Mục tiêu cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ là nhằm xây dựng một trục liên minh “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, giành quyền chủ đạo, kiểm soát toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ đó, tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ. Chiến lược này đang có những tác động lớn đến tình hình khu vực hiện nay.
Một là, với chiến lược này, một mặt, Mỹ tạo ra sân chơi mới, cạnh tranh tự do và cởi mở, không lệ thuộc vào Sáng kiến BRI của Trung Quốc; mặt khác, chiến lược FOIP thúc đẩy các quốc gia tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh đối với các nước trong khu vực. Chiến lược này ở một mức độ nhất định tạo cơ hội cho các nước trong khu vực tranh thủ được những yếu tố phù hợp về vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy củng cố quốc phòng – an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung.
Xuất phát từ những yếu tố nội tại của Mỹ gắn liền với tính chất trọng yếu về an ninh quốc gia và vai trò của Mỹ trên thế giới. Là khu vực tiếp giáp với nhiều đại dương, cửa ngõ, yết hầu nối liền Mỹ với thế giới, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương luôn được Mỹ coi là khu vực địa – chiến lược trọng yếu, tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Việc thực hiện chiến lược FOIP là cách để Mỹ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm sự tự do và an ninh giao thông đường biển, duy trì thế cân bằng lực lượng, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và giao lưu văn hóa – xã hội tại khu vực.
Hai là, chiến lược FOIP tác động đến tư duy quốc phòng và xây dựng quân đội, thúc đẩy khả năng hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa quân đội các nước khu vực với Mỹ. Điều chỉnh chiến lược của Mỹ làm nảy sinh cạnh tranh mạnh mẽ trong quan hệ giữa các nước lớn, tạo cơ hội để các nước trong khu vực tranh thủ hợp tác xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ, phục vụ hiện đại hóa quân đội.
Mỹ đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm giải quyết những mối đe dọa chung, bảo vệ những nguồn lực chung. Cụ thể, Mỹ hợp tác chặt chẽ với khu vực trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ các quyền và tự do hàng hải tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như ngăn chặn sự gia tăng của lực lượng khủng bố. Mỹ củng cố quan hệ với các nước đồng minh để tạo sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ với các trung tâm quyền lực chính trị, sức mạnh kinh tế, quân sự trên thế giới; đồng thời, hình thành các liên minh mới để bao vây, đối trọng với Trung Quốc và Nga, duy trì vai trò, vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới.Mỹ mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự và chính trị với các nước trong khu vực thông qua phát triển hợp tác kỹ thuật - quân sự, tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, song song với việc mở rộng kết cấu hạ tầng, tạo lập hệ thống cơ sở tiền đồn để triển khai lực lượng quân sự về phía trước của Mỹ.
Ba là, sự tồn tại đồng thời Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc và FOIP của Mỹ có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng, cạnh tranh, nhất là tại những “điểm nóng”, như Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và bán đảo Triều Tiên. Thêm nữa, sự cọ xát giữa BRI của Trung Quốc và “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.
Xuất phát từ tình hình an ninh khu vực, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với việc xây dựng và quân sự hóa ở Biển Đông được xem là đe dọa dòng chảy thương mại tự do, đe dọa thu hẹp chủ quyền của các quốc gia, làm suy giảm sự ổn định, an ninh khu vực. Không chỉ có vậy, BRI của Trung Quốc đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi chưa có cơ chế đa phương về an ninh, chủ yếu dựa trên các hiệp định và thỏa thuận song phương (như Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật Bản, Hiệp ước phòng thủ song phương Mỹ – Hàn Quốc…). Mỹ thuyết phục các nước trong khu vực tin tưởng Mỹ, gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ, nhưng trật tự bền vững ở khu vực bị ảnh hưởng bởi vai trò của Trung Quốc, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu dự kiến được ký kết trong năm 2020, được xem là một yếu tố gây phức tạp đối với chiến lược FOIP của Mỹ.
Tóm lại, trong bối cảnh địa – chính trị đa dạng và có nhiều xáo trộn, chiến lược FOIP là con đường mà Mỹ hướng đến thúc đẩy hợp tác quản trị khu vực nhưng sẽ gặp không ít trở ngại, khó khăn. Triết lý “ba chân kiềng” của Mỹ được xây dựng để sẵn sàng hành động, triển khai các quan hệ với các đối tác trong khu vực và thúc đẩy sự kết nối liên vùng. Ba “chân kiềng” này nhằm đáp ứng những “lợi ích cốt lõi” của Mỹ trong khu vực. Thông qua chiến lược FOIP, Mỹ muốn truyền bá, áp đặt các giá trị theo tiêu chuẩn Mỹ về tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong khu vực. Do vậy, khi tham gia hợp tác khu vực cần có chiến lược phù hợp để tận dụng các cơ hội và bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, không bị rơi vào vòng xoáy, tranh đua lợi ích giữa các cường quốc.