Nhũ Loa Châu” thì vị trí địa lý được mô tả lại rất mơ hồ, không có bằng chứng, phần nhiều mang tính suy luận. Tính suy luận được thể hiện rất rõ ngay trong ngôn từ của văn bản Sách trắng 1980 với dòng chữ: “Cửu Nhũ Loa Châu ngày nay là quần đảo Tây Sa”. Một bằng chứng mà do suy luận thì giá trị của bằng chứng đó không thể đủ để thuyết phục được. Trung Quốc lại chưa thể chứng minh được liệu rằng “Cửu Nhũ Loa Châu” có thật là quần đảo Tây Sa hay không? (2) Việc đo đạc thiên văn đầu nhà Nguyên có đề cập đến 27 địa điểm nhưng có cả những điểm như Cao Ly (thuộc Triều Tiên) và Thiết Lặc (thuộc vùng Siberia). Nhận thấy rằng, trong 27 điểm đo đạc thiên văn thì đã có ít nhất hai điểm rất rõ ràng là không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, thì làm sao có thể lấy sự kiện này làm căn cứ khẳng định chủ quyền tại điểm “đo ở cực Bắc Nam Hải ra đến 15 độ” (có thể là quần đảo Hoàng Sa)? Cho dù sự thật về điểm “đo ở cực Bắc Nam Hải ra đến 15 độ” đó có là quần đảo Hoàng Sa đi nữa thì hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng đó cũng là một điểm thuộc nước ngoài như hai điểm đã được xác định rõ ở Cao Ly và Thiết Lặc. Và quan trọng hơn hết là việc tiến hành nghiên cứu khoa học chưa từng là căn cứ xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ. Cũng theo tư tưởng này mà ngày nay đối với những vùng là “di sản chung của nhân loại” thì các quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện nghiên cứu khoa học và đương nhiên không kéo theo bất kỳ hệ quả nào về việc xác lập chủ quyền cho quốc gia có thực hiện nghiên cứu khoa học tại vùng đó. (3) Các địa danh mà phó tướng thủy sư Ngô Thăng tiến hành tuần biển thì theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Thao, các địa danh đó là các đảo ven bờ lục địa Trung Hoa hoặc lân cận đảo Hải Nam, hoàn toàn không đề cập đến Tây Sa hay Nam Sa. (4) Suốt từ thế kỷ XVII cho tới những năm đầu thế kỷ XIX trước lúc Việt Nam trao các quyền quốc gia cho Pháp, trong khi Việt Nam có những bằng chứng xác đáng về việc tổ chức khai thác mang tính chất nhà nước với các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải thì Trung Quốc lại không có bất kỳ phản ứng nào, việc này rất bất lợi cho Trung Quốc vì có thể bị hiểu là “sự đồng ý ngầm” (acquiescence) vì không có các hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng như đã đồng tình với sự chiếm hữu của Việt Nam. (5) Cuộc hành quân chớp nhoáng (24 giờ) của Đô đốc thủy sư Lý Chuẩn có thể bị xem là hành động muộn màng vì Hoàng Sa đã bị đặt dưới sự quản lý có hiệu quả của triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam). Mặt khác, chính phủ bảo hộ của triều Nguyễn (Pháp) lúc bấy giờ cũng đã có những hành động thiết thực và cụ thể như ra chiếm đóng, xây dựng quần đảo. Cũng nói thêm, cuộc hành quân này của Lý Chuẩn đã bị giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau và gây ra mâu thuẫn trong lập luận của chính nước này khi cho rằng đây chính là hành động xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ vô chủ với những hành động như treo cờ và bắn một loạt súng đại bác. Vì trên thực tế năm 1909 là mốc quan trọng trong yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhiều bản đồ, ghi chép của Trung Quốc về Hoàng Sa xuất hiện nhiều hơn kể từ sau sự kiện này. Nếu lập luận theo hướng sự kiện này là dấu mốc Trung Quốc xác lập chủ quyền thì hoàn toàn mâu thuẫn vì phủ nhận trực tiếp “chủ quyền lâu đời” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. (6) Sự thật không thể chối cãi được, Trung Quốc đã hai lần dùng vũ lực để chiếm đóng trên thực tế quần đảo này vào năm 1956 và 1974. Cả hai sự kiện này đều xảy ra sau khi luật quốc tế hiện đại ra đời (1945) với nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Một sự chiếm đóng quân sự khi bị tố cáo như vậy sẽ không bao giờ và bằng bất kỳ cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận.

“Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” là một trong 7 nguyên tắc cơ bản và là nền tảng của luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này đã có quy định tại khoản 4 Điều 2 Hiến chương LHQ 1945: “Tất cả các Thành viên phải phòng tránh việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào mà không phù hợp với những mục tiêu của LHQ” và được tái khẳng định lại tại Tuyên bố 1970: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của việc thụ đắc bởi một quốc gia khác bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Không một sự chiếm đóng lãnh thổ do việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực được thừa nhận là hợp pháp”. Từ đó cho thấy, nguyên tắc này đóng một vai trò tối quan trọng trong luật pháp quốc tế, đi ngược lại nguyên tắc này là đi ngược lại với luật pháp quốc tế, đó là một sự vi phạm nghiêm trọng và hết sức nguy hiểm cho mục đích duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

Năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống khi Pháp vừa rút quân mà đem quân đội chiếm đóng phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Tuy rằng không có xảy ra giao tranh nhưng hành động đem quân này của Trung Quốc cũng thể hiện được khả năng cho một cuộc chiến. Vấn đề đặt ra là nếu Trung Quốc đã có chủ quyền từ lâu đời thì tại sao không dùng biện pháp pháp lý đệ đơn lên các thiết chế tài phán trong nước này là một trong năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ? Trong khi tính đến thời điểm năm 1956 thì đã có đến 7 vụ tranh chấp lãnh thổ đã được các thiết chế tài phán giải quyết. Thậm chí vào năm 1937, Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Pháp về việc đưa vấn đề ra trọng tài.

Còn đối với năm 1974, hành động dùng chiến tranh để giành lấy sự kiểm soát lãnh thổ là vi phạm hết sức nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Trong khi tính đến năm 1974 đã có 13 vụ tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng con đường hòa bình. Đây là một bất lợi rất lớn cho Trung Quốc, điều này làm giảm nghiêm trọng sức thuyết phục của các lập luận về chủ quyền.

Về sự công nhận quốc tế: Sự công nhận quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những tranh chấp lãnh thổ. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy các lập luận về sự công nhận quốc tế của Trung Quốc tồn tại một số điểm không thỏa đáng sau:

Thứ nhất, đối với Hiệp ước Pháp – Thanh 1887. Hiệp ước này không có ý nghĩa trong vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là một điều ước quốc tế nên cần được hiểu theo đúng tinh thần của một điều ước quốc tế. Căn cứ theo Điều 31 Công ước Vienne về Luật Điều ước quốc tế 1969 thì một điều ước cần được hiểu đúng với nghĩa gốc được thể hiện bằng từ ngữ trong văn bản trong hoàn cảnh của nó và dưới ánh sáng của đối tượng và mục tiêu của hiệp ước. Đồng thời Điều 32 Công ước này cho phép viện dẫn đến các công việc trù bị và các hoàn cảnh ký kết hiệp ước trong trường hợp khi áp dụng các nguyên tắc giải thích ở Điều 31 mà lại: (a) đem đến ý nghĩa không nhất quán, không chắc chắn hay (b) dẫn đến những kết quả vô lý. Từ đó, đối tượng và mục tiêu của Hiệp ước Pháp – Thanh 1887 chỉ là hoạch định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc và được thể hiện ngay ở tên của Hiệp ước: “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”. “Tonkin” trong tiếng Pháp có nghĩa là miền Bắc Việt Nam. Như vậy, giá trị hiệu lực về không gian của văn bản này là vùng Bắc Bộ của Việt Nam chứ không bao trùm quần đảo Hoàng Sa.

Thứ hai, đối với sự công nhận của Pháp: Trung Quốc đã thực sự không trình ra được chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại trên thực tế của các lời nói từ người đứng đầu Nhà nước Pháp và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Aristide Briand như đã trích dẫn trong Công hàm A/68/956. Trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, thái độ của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa có sự khác biệt rõ rệt trong khoảng thời gian trước và sau những năm 1930. Sự lơ là đối với việc thực thi chủ quyền được giải thích là vì Pháp chưa chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Thái độ đó đã được thay thế bằng thái độ tích cực đưa quân quản lý, khai thác và xây dựng quần đảo kể từ thời điểm Toàn quyền Đông Dương Pasquier gửi một bức công điện cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa để khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ để xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục “thực hiện cái quyền đã tồn tại trước đó”. Từ đó cho thấy rằng, Pháp tuy có thái độ lơ là trong việc thực thi chủ quyền nhưng cũng chưa hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc như nước này đã lập luận và khi đã chắc chắn được chủ quyền của quốc gia mình đang bảo hộ thì Pháp đã có những động thái rất tích cực trong việc thay thế cho triều đình An Nam tiếp tục hành xử chủ quyền.

Thứ ba, đối với sự công nhận của Nhật Bản: Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam và Văn bản đầu hàng của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II không hề trao cho Trung Quốc chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này được thể hiện rất minh bạch trong từ ngữ của những văn bản trên.Tuyên bố Cairo ghi nhận rằng: “Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã xâm chiếm kể từ đầu Thế chiến thứ I năm 1914; bao gồm các lãnh thổ mà Nhật Bản đã xâm lược của Trung Quốc, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trao trả lại cho Trung Quốc. Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các lãnh thổ khác đã chiếm được nhờ vũ lực và lòng tham.

Tuyên bố Postdam là một sự tái khẳng định lại nội dung của Tuyên bố Cairo: “Nội dung của Tuyên bố Cairo sẽ được thực thi và chủ quyền của Nhật Bản sẽ được giới hạn lại trong các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và những đảo nhỏ như đã xác định”. Và văn bản đầu hàng của Nhật Bản lại là sự cam kết thực hiện các yêu cầu của Tuyên bố Postdam: “Chúng tôi, sau đây, cam kết với Nhật hoàng, với Chính phủ Nhật Bản và với bên thắng cuộc sẽ thực hiện các yêu cầu của Tuyên bố Postdam với thiện chí”.

Như vậy, cả 3 văn bản trên không hề có nội dung nào là trao cho Trung Quốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, trong Tuyên bố Cairo, khi ngắt rời hai cụm “lãnh thổ mà Nhật Bản đã xâm lược của Trung Quốc” và “lãnh thổ khác đã bị xâm chiếm bằng vũ lực và lòng tham”, Tuyên bố này đã ngầm thừa nhận các “lãnh thổ khác” (có cả quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà Nhật Bản chiếm đóng đã được liệt kê rất rõ là chỉ bao gồm: Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ.

Việc không đề cập đến yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng trong tuyên bố Cairo, nhất là khi Trung Quốc là một bên tham gia Tuyên bố, khi đó Thống chế Tưởng Giới Thạch đã đích thân có mặt tại các cuộc hội đàm kéo dài nhiều ngày ở Cairo. Việc không nói tới các quần đảo trong phần này của Tuyên cáo Cairo năm 1943 không thể hiện kết quả của một sự tình cờ, không có một bảo lưu cũng như một tuyên bố riêng rẽ nào của Trung Quốc về vấn đề các lãnh thổ này. Như vậy, có thể kết luận là lập luận về việc Nhật Bản “trao trả” lại chủ quyền đối với Hoàng Sa cho Trung Quốc là không có căn cứ.

Từ những vấn đề trên cho thấy, các căn cứ, lập luận pháp lý để Trung Quốc đưa ra các yêu sách, đòi hòi về cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Không những vậy, hành động của Trung Quốc còn đi ngược lại các quy định liên quan và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, lên án mạnh mẽ.

RELATED ARTICLES

Tin mới